Dân Việt

Vườn trồng 4 thứ cây này, cây nào cũng "làm ra tiền", một nông dân Cần Thơ bán hút hàng

Mỹ Hoa 19/12/2024 14:06 GMT+7
Với sự năng động của một nhà nông làm kinh tế giỏi, ông Lê Văn Hiền, khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido, kết hợp đầu tư mô hình trồng cây kiểng (cây mai vàng, mai chiếu thủy và cây hạnh kiểng-cây quất cảnh) vốn có của gia đình.

Qua mô hình trồng nhãn đặc sản, trồng mai vàng, trồng mai chiếu thủy, trồng hạnh kiểng, không chỉ giúp gia đình ông Hiền “ăn nên làm ra”, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương.

Hiện tại gia đình ông Lê Văn Hiền sở hữu gần 1ha đất, trong đó có hơn 6.500m2 đất trồng nhãn Ido và phần còn lại ông đầu tư trồng mai vàng, mai chiếu thủy dạng bonsai cùng với các loại cây kiểng như hạnh cẩm thạch, hạnh xanh… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, với hơn 300 triệu đồng/năm và trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế năng động của địa phương.

Chia sẻ quá trình chuyển hướng canh tác vườn cây ăn trái, gắn với nghề trồng cây kiểng có giá trị kinh tế cao, ông Hiền nói: “Trước đây, gia đình tôi trồng cam mật với diện tích hơn 6.500m2, nhưng giá cả đầu ra lại bấp bênh; cộng thêm việc xử lý cho cây cam mật ra hoa, đậu trái đạt năng suất và chất lượng không cao, do ảnh hưởng của dịch hại, nên huê lợi mang lại từ vườn cam mật rất thấp…

Từ đó đã thôi thúc tôi chuyển đổi canh tác và vào năm 2019, tôi mạnh dạn đốn bỏ vườn cam mật để chuyển sang trồng cây nhãn Ido cho đến nay, tôi đã thu hoạch được 3 mùa nhãn Ido...".

Năm đầu tiên trồng nhãn, ông Hiền gặp không ít khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng nhãn Ido và để nâng cao hiệu quả canh tác, ông đã đi học hỏi kỹ thuật mới từ nhiều người quen đang trồng nhãn Ido; cùng đó, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do ngành chức năng địa phương tổ chức. 

"Nhờ đó tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật chăm bón vườn nhãn ngày một xanh tốt hơn, nên sau mỗi năm thu hoạch, vườn nhãn nhà tôi cho trái vụ sau cao hơn vụ trước, từ 1-2 tấn trái trở lên”, ông Hiền bổ sung thêm.

Vườn trồng 3 thứ cây này, cây nào cũng "làm ra tiền", một nông dân Cần Thơ thu hàng trăm triệu/năm - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Hiền, nông dân giỏi ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) trao đổi kỹ thuật canh tác cây nhãn Ido với cán bộ khuyến nông của quận Ô Môn.

Ước tính, vụ mùa năm 2024, với hơn 6.500m2 đất trồng nhãn hiện có, ông Hiền thu hoạch được hơn 5 tấn trái, bán với giá 16.000-20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ. T

hành quả trên chính là nhờ sự mạnh dạn của ông Hiền trong việc linh hoạt tìm hướng đi mới, lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao để canh tác; kết hợp với sự năng nổ chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác mới và ứng dụng khoa học vào sản xuất, nên mô hình trồng nhãn Ido của ông Hiền ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho gia đình ông ngày “càng ăn nên làm ra” và vươn lên khấm khá.

Không chỉ thành công với mô hình canh tác vườn cây ăn trái, ông Hiền còn phát huy lợi thế nghề trồng cây kiểng bán Tết vốn có của gia đình. Hiện gia đình ông Hiền có hơn 3.000m2 đất đầu tư trồng cây mai vàng, cây mai chiếu thủy cùng cây hạnh cẩm thạch và cây hạnh xanh (cây quất cảnh)... chủ yếu là bán vào dịp Tết. 

Theo ông Hiền, mỗi năm, gia đình tôi tuyển chọn hơn 80 cây mai vàng và 70-80 cây mai chiếu thủy có kiểu dáng đẹp, bông trổ đều cùng với 1.000 chậu hạnh kiểng (chậu quất cảnh) để mang ra chợ bán vào dịp Tết.

Trải qua 10 năm gắn bó với nghề trồng cây kiểng, nên ông Hiền có nhiều kinh nghiệm cũng như tay nghề kỹ thuật cao trong việc cắt, tỉa, uốn tạo dáng cho mai vàng cũng như tạo dáng bonsai độc đáo cho mai chiếu thủy; nhất là kỹ năng chăm bón cây để mai trổ bông đều và đẹp đúng dịp Tết, đáp ứng trúng thị hiếu của khách hàng trong mùa Tết. 

Theo ông Hiền ước tính, vào mỗi vụ Tết, gia đình tôi xuất bán, bình quân trên dưới 100 cây mai vàng, mai chiếu thủy lớn, nhỏ và có trên 800 chậu hạnh kiểng được tiêu thụ, mang lại doanh thu hơn 250 triệu đồng/vụ Tết. 

Theo ông Hiền, so với mô hình trồng vườn cây ăn trái, trồng mai và hạnh kiểng cực công hơn nhiều, bởi đòi hỏi người làm kiểng phải có tay nghề, kỹ thuật cao từ việc biết cách cắt, tỉa, uốn tạo dáng rất công phu đến việc chăm bón, phân thuốc phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng của cây; nhất là phải biết cách chăm bón để mai vàng, mai chiếu thủy trổ bông đều và đẹp đúng ngay vào dịp Tết. 

Nếu làm không đạt các kỹ thuật làm bông, cây sẽ không đẹp và khó bán được giá cao… Riêng đối với cây hạnh cũng phải dày công chăm sóc từ khâu làm cỏ, bón phân thuốc hay ngừa sâu bệnh và nhất là canh thời điểm để cây ra trái tròn, đều và có màu vàng bóng, đẹp, nhằm thu hút khách hàng mua về trưng trong những ngày giáp Tết.

Nhờ linh hoạt và nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, ông Hiền không chỉ chuyển đổi canh tác vườn cây ăn trái thành công, mà còn phát huy được lợi thế và giá trị của nghề làm cây kiểng, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình và trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương.