Cần Thơ: Lạ, đang lãi 15 tỷ từ vườn chuối, vì sao ông nông dân này lại bỏ đi trồng cây thanh nhãn?
Cần Thơ: Lạ, đang lãi 15 tỷ từ vườn chuối, vì sao ông nông dân này lại bỏ đi trồng cây thanh nhãn?
Huỳnh Xây
Thứ sáu, ngày 25/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Mặc dù trang trại trồng chuối cấy mô đang cho thu nhập 15 tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Lâm Văn Tính, ngụ ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) vẫn quyết định bỏ, chuyển sang trồng cây thanh nhãn. Vậy thanh nhãn là loài cây gì và có sức hấp dẫn như thế nào?
Từ việc gia đình có truyền thống làm vườn, nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn trái, nhất là cây chuối, cùng với đó, được một số bạn bè giới thiệu về ưu điểm của cây giống chuối cấy mô nên từ năm 2010, ông Tính đã bắt đầu tìm hiểu về cách trồng loại chuối mới, lạ này.
Đến năm 2012, ông Tính bắt đầu trồng thử nghiệm chuối cấy mô trên 20ha đất thuê ở Nông trường sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Được chăm sóc tốt từ bàn tay ông Tính, giống chuối cấy mô phát triển mạnh, cho thu nhập tốt và dễ xuất khẩu nên đến 2015, ông mạnh dạn thuê thêm 87ha (nâng tổng số diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu lên 107ha).
"Do tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm trồng chuối cấy mô từ bà con ở các vùng miền, cộng thêm đọc hướng dẫn ở tạp chí nên bước đầu tôi trồng chuối xuất khẩu được thuận lợi. Từ khi tôi về nông trường sông Hậu, chuẩn bị các thứ thì đến tháng 7/2015 mới hoàn thiện trang trại trồng chuối cấy mô. Đến tháng 3/2016, đã bắt đầu thu hoạch vụ chuối xuất khẩu đầu tiên" – ông Tính nói.
Lúc thu hoạch, chuối cấy mô của ông Tính đạt năng suất, phẩm chất tốt (đủ độ đường, không bị trầy xước, không bị bọ trĩ và sâu rầy khác làm hư vỏ,…), đáp ứng đủ kích cỡ trái cũng như số lượng của nhiều nhà nhập khẩu.
Trong năm 2016, cũng là thời điểm ở các nước nhập khẩu thiếu hụt nguồn chuối nguyên liệu cao do ảnh hưởng của thời tiết nên ông Tính gặp nhiều thuận lợi khi bán chuối. Cụ thể, thời gian này ông xuất khẩu hơn 200 container chuốicho 7 quốc gia thông qua các doanh nghiệp có trụ sở, chi nhánh tại Việt Nam (những doanh nghiệp này tự tìm đến nơi để lý hợp đồng thu mua với ông Tính).
Clip: Ông Lâm Văn Tính-tỷ phú nông dân ngụ ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nói về lợi ích của việc trồng chuối cấy mô xuất khẩu.
Tỷ phú nông dân 63 tuổi ở TP.Cần Thơ cho biết, cũng trong thời gian đầu trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông được một số công ty nhập khẩu tận tình hướng dẫn từ cách trồng cho đến khâu thu hái, bảo quản. Ngoài ra, ông Tính còn bỏ ra 2.500 USD/tháng để thuê công nhân từ Philippines đến hướng dẫn cách trồng chuối cấy mô.
Theo phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tìm hiểu, chuối cấy mô của ông Tính được tiêu thụ tốt là Trung Quốc, Hàn Quốc. Trước khi kí hợp đồng xuất khẩu chuối, phía đối tác đều cử người đến kiểm tra vùng trồng chuối.
Trang trại trồng chuối xuất khẩu cho sản lượng từ 3.000 đến 4.000 tấn/năm. Với giá bán chuối tại vườn là 18.700 đồng/kg, mỗi năm mang lại nguồn lợi nhuận cho gia đình ông Tính khoảng 15 tỷ đồng. Trang trại trồng chuối giải quyết làm việc thường xuyên cho 70 người (thu nhập từ 4,8 - 5 triệu/tháng), riêng lúc thu hoạch cần thêm 50-60 người nữa.
Hiện nay, do hết thời hạn thuê đất và lớn tuổi nên kể từ ngày 30/4/2020, ông Tính đã trả đất lại cho Nông trường sông Hậu, không tiếp tục trồng chuối cấy mô.
"Mặc dù không tiếp tục trồng chuối nhưng tôi đã không ngần ngại hướng dẫn lại cho những người yêu thích trồng loại cây có giá trị cao và đầy tiềm năng này. Cụ thể là tôi đã hướng dẫn cho 1 người khác thuê đất ở Nông trường sông Hậu, một người ở huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), một người ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) trồng chuối cấy mô từ hàng chục đến trên 100ha" - ông Tính nói.
