Dân Việt

Bắc Kạn chú trọng nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chiến Hoàng 04/12/2024 08:45 GMT+7
Cùng với việc đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao nhận thức, đời sống tinh thần cho người dân.

Nâng cao nhận thực về công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Chia sẻ với Dân Việt, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.186/1.292 khu dân cư đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa", đạt 91,8%, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 90,8%; 28 xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn chuẩn văn hoá nông thôn mới". Cùng với đó, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Bắc Kạn quan tâm, chú trọng.

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Lễ hội Chợ tình Xuân Dương được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn phục dựng năm 2023. Ảnh: Chiến Hoàng.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng 6 dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gồm: Hát then, lượn cọi, lượn slương, hát ru của dân tộc Tày, múa khèn của dân tộc Mông và nghệ thuật thêu hoa văn của dân tộc Dao đỏ.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã xây dựng 2 dự án bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, cụ thể là Lễ hội văn hóa truyền thống Chợ tình Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì và Lễ hội Lồng Tồng thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông).

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Chợ tình Xuân Dương (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vào phiên, người dân khắp nơi tụ về chật kín cầu tre bắc qua sông Pác Sen. Ảnh: Chiến Hoàng.

Là hoạt động văn hóa truyền thống, món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Xuân Dương (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), Lễ hội văn hóa "Chợ tình Xuân Dương" diễn ra vào 25/3 âm lịch hằng năm luôn được người dân không chỉ tại địa phương này ngóng đợi mà đã thực sự trở thành ngày hội lớn của tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội văn hóa "Chợ tình Xuân Dương" là điểm sáng trong công tác bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Tày Nùng Bắc Kạn.

Chợ tình Xuân Dương (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vào phiên. Clip: Chiến Hoàng

Thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, năm 2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND xã Xuân Dương, huyện Na Rì tiến hành tổ chức phục dựng, tái hiện không gian văn hóa "Chợ tình Xuân Dương". Và Chợ tình Xuân Dương đã thực sự trở thành điểm đồng quy của các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày - Nùng Bắc Kạn với các thể hát sli, lượn, phong slư, múa bát... cùng rất nhiều trò chơi dân gian tạo nên một sân chơi truyền thống đa sắc.

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 3.

Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), chia sẻ về Chợ tình Xuân Dương trong đời sống văn hóa tính thần của cộng đồng Tày - Nùng. Ảnh: Chiến Hoàng

Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ (xã Xuân Dương, huyện Na Rì) khẳng định, Chợ tình Xuân Dương đã trở thành một phần không thế thiếu trong đời sống văn hóa của các cư dân Tày - Nùng huyện Na Rì nói riêng, rộng hơn là cả tỉnh Bắc Kạn. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ. Chợ tình Xuân Dương còn là nơi gìn giữ và tiếp lửa đam mê cũng như truyền thừa các di sản văn hóa phi vật thể cho muôn đời sau.

Có thể khẳng định, việc thực hiện các dự án văn hóa thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại tỉnh Bắc Kạn. Nhất là khi đưa bản sắc văn hóa vào các hoạt động du lịch trải nghiệm.

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 4.

Đêm sinh hoạt của CLB hát Then - Đàn tính xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn do Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Kạn tổ chức. Ảnh: Chiến Hoàng

Hiệu quả từ các dự án văn hóa

Ông Lâm Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch, trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, đơn vị được Sở giao thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

"Riêng năm nay chúng tôi được giao thực hiện một mô hình trải nghiệm tìm hiểu văn hóa Tày gắn với phát triển du lịch tại thôn Nà Hin, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì. Mô hình này sẽ được báo cáo thực nghiêm vào ngày 5/12 tới. Cùng với đó là xây dựng 3 CLB hát Then, đàn tính tại huyện Chợ Mới, Chợ Đồn và thị trấn Vân Tùng của huyện Ngân Sơn.

Trung tâm cũng đã triển khai 12 đội văn nghệ tại các huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập các đội văn nghệ cơ bản thuận lợi vì đều là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên do các nghệ nhân chủ yếu làm nông nên cũng khó bố trí về thời gian để tập luyện, thêm nữa là lớp trẻ hiện đi làm công ty ngoại tỉnh nhiều nên chủ yếu là người lớn tuổi tham gia", ông Du cho biết thêm.

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 5.

Du khách ngâm chân thảo dược tại thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Hà Tuyết

Được biết các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống tại Bắc Kạn đã góp phần giữ gìn phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã thực hiện khảo sát, kiểm kê sưu tầm được 340 di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Là huyện nổi bật về phong trào văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là công tác bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Hà Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương luôn qua tâm định hướng chỉ đạo phát huy bảo tồn bản sắc văn hoá vùng ATK. Các dự án văn hóa thuộc dự án 6 Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS & MN đã góp phần nâng cao nhận thức, đời sống văn hóa tinh thần của người dân,

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 6.

Thêu truyền thống của đồng bào Dao thôn Bản Cuôn (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) phục vụ du khách tham gia du lịch trải nghiệm. Ảnh: Hà Tuyết

"Trong nhịp sống hiện đại, khi nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một thì những lớp tập huấn, truyền dạy được mở ra sẽ góp phần bảo tồn và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong cộng đồng dân cư; làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương gắn với phát triển du lịch", bà Tuyết cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm nhận định, việc thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là các dự án về văn hóa đã mang lại những đổi thay mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Pác Nặm.

Bắc Kạn chú trọng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 7.

Phục dựng thể hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Không chỉ đời sống tinh thần của người dân được nâng cao mà còn rất nhiều loại hình nghệ thuật có nguy cơ mai một của huyện cũng kịp thời được bảo tồn, ví dụ như lượn cọi, hát ru của người Tày, hát pá dung của người Dao…", ông Tuấn nhấn mạnh.

Có thể thấy, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, điều đó phản ánh thành quả đạt được từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của cả hệ thống chính trị với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.