Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Gỡ được nhiều nút thắt, đến thời “bùng nổ” của các hợp tác xã nông nghiệp (Bài 4)

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 28/12/2024 08:17 AM (GMT+7)
Những kì tích của nông nghiệp trong năm nay không phải là "ăn xổi", đó là thành quả của một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, với nhiều sự đổi mới và đa dạng trong hình thức tổ chức sản xuất, từ đây hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đưa nông sản Việt vươn ra toàn cầu.
Bình luận 0

Hình thành đa dạng các hình thức sản xuất, chuỗi liên kết 

Theo Bộ NNPTNT, năm 2024 có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. 

Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới với kim ngạch ước đạt 62,5 tỷ USD; thặng dư thương mại toàn ngành đạt 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà. 

Những kết quả này không phải là "ăn xổi" mà thực tế là thành quả của một quá trình chuyển đổi sản xuất mạnh mẽ trong nông nghiệp, với nhiều sự đổi mới và đa dạng trong hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. 

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Gỡ được nhiều nút thắt, đến thời “bùng nổ” của các hợp tác xã nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát mô hình kinh tế hợp tác tại Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Ảnh: baodautu

Theo Bộ NNPTNT, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định có 7 loại hình liên kết chuỗi theo các công đoạn từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch đến sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế, các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi rất đa dạng, được hình thành dựa trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng hoặc từng nhóm chủ thể.

Thống kê của các tỉnh, thành phố cho thấy, hiện nay có khoảng 815 chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 770 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với 361 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 367 chuỗi liên kết chế biến gắn tiêu thụ sản phẩm với 208 hợp tác xã tham gia... 

Còn theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến tháng 8/2024, cả nước đã có 4.000 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp (chiếm khoảng 13% tổng số HTX). Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 HTX, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186.000 hộ nông dân.

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Gỡ được nhiều nút thắt, đến thời “bùng nổ” của các hợp tác xã nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 2.

HTX chè Long Cốc (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) liên kết với hàng chục hộ nông dân trồng chè an toàn trên diện tích 37,4ha, mang lại giá trị cao cho sản phẩm chè, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống người trồng chè. Ảnh: Hoan Nguyễn

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa với vai trò chủ đạo của Nhà nước, HTX, doanh nghiệp đang tạo ra một hệ sinh thái bền vững cần phát huy để vừa phát triển sản xuất bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ năm 2019, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt dây chuyền chế biến vải thiều, ngô, dứa, đậu tương rau... Để có nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp liên kết với nông dân theo hình thức cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm ở 10 tỉnh, TP (Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai), với tổng diện tích bình quân 300 ha/vụ. Riêng vải thiều, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm vì bà con đã trồng cây từ trước. 

Anh Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty khẳng định: “Mục tiêu liên kết sản xuất của chúng tôi không phải lấy số lượng diện tích, mà hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi đều có hợp đồng, đặt cọc, đưa ra mức giá từ trước khi sản xuất và giữ ổn định trong suốt mùa vụ. Khi cây ra hoa, bà con đã biết giá của sản phẩm nên rất yên tâm sản xuất”.

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Gỡ được nhiều nút thắt, đến thời “bùng nổ” của các hợp tác xã nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 3.

Năm 2022, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã xuất khẩu thành công lô hàng đậu tương đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ.

Hiện Công ty Toàn Cầu có 60 công nhân, các sản phẩm tươi và đóng hộp của đơn vị đã xuất khẩu đi hàng chục thị trường trên thế giới. Tổng nguyên liệu công ty tiêu thụ khoảng 2.500 tấn/năm, trong đó có 2.000 tấn chế biến sâu, còn lại là sơ chế. 

Cũng theo đại diện Công ty Toàn Cầu, việc xuất khẩu nông sản những năm gần đây liên tục tăng trưởng đã đặt ra bài toán nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa, giúp người dân, HTX hưởng lợi từ chính cây lúa, trái cây, rau củ… mà mình làm ra, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. 

Khắc phục điểm yếu sản xuất manh mún, kích hoạt được tư duy thị trường 

Tại tỉnh Quảng Ninh, việc đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cũng đang đem lại những con số tích cực. Hiện toàn tỉnh có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp (tăng 78 HTX so với năm 2000); 119 tổ hợp tác (tăng 23 tổ so với năm 2000); 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 230 trang trại.

Các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp với tổng số 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia chuỗi liên kết. Số HTX làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên với doanh thu bình quân của đạt 850 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX, qua đó mang lại thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Còn doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/tổ/năm với lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/tổ/năm, cho thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Gỡ được nhiều nút thắt, đến thời “bùng nổ” của các hợp tác xã nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 4.

Thời gian gần đây, việc sử dụng máy bay không người lái (drone) dần trở nên phổ biến đối với bà con tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quang Sung

Tại ĐBSCL - vựa lúa, vựa nuôi trồng thủy sản của cả nước, trung bình mỗi tỉnh có 213 HTX; Kiên Giang là tỉnh có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất với 453 HTX và Vĩnh Long là tỉnh có số lượng ít nhất với 128 HTX nông nghiệp. 

Việc đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất tại ĐBSCL đã và đang thu hút ngày càng nhiều thành phần kinh tế tham gia vào nông nghiệp với tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao ngày càng mạnh mẽ. Sự đầu tư vốn lớn, bài bản của doanh nghiệp đã góp phần khắc phục điểm yếu sản xuất manh mún, kích hoạt được tư duy thị trường. 

Toàn vùng có 445 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chiếm 16% tổng số HTX nông nghiệp cả vùng; có 1.204 HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 43,4% HTX nông nghiệp cả vùng. Đây là vùng có tỷ lệ HTX bình quân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước.

Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL ngày càng phổ biến. 

Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên, cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, những kết quả trong năm 2024 là minh chứng cho thấy các địa phương đã chủ động kết nối thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp năng động thích ứng tốt hơn với “ba chữ biến”; hợp tác xã, cùng bà con nông dân mạnh dạn tiếp cận cách làm hay, mô hình mới giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng. 

Đặc biệt, các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng nông sản ngày càng thích ứng nhanh với những thay đổi liên tục của thị trường xuất khẩu về các tiêu chuẩn, quy định, hàng rào kỹ thuật... Điều đó cho thấy, chúng ta đang dần hiện thực hóa tư duy “cung cấp những hàng hóa thị trường cần chứ không phải chỉ cung cấp những sản phẩm chúng ta làm ra được”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem