Quân đội Nhân dân Việt Nam còn đặc biệt hơn nữa khi có 80 năm truyền thống lịch sử hào hùng. Đây là quân đội đã từng liên tiếp chiến đấu và chiến thắng các cường quốc lớn trên thế giới như thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc khi phải đối đầu cùng lúc trong chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam với tư tưởng bá quyền nước lớn Trung Quốc cùng chính quyền Khơ Me đỏ tàn bạo...
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945, cả Việt Nam chúng ta đã có trên 1.140.000 liệt sĩ.
Còn theo thống kê của ngành chính sách quân đội (Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, đến năm 2012, Việt Nam có 1.146.250 liệt sĩ, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam và cả trong thời bình khi đấu tranh chống lại lực lượng khủng bố và những hy sinh khác.
Nói vậy để thấy, trong thời bình, lực lượng vũ trang chúng ta vẫn có thể phải hy sinh do đây chính là lực lượng kiêm nhiệm công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, lũ lụt, hoả hoạn (vì sự cố) bởi họ là lực lượng cốt yếu chứ không ai khác…
Có nhiều lý do để Nhân dân ta gọi Quân đội của mình là Anh bộ đội Cụ Hồ. Đó là bởi Nhân dân ta đã cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác Hồ, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
"Đi dân nhớ, ở dân thương", "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"... Đó cũng chính là những biểu hiện sâu sắc, là mối quan hệ đặc biệt giữa Quân với Dân ta. Nó thật không có gì sánh nổi và thật đáng nâng niu, trân quý!
Những trận "bão lũ thế kỷ" như đã từng xảy ra trong nhiều năm qua, những người lính Cụ Hồ luôn sẵn sàng trong tâm thế đón nhận trọng trách nặng nề hơn ai hết để giúp dân thoát hiểm nguy và đã có những người lính hy sinh vì thực hiện nhiệm vụ giúp dân đầy cảm kích, để lại trong lòng người dân một tình yêu và sự cảm kích lớn lao vô tận.
Thiên tai luôn là thử thách lớn đối với con người và cơn bão số 3 vừa qua cũng không ngoại lệ. Nói nó là "cơn bão thế kỷ" đổ bộ vào Việt Nam vì lần đầu tiên có cơn bão giật cấp 15, có lúc giật cấp 17, vượt quá sức chịu đựng của các cơ sở hạ tầng, dẫn tới một thảm họa trên diện rộng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh, thành của miền Bắc, gây tổn hại về kinh tế với con số thiệt hại là 81.000 tỷ đồng. Hậu quả quá khủng khiếp!
Trước bối cảnh gian khó vì thiên tai, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư từ khắp mọi miền đất nước về hỗ trợ người dân vùng lũ.
Sát cánh bên những người dân trong những thời khắc này, trong số các lực lượng trực chiến thì luôn luôn có màu áo xanh của những người lính.
Họ không ngại khó, không ngại khổ, không quản ngại nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, sẵn sàng xung trận vào vùng “rốn lũ” để hỗ trợ Nhân dân, theo phương châm “giúp dân cũng là mệnh lệnh từ trái tim của anh Bộ đội Cụ Hồ”...
Ở đâu có bóng dáng và sự hiện diện của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, ở đó đều có niềm hy vọng và sự yên tâm cho những người dân khi họ gặp khó khăn, gặp thảm cảnh cần những sự hỗ trợ kịp thời về mọi mặt. Ở thời điểm đó, nhưng người lính vừa là đội ngũ cứu hộ, cứu nạn, vừa là những người hùng thầm lặng. Các anh luôn dũng cảm đối mặt với thử thách để bảo vệ sinh mạng của đồng bào mình...
Theo Bộ Quốc phòng, để đủ sức ứng phó với cơn bão số 3 Yagi, quân đội đã huy động một lực lượng hùng hậu nhất có thể với 458.000 cán bộ và chiến sĩ, hơn 5.320 phương tiện chuyên dụng như ô tô, xe đặc chủng và tàu thuyền. Trong số đó, 143.700 cán bộ và chiến sĩ từ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ đã được điều động để tổ chức ứng trực và sẵn sàng ứng phó.
Trên hành trình cao quý thực hiện nhiệm vụ trong cơn bão số 3, có rất nhiều chiến sĩ đã dũng cảm lao mình vào bão lũ để giúp dân, cứu người, cứu tài sản, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, nhưng cao nhất là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính khi thấy đồng bào của mình trong cơn nguy nan.
Trong dòng nước lũ cuộn chảy, hình ảnh một chiến sĩ trong bộ quân phục ướt đẫm, ôm chặt em bé trong tay đã khiến nhiều người cảm động. Hay hình ảnh những người lính lấm lem bùn đất, dầm mình giữa dòng lũ, bất chấp mọi hiểm nguy để cứu giúp người dân vùng lũ.
Và không thể tránh khỏi khi có nhiều người lĩnh đã hy sinh hoặc bị thương. Có những người ra đi mãi mãi khi cố gắng cứu đồng đội, có người hy sinh khi ngăn chặn lũ quét hay khi hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Sau cơn bão số 3, lực lượng vũ trang như quân đội và công an càng để lại thêm nhiều dấu ấn tốt đẹp về tinh thần tận tâm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Vô số những hình ảnh ý nghĩa đó không chỉ cho thấy sự khát khao muốn san sẻ, giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn mà còn thể hiện sự quả cảm, can đảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy của những người lính Cụ Hồ.
Điều này càng khẳng định tinh thần trách nhiệm và vai trò quan trọng của Quân đội, Công an trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, chứng minh họ là “đội quân công tác” trong thời bình, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, của Nhân dân, hết mình vì Nhân dân.
Và đó chính là điều đặc biệt thiêng liêng chỉ có ở Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Trong chiến tranh, họ đã hy sinh thân mình để giành Độc lập, Tự do cho dân tộc, trong thời bình, họ vẫn có thể hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Các anh xứng đáng mang theo tên gọi giản dị nhưng cũng đầy tình cảm thân thương, trìu mến mà Nhân dân trao tặng: Anh Bộ đội Cụ Hồ...