Chuỗi giá trị yến sào Đồng Nai còn nhiều tồn tại, phát sinh từ việc sản xuất tự phát, thiếu quản lý từ đầu.
Tỉnh Đồng Nai có điều kiện khí hậu, địa hình đa dạng, có nhiều sông suối, hồ nước, rừng núi, vườn cây. Đây là những nơi có côn trùng trú ngụ, là nguồn thức ăn phong phú, dồi dào cho đàn chim yến phát triển. Những năm qua, giá bán tổ yến ổn định ở mức cao, bình quân 18,5 triệu đồng/kg tổ yến thô. Do đó, số lượng nhà yến liên tục phát triển, tăng nhanh trong những năm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, 5 năm qua, số lượng cơ sở nuôi yến ở Đồng Nai tăng 2,3 lần. Nếu như năm 2019, Đồng Nai có 610 nhà nuôi yến thì hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.400 nhà yến.
"Cần nghiên cứu đặc trưng sản phẩm, phù hợp thị hiếu từng thị trường. Cùng với đó, các cơ sở quan tâm quảng bá thương hiệu xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nội địa, quốc tế".
Ông Tạ Quang Kiên -
Phó trưởng phòng Phát triển thị trường,
Cục Chất lượng, chế biến và
phát triển thị trường
Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng nhà nuôi yến lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Sản lượng tổ yến năm 2023 đạt khoảng 15 tấn/năm, với trị giá trên 15 triệu USD/năm. Các cơ sở nuôi chim yến ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường, được chứng nhận an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu.
Các cơ sở nuôi yến ở Đồng Nai tập trung nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh. Năm 2023, sản lượng tổ yến của tỉnh khoảng 15 tấn, chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị để tham gia xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết vào năm 2022.
Tuy nhiên, công tác quản lý về nuôi yến vẫn gặp không ít khó khăn, nghề nuôi yến ở Đồng Nai còn gặp nhiều hạn chế. Qua rà soát, tỉnh có 800 cơ sở nuôi chim yến vẫn đang nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, chiếm tỷ lệ gần 58,4%.
Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và tiếng ồn, ảnh hưởng môi trường sống và mỹ quan đô thị. Một số cơ sở nhà yến chưa thống kê được, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và định hướng xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - xuất khẩu.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, vận hành nhà yến chưa được ban hành đầy đủ nên còn khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động nuôi chim yến
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, chuỗi giá trị yến còn nhiều tồn tại, phát sinh từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý từ đầu. Trong đó, việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến chưa chính xác do một số chủ nhà yến chưa kê khai hoạt động chăn nuôi. Kỹ thuật nuôi chim yến còn hạn chế. Nhiều nhà yến đầu tư tỷ đồng vẫn không dẫn dụ được đàn chim, hoặc dẫn dụ vào rồi nhưng yến lại bỏ đi nên rất lãng phí.
Trên địa bàn có 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm; chỉ chiếm tỷ lệ hơn 1% tổng số cơ sở nuôi yến và sơ chế, chế biến tổ yến.
Thời gian qua, Đồng Nai còn xuất hiện tình trạng dẫn dụ, săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt. Đây là hình thức khai thác tiêu cực, vừa ảnh hưởng nguồn gen quý hiếm và hệ sinh thái phát triển chim yến, làm suy giảm nguồn tài nguyên yến sào của địa phương, gây bức xúc cho xã hội.
Phát triển nhãn hiệu tập thể yến sào Đồng Nai
Việt Nam hiện có khoảng 30.000 cơ sở nuôi yến với sản lượng khoảng 150-200 tấn/năm. Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sản lượng tổ yến đạt từ 200-250 tấn và tăng lên 350-400 tấn năm 2030. Đồng Nai hiện có gần 1,4 ngàn cơ sở nuôi yến, sản lượng 15 tấn/năm.
Ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc. Thế nhưng thị phần còn rất thấp, ngành vẫn đang thiếu tính liên kết của một ngành hàng.
Tổ yến chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn thực phẩm, chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa xây dựng thương hiệu. Việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế nên giá bán không ổn định. Theo ông Đại, để xuất khẩu tổ yến, các cơ sở cần xây dựng chuỗi liên kết nuôi yến bền vững, tuân thủ tốt quy định về chăn nuôi, môi trường, kiểm dịch an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Lâm Sinh cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 3.000 tấn/năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Đây là cơ hội lớn cho nghề nuôi chim yến cả nước và của tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai đề nghị Bộ NNPTNT sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng nhà nuôi chim yến; và sớm ban hành hướng dẫn về cấp mã số cơ sở nuôi chim yến nhằm phục vụ xuất khẩu.
"Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp xây dựng, chứng nhận quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, hình thành và phát triển nhãn hiệu tập thể Yến sào Đồng Nai"-ông Sinh nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - Lê Thành Đại, hiện thị trường yến sào thế giới ước trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn.
Việt Nam đang là một trong 4 quốc gia (cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan) được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, so với 3 quốc gia còn lại, sản lượng yến xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Do đó, các địa phương có lợi thế đang có cơ hội để phát triển cơ sở, mở rộng thị trường.
Để xuất khẩu tổ yến, các cơ sở nuôi yến cần tuân thủ tốt quy định về chăn nuôi, môi trường, kiểm dịch an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh; xây dựng chuỗi liên kết nuôi yến bền vững.