Cần nâng cao mạnh mẽ hơn về chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội...
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ông Đoàn Đức Dân, nhấn mạnh, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn giúp nông dân gia tăng thu nhập và ổn định đời sống.
Ông cho biết, hằng năm, Hà Nội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. Diễn đàn "Khuyến nông @ Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" là cơ hội quan trọng để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện Ứng Hòa tới doanh nghiệp và các nhà phân phối, góp phần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là dịp để nông dân và các doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, cũng như đề xuất các kiến nghị liên quan đến chủ trương và chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.
Năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2024 ước đạt 4.954 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2023; trong đó trồng trọt đạt 730 tỷ đồng, tăng 1,5%; chăn nuôi đạt 2.517 tỷ đồng, tăng 4,5%, thủy sản đạt 1.707 tỷ đồng, tăng 4,46%. Hiện nay huyện duy trì và phát triển diện tích lúa chất lượng cao (chủ yếu là giống J02) là 7.271 ha, chiếm 87,6%, tăng 5,2% so với năm 2023. Trên địa bàn huyện có 19 xã gieo cấy 100% diện tích lúa J02, tăng 10 xã so với năm 2023.
Huyện triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi như: Ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất như giống lúa Nhật J02, TĐ25, nếp các loại; duy trì sản xuất rau, quả có giá trị kinh tế như: Dưa lưới, dưa vàng trong nhà màng kính, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; mô hình gieo sạ bằng máy bay không người lái - áp dụng cơ giới hoá 100%; chăn nuôi lợn áp dụng hệ thống cho ăn tự động.
Vì vậy, Diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là dịp giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện Ứng Hòa tới các doanh nghiệp, nhà phân phối, góp phần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Giải đáp các vướng mắc của nông dân...
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp khẳng định cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm nông sản của người dân, với điều kiện sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và sản lượng theo yêu cầu.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng quá trình sản xuất nông sản không phải lúc nào cũng đạt được sản lượng tối đa như dự tính. Vì vậy, nếu người dân chỉ đạt được 50-60% sản lượng yêu cầu, chúng tôi vẫn sẽ thu mua, xe sẽ đến tận nơi nhập hàng và đưa về kho doanh nghiệp đúng cam kết".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cam kết thu mua theo giá thị trường, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. "Giá cao, chúng tôi mua cao; giá thấp, chúng tôi mua thấp, không có tình trạng ép giá khiến nông dân chịu thiệt thòi", một đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng, góp phần ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực như khoai tây, bưởi, hoa màu,... tại huyện Ứng Hòa.
Không chỉ đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp còn tích cực giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến kỹ thuật canh tác, quy trình truy xuất nguồn gốc, xử lý các vấn đề trong mùa vụ. Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ thu mua, mà còn muốn đồng hành lâu dài với bà con, hỗ trợ hết mình từ sản xuất đến tiêu thụ".
Người dân bày tỏ sự phấn khởi trước sự cam kết và đồng hành từ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hùng, một nông dân trồng khoai tây tại huyện Ứng Hòa, chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ nhận được đầu ra ổn định mà còn được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập và đời sống".
Bên cạnh các cam kết của doanh nghiệp, đại diện hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ trang trại trên địa bàn huyện cũng đặt nhiều câu hỏi về giá cả sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng cuối năm như bưởi Diễn, rau màu, và giải pháp đưa sản phẩm chất lượng vào các kênh phân phối hiện đại. Ban cố vấn, các hiệp hội và doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc đúng kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tem mác rõ ràng, bắt mắt. Đặc biệt, việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt để đáp ứng các tiêu chuẩn đưa vào hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng lớn trên cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.