Chuyển sang trồng thanh nhãn
Ngoài việc trồng chuối cấy mô, từ tháng 9/2015, ông Tính đã bắt tay vào việc trồng thanh nhãn. Với cách chăm sóc của ông, cây thanh nhãn phát triển nhanh, không có sâu bệnh. Ông Tính kể: "Sau 2 năm học hỏi kinh nghiệm trồng thanh nhãn ở tỉnh Bạc Liêu, tháng 9/2015, tôi bắt đầu trồng thanh nhãn trên 4,5ha. Cũng may, loại cây này mới, lạ này lại chịu lớn nhanh ở vùng đất huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ".
Sau 2 năm trồng, tức đến tháng 7/2017, vườn thanh nhãn bắt đầu đợt thu hoạch trái đầu tiên và được thương lái thu mua với giá 60.000 đồng/kg. Số thanh nhãn này sau đó được đưa đi tiêu thụ tại các chợ lớn ở TP Cần Thơ, TP HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Long Xuyên (An Giang). Thành công bước đầu, cuối năm 2017, ông Tính thuê thêm đất, nâng tổng diện tích trồng thanh nhãn lên 10ha.
Năm 2019, ông Tính cùng người dân địa phương phối hợp thành lập hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Thái Thanh với 19 xã viên tham gia trồng thanh nhãn trên 150ha, với vốn điều lệ là 500 triệu đồng. Do lớn tuổi nên ông Tính chỉ làm cố vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho HTX trồng thanh nhãn.
Ông Tính cho hay, trồng thanh nhãn nhàn rỗi hơn trồng chuối cấy mô nên ông chọn cây này trồng khi đã "có tuổi". Loại cây thanh nhãn chỉ tốn khoảng 2/10 công sức so cây chuối cấy mô.
"Đặc tính cây thanh nhãn cũng dễ trồng, không phải xử lý nhiều công đoạn như chuối cấy mô, cũng không làm các biện pháp "ép" cây ra hoa mà để cây ra hoa tự nhiên theo mùa vụ. Nhiệm vụ của mình là chăm sóc cho cây khỏe để ra hoa có tỷ lệ đậu trái cao" – ông Tính giải thích.
Tuy cho sản lượng thấp hơn các giống nhãn khác nhưng tổng thu nhập từ trồng giống thanh nhãn cao gấp 3 lần. Nếu bỏ ra khoảng 100 triệu/ha/năm vốn đầu tư thì thu lại khoảng 200 triệu/ha/năm (1 năm chỉ thu hoạch 1 vụ, thời gia thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8). Ông Tính dẫn chứng rằng, vụ thu hoạch thanh nhãn vừa qua, mặc dù mất mùa do ảnh hưởng thời tiết nhưng ông bán được trên 2,2 tỷ đồng tiền trái thanh nhãn trong khi chi phí bỏ ra là 1 tỷ đồng.
Clip: Ông Lâm Văn Tính ngụ ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ giới thiệu mô hình trồng thanh nhãn xuất khẩu.
Ông Tính còn khoe: "Vừa qua, lô thanh nhãn 1080 kg xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên ở Việt Nam là do tôi trồng. Thanh nhãn tôi bán tại vườn với giá 75.000 đồng/kg, sau khi mua và đóng gói, chiếu xạ ở TP HCM, doanh nghiệp thu mua sẽ đưa lên máy bay đi Mỹ. Tại các siêu thị ở Mỹ, thanh nhãn do tôi trồng được bán với giá 32 USD/kg (hơn 700.000 đồng/kg)".
Để đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng, năm 2020 này, HTX cây ăn trái Thái Thanh bắt đầu có định hướng theo trồng trái cây, trồng thanh nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thanh nhãn là loại trái cây hiếm, ngon ở ĐBSCL, đặc biệt là khi được trồng ở huyện Cờ Đỏ. Theo ông Tính, ở Bạc Liêu, thanh nhãn được trồng trên đất giồng nên không ngon bằng trồng trên đất thịt phù sa, giống như chuối ở miền Tây lúc nào cũng ngon hơn ở miền Đông.
"Thanh nhãn của chúng tôi trồng ngọt, cơm giòn, khô nước, trái lớn, hạt nhỏ, còn ở Bạc Liêu thanh nhãn không ngọt bằng, cơm mềm hơn. Về độ đường, tôi chưa đo nhưng có khả năng thanh nhãn của chúng tôi có thể cao hơn ở Bạc Liêu. Cũng như trái chuối trồng ở miền Tây ăn ngọt, không cảm thấy chua như trồng ở miền Đông..." – ông Tính giải thích.
Theo ông Tính, với nguyên nhân trên, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây thường tìm đến huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) để tìm mua chuối xuất khẩu cũng như thanh nhãn của người dân. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân cần mở rộng thêm quy mô trồng 2 loại trái cây này.
Hiện HTX cây ăn trái Thái Thanh đang ký kết bán thanh nhãn cho 2 công ty xuất khẩu trái cây lớn ở miền Tây với giá từ 75.000-80.000 đồng/kg. Ngoài 2 công ty trên, một số công ty khác còn có định hướng hợp tác với HTX thu mua nhãn về tách cơm, đóng gói, cấp đông xuất khẩu.
Nhiều năm qua, ông Lâm Văn Tính được nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương tặng Bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới…
Đặc biệt, trong 2020 này, ông Lâm Văn Tính còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của toàn quốc được vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.