Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng bức tranh đậu bạc khắc chữ “Nông" và chương mới mở ra cho ngành nông nghiệp

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 28/12/2024 09:00 AM (GMT+7)
Chiều 27/12, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính sản phẩm thủ công tranh đậu bạc khắc chữ “Nông" của làng Định Công (Hà Nội). Chữ "Nông" trong câu "Dĩ nông vi bản” được vua Lê Đại Hành nói trong dịp đến núi Đọi Sơn cày ruộng vào Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi (987).
Bình luận 0

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, “Dĩ nông vi bản” mang ý nghĩa sâu sắc về việc lấy nông nghiệp làm gốc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Triết lý này không chỉ phản ánh giá trị truyền thống mà còn là kim chỉ nam định hướng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi.

Theo Bộ trưởng, Định Công được coi là đất tổ nghề kim hoàn Việt Nam, với lịch sử trên 1.000 năm, 1 trong 4 nghề tinh hoa của Hà Nội. Làng đậu bạc Định Công cũng đã đi vào ca dao: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát tràng, đồ bạc Định Công, đồ đồng Ngũ Xã".

Món quà tặng Thủ tướng đến từ làng Định Công vốn nổi tiếng với các sản phẩm đậu bạc. Đậu bạc là các sản phẩm được tạo ra từ các sợi chỉ se bạc, nhỏ như sợi chỉ khâu, mỗi sản phẩm được tạo ra từ hàng trăm tới hàng vạn cho tiết nhỏ ghép lại, quá trình làm hoàn toàn thủ công. Tài hoa kết tinh thành giá trị từ bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo của nghệ nhân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính tranh đậu bạc chữ “Nông" và chương mới mở ra cho ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng sản phẩm thủ công của làng đậu bạc Định Công (Hà Nội) với nội dung là chữ Nông trong câu "Dĩ nông vi bản" được vua Lê Đại Hành nói trong dịp đến núi Đọi Sơn cày ruộng vào Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi (987). Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục chứng minh vai trò "điểm tựa" của nền kinh tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và biến chuyển xu thế tiêu dùng. 

Kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến từ sự lãnh đạo, điều hành sát sao, xuyên suốt của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng nhau chuyển đổi tư duy, cùng nhau hành động, chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong, ngoài nước. 

Cùng với tinh thần năng động, vượt khó của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, sự chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt với xu thế mới của hợp tác xã, người sản xuất, bà con nông dân trên khắp cả nước, là "niềm tin", là hy vọng vào những giá trị tốt đẹp mà ngành nông nghiệp luôn đóng góp cho cả nước.

Theo Bộ trưởng, năm 2025 mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn, và hàng loạt thách thức. Bộ NNPTNT lựa chọn chủ đề 2025 là: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá” - như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.

“Thích ứng linh hoạt” là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới.

“Khơi thông nguồn lực”, cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững.

“Tăng tốc bứt phá” là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính tranh đậu bạc chữ “Nông" và chương mới mở ra cho ngành nông nghiệp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, năm 2025 mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn, và hàng loạt thách thức. Theo đó, Bộ NNPTNT lựa chọn chủ đề 2025 là: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”. Ảnh: Nhật Bắc

Giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường… không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày.

Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi… đến bàn ăn, có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường? Và cả câu chuyện cảm xúc, độc đáo của chính người nông dân, của làng quê nông thôn.

Chính vì vậy, sự hợp lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên và môi trường vừa thích ứng kịp thời với xu thế toàn cầu, vừa tạo nên sự gắn kết tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.

“Hợp lực, đồng lòng”, tất cả cùng dốc sức cho sự phát triển “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”, vì sự bền vững của “tài nguyên - môi trường”.

Nông nghiệp Việt Nam - Điểm tựa và niềm tin, sẽ luôn vững bước, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bà con nông dân, cho cộng đồng dân cư nông thôn, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem