Quảng Ngãi: Người H’rê ở khu tái định cư Gò Thần có cuộc sống khấm khá, an toàn trước thiên tai
Quảng Ngãi: Người H’rê ở khu tái định cư Gò Thần có cuộc sống khấm khá, an toàn trước thiên tai
Khương Lực
Thứ năm, ngày 12/12/2024 08:00 AM (GMT+7)
Trước nguy cơ sạt lở núi RaPon, 43 hộ dân ở xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã được các cấp chính quyền di dời đến khu tái định cư Gò Thần nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Chuyển về nơi ở mới an toàn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân được cải thiện, khấm khá hơn.
Đến khu tái định cư Gò Thần, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, nhất là tuyến đường giao thông được đổ bê tộng rộng thoáng, xe ô tô chạy vào tận nơi.
Đến nay, UBND xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã giao đất cho 43 hộ dân có nhà nằm dưới chân núi RaPon bị nứt và có nguy cơ sạt lở cao đến làm nhà ở ổn định tại khu tái định cư Gò Thần. Ảnh: Nguyễn Chương
Căn nhà ông Phạm Văn Tường, 42 tuổi, người H'rê được xây dựng kiên cố nằm giữa khu đất rộng gần 500m2. Từ khi chuyển từ căn nhà nằm dưới chân núi PaPon có nguy cơ sạt lở cao về khu tái định cư Gò Thần, cuộc sống gia đình anh thay đổi, khấm khá lên từng ngày.
"Hồi xưa ở dưới chân núi có nguy cơ sạt lở khổ, khó khăn và vất vả lắm. Về đây, đường sá thoáng rộng, nước sạch, điện dùng ổn định nên cuộc sống sinh hoạt đã thay đổi rất nhiều" – ông Tường nói và cho biết kinh tế gia đình ông đã khấm khá hơn rất nhiều.
Ông Phạm Văn Tường cho biết, cùng với diện tích khoảng 1.000m2 trồng lúa, gia đình ông còn trồng khoai mì (sắn) và khoảng 1ha keo. Vào những lúc nông nhàn, ông đi cắt cây keo thuê cho các hộ dân trong làng, trong xã hoặc đi thợ hồ, ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.
"Nhà có 4 người, hiện cháu lớn vừa đi bồ đội, vợ tôi thì đi làm công ty dưới Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi cách nhà gần 40km, cuối tuần mới về nhà" – ông Tường nói và cho biết thu nhập của hai vợ chồng hàng năm cũng dành dụm được vài ba chục triệu đồng.
Cách nhà ông Tường không xa là nhà ông Đinh Văn Trích. Khi chúng tôi đến, ông vừa đi làm trên rừng về. Hàng ngày, khi có hộ dân thu hoạch keo trên rừng thì ông chạy xe vận chuyển chở keo thuê cho người dân, thu nhập bình quân khoảng 400-500 nghìn đồng.
"Cuộc sống ở đây quá tốt, đường sá, không gian thoáng đãng lại không phải thấp thỏm lo âu mỗi khi có mưa bão" – ông Trích nói và cho biết nhà có 4 người, hiện vợ ông cũng đi làm công ty với mức lương 6-7 triệu đồng. Một đứa con ông vừa đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản được 8 tháng, vừa mới gửi 200 triệu đồng về nhà.
Khu tái định cư Gò Thần, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đầu tư hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng từ năm 2018 với tổng mức đầu tư được duyệt 14 tỷ đồng; bố trí cho các hộ dân ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Đến nay, đã có 43 hộ dân được UBND xã Nghĩa Sơn giao đất và làm nhà ở ổn định tại khu tái định cư Gò Thần.
Ngoài việc giao đất cho các hộ vào làm nhà ở tại khu tái định cư, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương hỗ trợ cho mỗi hộ vào làm nhà số tiền là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách Trung ương nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới
Nhờ thay đổi nhận thức, chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của 43 hộ dân người H'rê ở khu tái định cư Gò Thần ngày một ấm no, phát triển. Cái nghèo khó đã lùi xa, cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây thay đổi nhanh chóng. Cùng với phát triển diện tích keo lai, mì, hoa màu, trồng cây phân tán, khai thác gỗ các loại... cũng được tập trung phát triển.
Ông Phạm Văn Thếch – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết, mỗi người dân khi di dời lên khu tái đinh cư Gò Thần được cấp đất ở từ 400m2 trở lên. Cùng với đó, về đất nông nghiệp, mỗi hộ dân được chia ít nhất 1ha đất lâm nghiệp và khoảng 1.000m2 đất trồng lúa để đảm bảo lương thực.
"Sau khi di dời các hộ dân sinh sống ở vùng núi RaPon bị nứt, có nguy cơ sạt lở cao lên khu tái định cư Gò Thần, đến nay nhìn chung thu nhập của người dân đảm bảo so với trước đây, đặc biệt là đảm bảo về tính mạng và tài sản cho người dân" – ông Thếch nói.
Theo ông Thếch, khu vực người dân sinh sống dưới chân núi PaPon trước kia các hộ dân đều đã xây nhà kiên cố. Khi chuyển về khu tái định cư, họ lại phải xây dựng nhà cửa lại. Đây là khó khăn nhất đối với các hộ dân, nhưng để đảm bảo an toàn, tất cả các hộ dân đều đồng tình di dời lên ở tại khu tái định cư.
Cùng với việc phải bỏ ra số tiền lớn để xây dựng nhà cửa ở khu tái định cư, do diện tích đất ở không lớn, người dân nơi đây không được chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn mà chỉ được nuôi gà, vịt.
Do là xã miền núi, có tới 98% số hộ dân là người đồng bào dân tộc H'rê, kiến thức về sản xuất nông nghiệp còn hạn chế nên các cấp chính quyền địa phương đã tăng cường tập huấn, hỗ trợ kiến thức về trồng lúa, trồng keo; qua đó giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật canh tác, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng.
"Trước đây trồng lúa 3 vụ mà có những năm vẫn không đủ ăn. Sau khi đi tập huấn nông nghiệp về, bà con biết cách chăm sóc lúa, giờ làm 2 vụ lúa trên diện tích 1.000m2 được mấy chục bao lúa. Hiện nay, toàn xã đang dư ăn về lúa" – ông Tường cho biết.
Từ một xã miền núi với rất nhiều khó khăn, xã Nghĩa Sơn đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đáng chú ý, đây cũng là xã miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Xã Nghĩa Sơn được huyện Tư Nghĩa lấy làm hình mẫu để các xã khác noi theo trong việc xây dựng nông thôn mới và hướng tới là xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.