Tham nhũng thời gian hay chuyện "1 cái míc 3 bộ phận cùng lo"
Tham nhũng thời gian hay chuyện "1 cái míc 3 bộ phận cùng lo"
Đào Tuấn
Thứ bảy, ngày 07/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
"Lạm phát cán bộ" chính là nguyên nhân của "tham nhũng thời gian", của tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong", hay "vùng trú an toàn" cho những cán bộ công chức yếu kém, là nguyên nhân khiến bộ máy nhà nước "vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo".
"Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả… Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém" - Đây là phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP Hưng Yên ngày 2/12 vừa qua.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc phải đảm bảo những mốc tiến độ trong "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy nhà nước. Đó là trong tháng 12/2024, từng bộ, ngành phải hoàn thành tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình. Hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1 năm 2025.
Tổng Bí thư cũng khẳng định tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả. Từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại TP Hưng Yên ngày 2/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém". Ảnh: TTXVN
Để hiểu một cách rạch ròi, rõ ràng về ngọn nguồn câu chuyện, có lẽ chúng ta phải quay trở về năm 2013, với kết quả đánh giá công chức mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo trước Quốc hội. Kết quả là 92,58% cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc và tốt; 5,66% không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng có hạn chế về năng lực.
Năm đó, trong một Hội thảo quốc tế về đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước do chính Bộ Nội vụ tổ chức, ông Hoàng Xuân Đảm, Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ thẳng thắn: Nguyên nhân là do cách đánh giá qua bình bầu của tập thể không thể tránh được nể nang, dĩ hòa vi quý.
"Tôi đánh giá cho anh, anh đánh giá cho tôi. Tôi với anh cùng bắt tay nhau xuất sắc"- Một câu kiểu tiếu lâm @ thời đó!
Trong cuộc Hội thảo quốc tế đó có những chi tiết khá hay, khá đắt và cũng khá… hài. Là đại diện Sở Nội vụ Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM... đều thừa nhận tìm được công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi hệ thống là rất khó. Và ông Trần Anh Tuấn, khi đó là Thứ trưởng Bộ Nội cụ thì "cám cảnh": "Nếu tất cả đều tốt, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc và tốt luôn cao, thì đâu cần cải cách công vụ, công chức nữa".
Cuộc khảo sát gần nhất của PAPI tính tới thời điểm cuộc hội thảo cho biết: Để xin việc trong lĩnh vực công thì có "thân quen" là quan trọng và rất quan trọng, gần 30% cho rằng không thể tránh khỏi phải hối lộ.
Cũng "có thể", hoặc "cho nên", hoặc "tất nhiên rồi"… và "vì thế", khi trở thành công chức viên chức, thành "người nhà nước" thì việc đầu tiên họ làm là "tham nhũng thời gian". Vâng, phải gọi đúng tên là như thế.
Kết quả khảo sát năm 2009 cho biết: 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên. Và đây chính là tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" đã tồn tại… cả chục năm trước đó.
"Chục năm trước đó" là bao lâu?
PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết ông đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng: Từ sau Đổi mới năm 1986 tới đầu những năm 1990 có hiện tượng rất nhiều cán bộ công chức đã bỏ Nhà nước, xin "nghỉ một cục" để ra ngoài làm tư nhân. Lúc đó "toàn dân ra mặt đường để phát triển kinh tế tư nhân", từ bác sĩ, giáo viên, công chức… Đó là một hiện thực.
Nhưng đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, lại có hiện tượng ngược lại khi người ta "đổ xô vào bộ máy Nhà nước". Cũng bắt đầu từ đây, công tác cán bộ bị "thị trường hóa", nạn chạy chức chạy quyền xuất hiện, và đặc biệt là tình trạng cán bộ công chức "chân trong, chân ngoài".
Trong cách dùng chữ của TS Nguyễn Trọng Phúc, cán bộ công chức chân ngoài dài hơn chân trong là "lạm phát cán bộ" đến mức "chuẩn bị 1 cái micro mà 3 bộ phận lo. Một bộ phận xuất micro ra có thủ tục giấy tờ, bộ phận đưa lên ráp máy móc trên bục giảng, bộ phận thứ 3 lo mua pin". Lạm phát cán bộ vì "được bao cấp hơn cả thời bao cấp".
Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV
Và "Lạm phát cán bộ" cũng chính là nguyên nhân của "tham nhũng thời gian", của tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong", hay "vùng trú an toàn" cho những cán bộ công chức yếu kém. Lạm phát cán bộ chính là nguyên nhân khiến bộ máy nhà nước "vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo".
Rất nhiều ý kiến giải thích nguyên nhân của tình trạng "chân trong chân ngoài" là do lương.
Một cuộc khảo sát của Bộ Nội vụ công bố năm 2011 cho thấy: Hơn 98% cho rằng lương cho cán bộ, công chức không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu chứ chưa nói đến người phụ thuộc.
Điều đó cũng đúng. Nhưng cái "không sai" đó có nguyên nhân từ cái vòng luẩn quẩn: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng đưa ra một sự thật: Cứ 40 người dân phải nuôi một công chức: Bộ máy nhà nước chúng ta hiện có khoảng 2,8 triệu CBCCVC. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, và các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ NSNN, con số lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Lạm phát cán bộ khiến bộ máy quá lớn, khiến chi thường xuyên luôn vượt 65% tổng chi ngân sách mà kết quả là lương vẫn chưa cao. Và lương chưa cao khiến nảy sinh tình trạng "chân trong chân ngoài", chưa kể nhũng nhiễu, tiêu cực tham nhũng.
Chẳng còn cách nào khác nữa, ngoài việc không chấp nhận "Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém".
Chẳng có cách nào khác là tinh giản bộ máy. Và tinh giản một cách triệt để hơn, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn theo đúng tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", mà đã chạy là "cả hàng phải chạy, không lộn xộn, không chờ đợi ai”, "trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Thậm chí nếu cần cũng phải dũng cảm chấp nhận hi sinh.
Bởi vì đó chính là đáp án duy nhất và đúng nhất để giải bài toán khó "lạm phát cán bộ" mà Đảng ta đã nhìn thấy từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa giải được một cách rốt ráo, trọn vẹn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.