Các con kênh đào nhân tạo sản sinh miền di sản phương Nam

Thứ ba, ngày 03/12/2024 05:24 AM (GMT+7)
Lịch sử hình thành ĐBSCL bắt đầu từ quá trình bồi đắp miệt mài qua hàng vạn năm của dòng Mekong hùng vĩ; nhưng chính những dòng kênh do con người tạo dựng nên chỉ với qua vài trăm năm với sự xuất hiện của những lớp cư dân Việt, đã sản sinh nên một đồng bằng châu thổ mênh mông...
Bình luận 0

Lịch sử hình thành ĐBSCL bắt đầu từ quá trình bồi đắp miệt mài qua hàng vạn năm của dòng Mekong hùng vĩ; nhưng chính những dòng kênh do con người tạo dựng nên chỉ với qua vài trăm năm với sự xuất hiện của những lớp cư dân Việt, đã sản sinh nên một đồng bằng châu thổ mênh mông, với những miền di sản văn hóa đậm đà phong vị phương Nam, làm phong phú thêm bản sắc ngàn năm của dân tộc Việt.

Và điều mà chúng ta cần phải lan tỏa niềm tự hào và trách nhiệm với xứ sở Long Hồ dinh xưa và vùng đất Vĩnh Long hôm nay, rằng: những bậc tiền nhân của mảnh đất này và tiếp nối qua bao thế hệ đất và người Vĩnh Long đã dày công đóng góp những công lao thực sự lớn lao, trân quý biết dường nào.

200 năm lịch sử một dòng kênh

Năm 2024, người dân ĐBSCL chào đón, ghi nhận cột mốc 200 năm lịch sử dòng kênh Vĩnh Tế. Và chính những người dân trấn Vĩnh Thanh sau đó là Long Hồ dinh (tỉnh Vĩnh Long ngày nay) góp phần chủ lực, quan trọng nhất trong công cuộc khai mở và hoàn thành con kênh quan trọng bậc nhất ở Nam Bộ này. 

Cùng tham khảo chiếu dụ của vua Gia Long với người dân trấn Vĩnh Thanh trước khi bắt đầu công cuộc đào kênh Vĩnh Tế: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”. Và những người chỉ huy công trình đào kênh này cũng là những danh tướng của trấn Vĩnh Thanh.

img

Tái hiện không gian sinh hoạt xưa trên bến dưới thuyền, tại Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long năm 2024.

Quan Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất 5.000 dân phu và 500 binh dân đồn Uy Viễn, Đồng Phù quản suất 5.000 dân Chân Lạp, đến tháng 12 khởi công đào. Dân người Kinh cùng với binh đồn Uy Viễn thì mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo.

Như vậy, công trình đào kênh Vĩnh Tế kéo dài trong khoảng 5 năm (1819-1824), huy động khoảng hơn 8 vạn binh dân người Kinh và người Chân Lạp cùng tham gia. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là một công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh cho dân cư hai nước Việt Nam, Chân Lạp dọc biên giới từ An Giang đến Hà Tiên mà còn được xem như là một con hào bảo vệ vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ- Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam: “Dưới thời vua Gia Long (1802-1819), Minh Mệnh (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), việc thường xuyên tổ chức xây dựng các công trình thủy lợi giao thông ở Nam Bộ thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua nhà Nguyễn với công tác an ninh- quốc phòng và trọng trách bảo hộ Chân Lạp. Công cuộc khơi đào, nạo vét kênh rạch trên đất Nam Bộ diễn ra thường xuyên không chỉ đem lại lợi ích kinh tế rất thiết thực cho vùng đất này mà còn góp phần bảo vệ lãnh thổ, nhất là địa bàn dọc biên giới Tây Nam giáp giới với Chân Lạp. Nam Bộ là vùng đất kênh rạch chằng chịt. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch được tác giả Trịnh Hoài Đức mô tả khá kỹ trong Gia Định thành thông chí cũng như trong sách Đại Nam nhất thống chí được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời Tự Đức, trong đó phần lớn là sông ngòi, kênh rạch tự nhiên và một số sông được đào dưới thời Nguyễn”.

img


Những công trình đào kênh trong buổi đầu khai mở đất phương Nam, đặc biệt là kênh Vĩnh Tế xứng đáng tôn vinh là di sản đặc biệt, trong gia tài văn hóa của Nam Bộ, của dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối những miền di sản phương Nam

