Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu khó lường, ngày càng trái quy luật làm cho tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, các hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, ngập lụt… ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân và hạ tầng cơ sở của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Triển khai Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/11/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, trong đó đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo kết quả khảo sát, lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có tổng 1.854 hộ/7.376 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ, lũ quét. Còn theo số liệu báo cáo rà soát các hộ bị ảnh hưởng thiên tai của 5 huyện miền núi trong năm 2021, có 41 xã bị ảnh hưởng nặng về thiên tai, trong đó có 6.726 hộ đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng và 1.962 hộ cần phải di dời khẩn cấp.
Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiệm vụ khảo sát lập danh mục các dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030, qua đó nắm bắt về số hộ dân ảnh hưởng thiên tai; các hộ dân cần phải di dời khẩn cấp; xác định các hạng mục đầu tư và các điểm tái định cư cần bố trí nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản cho các hộ đang sinh sống vùng thiên tai.
Kết quả khảo sát cho thấy, tại 7 huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi có 18.033 hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển và ngập lụt. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến lập danh mục 35 dự án tái định cư ổn định cho 292 hộ dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại 5 huyện miền núi và 8 dự án tái định cư ổn định cuộc sống cho 262 hộ vùng có nguy cơ cao về thiên tai tại 7 huyện đồng bằng.
Chưa bố trí vốn nên rất khó thực hiện di dời, bố trí dân cư
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bố trí dân cư hàng năm phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chủ yếu là từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Việc bố trí vốn không có nên việc hỗ trợ người dân chưa đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch được duyệt giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 và chưa đáp ứng được hết nhu cầu di dời của người dân.
Dù đã lập danh mục các dự án khu tái định cư vùng thiên tai, nhưng tỉnh Quảng Ngãi chưa đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong năm 2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa bố trí vốn thực hiện và khó thực hiện được Kế hoạch đã phê duyệt tại Quyết định 1804/QĐ-UBND trong năm 2025.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Từ Văn Tám – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công tác bố trí dân cư vùng thiên tai đang có thuận lợi là bà con nhân dân rất ủng hộ việc di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là việc bố trí kinh phí để thực hiện công tác bố trí dân cư.
"Trong năm 2024, Sở NNPTNT đã đi rà soát nhu cầu cũng như dự án cấp bách về di dời dân cư, ổn định dân cư trên địa bàn. Qua khảo sát, nhu cầu ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh có 8 khu tái định cư cần thực hiện với 325 hộ với tổng kinh phí 190 tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí rất lớn nên Sở NNPTNT đã trình UBND tỉnh để bố trí trong năm 2025 và những năm tiếp theo để ổn định dân cư cho bà con" – ông Tám thông tin.
Ông Tám cho biết, nếu Trung ương hoặc UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí kinh phí thì các địa phương thực hiện việc sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai rất là tốt: "Hiện nay, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi đã chuẩn bị đầy đủ hết rồi, xây dựng danh mục các hộ cần di dời, cần khu tái định cư nào là đã có sẵn, giờ chỉ cần có kinh phí để lập dự án là bố trí ổn định cho bà con".
Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong bối cảnh nhiều hộ dân vùng có nguy cơ cao về thiên tai chưa được di dời đến nơi ở mới an toàn, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang phải căng mình, vất vả ứng phó, thậm chí nhiều nơi cán bộ từ huyện tới xã, thôn phải thực hiện "3 cùng" – cùng ăn, cùng ở, cùng ứng phó với người dân.
"Chúng tôi đã kiến nghị với UBND các địa phương thường xuyên nắm bắt các diễn biễn thời tiết khi xảy ra mưa bão, hoặc mưa kéo dài thì sẽ phát cảnh báo, vận động bà con đi sớm, về muộn – tức là đi sớm trước khi có nguy cơ xảy ra và về muộn sau khi hết nguy cơ để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời, địa phương cũng phân công các lực lượng để đảm bảo hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong quá trình sơ tán, di chuyển đến tới nơi an toàn" – ông Hưng chia sẻ.
Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt thực hiện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, mang tính nhân văn cao cả. Hiện nay, theo quy định về phân loại dự án, việc trông chờ nguồn ngân sách trung ương là tương đối khó. Do vậy, các địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình bố trí dân cư.
Việc các địa phương chủ động bố trí nguồn lực, đặc biệt là ưu tiên tổng hợp danh mục dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030, làm cơ sở thực hiện các dự án, bố trí các hộ dân ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi và vùng ngập lụt đã góp phần hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, tạo không gian sống an toàn cho các hộ dân, từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.