Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu được thành lập theo Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; chỉ đạo, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.
Kể từ khi được thành lập, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đã tổ chức 8 phiên họp chính thức và cho ý kiến tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện tổ chức, bộ máy về biến đổi khí hậu; chỉ đạo tăng cường điều phối, triển khai hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam; chỉ đạo ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường hợp tác quốc tế mang lại vị thế và nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, có chỉ đạo việc triển khai Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các chương trình, dự án khác có liên quan; đến nay các chương trình, dự án, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đã được hoàn thành.
Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ngày 21 tháng 12 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo COP26). Ban Chỉ đạo COP26 là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; đồng thời chỉ đạo những vấn đề theo xu thế mới của thế giới để đáp ứng yêu cầu nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.
Qua rà soát, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Ban Chỉ đạo COP26, sau khi Ban Chỉ đạo COP26 được thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo COP26 đã bao trùm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ đạo những vấn đề theo xu thế mới của thế giới để đáp ứng yêu cầu nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc giải thể Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu là cần thiết nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tập trung một đầu mối và thống nhất trong chỉ đạo những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan với đề xuất giải thể Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.