Dòng Mekong sau khi vượt qua những thác ghềnh cuối cùng của Nam Lào, bắt đầu hành trình mới tương đối bằng phẳng, êm ả hơn khi chảy vào địa phận Campuchia, để rồi sau đó tách dòng Bassac (còn gọi Ba Thắc). Dòng chính Mekong chảy vào Việt Nam qua cửa ngõ Tân Châu hình thành sông Tiền xuôi về hạ nguồn ra biển; trong khi nhánh Bassac đổ vào cửa ngõ Châu Đốc hình thành nên dòng sông Hậu ngày nay.

Hệ thống các dòng sông tự nhiên trải rộng, được kết nối cùng hệ thống kênh đào dọc ngang đã giải quyết một cách hiệu quả công cuộc khai phá và ổn định vùng đất Nam Bộ. Có thể tạm phân chia thành 2 giai đoạn đào kênh, mở rộng các dòng chảy, chi lưu của hệ thống sông ngòi của đồng bằng. Sau những công trình được thực hiện thủ công bằng sức người của cư dân Việt, là thời kỳ sử dụng máy móc, xáng cạp dưới thời thực dân Pháp đã đánh thức những vùng đất hoang hóa bạc màu.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, giải thích: “Việc đào kênh được triển khai mạnh mẽ ngay từ thời các chúa Nguyễn, tiếp đến các vua Nguyễn cũng đã có những chính sách rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bố trí đủ nhân tài vật lực để công cuộc đào các tuyến kinh ở khắp miền Nam có khả năng phục vụ nông nghiệp, thương nghiệp, quân sự, dân sinh thời bấy giờ. Kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế ở An Giang là một minh chứng sống động. Đến khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ thì ngay lập tức họ triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc phương Tây vào việc tiếp tục đào các tuyến kênh rạch rộng dài ở Nam Bộ nhằm mục đích khai thác tối đa nguồn lợi từ nông nghiệp, thủy sản ở vùng đất màu mỡ, nhiều tài nguyên thiên nhiên này”.

img

Nghệ nhân làng nghề hướng dẫn các em thiếu nhi trải nghiệm cùng đất sét đỏ ở làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, đó là hệ thống các con sông: Măng Thít, Nicolai, nối liền xuống miền Hậu Giang thành thủy đạo quốc gia; kênh xáng Xà No ở Hậu Giang; kênh Chợ Gạo ở Tiền Giang... có giá trị nhiều mặt ở Tây Nam Bộ từ hơn trăm năm qua và sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng về giao thông đường thủy. 

Ở Vĩnh Long, bên cạnh những dòng kênh dài hàng chục, hàng trăm cây số do các nhà nước qua các thời kỳ đầu tư, thực hiện như kênh Thầy Cai, kênh Nicolai, kênh Bô Kê, kênh Trà Ngoa... thì cũng có nhiều con kênh do người dân tự đào. Trong đó, phải nói tới việc từ khi nghề gạch gốm xứ Mang Thít trở nên nổi tiếng, vươn tầm quốc gia, quốc tế thì kênh Thầy Cai ngày càng được nhiều người biết đến.

Sứ mệnh của những dòng kênh chủ yếu là giao thông, giao thương, dẫn nước phục vụ sinh hoạt, khai mở đất đai trồng trọt; nhưng kênh Thầy Cai cùng với một vùng đất rộng lớn của Vĩnh Long đã được thiên nhiên ưu ái tích tụ nên nguồn nguyên liệu đất sét đỏ đặc trưng. 

Để rồi, từ bàn tay, khối óc, sức lao động sáng tạo, cần cù của người dân Mang Thít (Vĩnh Long), trải trăm năm đã tạo nên làng nghề di sản độc đáo của phương Nam.

Mỗi một thế hệ gắn liền với giai đoạn lịch sử phát triển của vùng đất Nam Bộ, trong đó có lịch sử phát triển di sản hệ thống các con kênh đào, tiếp nối các dòng chảy của hệ thống sông Mekong trải rộng khắp đồng bằng. Trách nhiệm, sứ mệnh của thế hệ hôm nay và mai sau là gìn giữ, bảo tồn và phát huy rực rỡ hơn những gia tài đồ sộ, vô giá của tiền nhân.

Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem