Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, các bị can Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình, Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Lê Thanh Vân - cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu đại biểu Quốc hội Khóa XV và Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước) đã có các hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Các hành vi vi phạm của các bị can được thể hiện rõ ở 5 vụ việc mà cơ quan truy tố nêu.
Vụ thứ nhất là vụ cưỡng đoạt tài sản của chi nhánh Công ty Sao Đỏ; vụ thứ hai là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng để trục lợi; vụ thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh để trục lợi; vụ thứ tư là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi; vụ thứ năm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn, thôn Tây Sơn, Bình Khê (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để hưởng lợi.
Trong vụ án, Nguyễn Văn Vương bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" trong vụ việc thứ 4. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này từ 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo tài liệu, vị cựu chuyên viên Vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024 theo quyết định số 229 của Văn phòng Chủ tịch nước.
Bị can Vương bị Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng ngày 19/9/2024.
Đáng chú ý, ngày 15/12/2023, Vương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 3, Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình sau đó đã đưa Nguyễn Văn Vương ra xét xử sơ thẩm. Theo bản án số 64/2024/HSST ngày 16/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên Vương 7 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vương bị tuyên bản án sơ thẩm trước khoảng thời gian hơn 1 tháng khi bị truy tố trong vụ án liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân.
Tại vụ án này, Vương bị cáo buộc khi được doanh nghiệp nhờ đã đến nhờ ông Nhưỡng, ông Vân để can thiệp giúp doanh nghiệp tại dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi.
Đối với Cường "quắt", cơ quan truy tố thấy Cường còn có hành vi cùng anh Bùi Văn Thao đến gặp, nhờ bị can Nhưỡng can thiệp giúp đỡ cho anh Thao thắng kiện vụ án dân sự tranh chấp nhà đất khi đưa ra xét xử phúc thẩm, đã biếu ông Nhưỡng bộ cánh cổng bằng gỗ trị giá 75 triệu đồng, hứa sẽ cho 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng để cảm ơn.
Xét hành vi trên không đồng phạm với bị can Nhưỡng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
Bên cạnh đó, với hành vi trên của anh Thao, Cường "quắt", cơ quan truy tố thấy, bị can Nhưỡng không phải là người có thẩm quyền quyết định việc giải quyết vụ án dân sự trên nên họ không phạm tội "Đưa hối lộ".
Theo cơ quan truy tố, Cường "quắt" bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Tái phạm". Theo đó, Cường phạm tội trong thời gian thử thách của bản án phúc thẩm ngày 30/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình về tội "Cố ý gây thương tích".
Tuy nhiên, Cường cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án. Quá trình điều tra, gia đình Cường đã thay mặt Cường, Phương bồi thường, khắc phục hậu quả cho chi nhánh Công ty Sao Đỏ.
Đối với chị Lê Thị Hồng Hoa (vợ Cường "quắt") có hành vi nhận tiền thay chồng. Sau khi Cường bị bắt về tội "Gây rối trật tự công cộng", chi nhánh Công ty Sao đỏ vẫn tiếp tục phải nộp cho Cường và đồng phạm 230 triệu đồng. Chị Hoa đã nhận số tiền trên, nhưng xét thấy khi nhận số tiền, chị Hoa không biết là do Cường và đồng phạm phạm tội mà có nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự là có căn cứ.
Quá trình điều tra, Lê Thị Hồng Hoa đã tự nguyện trả cho chi nhánh Công ty Sao Đỏ số tiền hơn 4,9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho các bị can Cường và Phương. Đại diện chi nhánh Công ty Sao Đỏ không yêu cầu bồi thường gì thêm.
Với vợ ông Lưu Bình Nhưỡng, đã thay mặt chồng nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình 7 tỷ đồng, là số tiền tương ứng 300.000USD mà bị can Nhưỡng đã hưởng lợi từ Công ty Mạnh Đức.
Vợ ông Nhưỡng còn có hành vi mua 30ha ở khu vực bãi triều do bị can Cường "quắt" lấn chiếm trái phép, sau đó giao lại cho Cường quản lý để khai thác thu tiền. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình xét thấy, khi thực hiện các hành vi trên, bà này không biết ông Nhưỡng đã cùng Cường "quắt" thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra không xử lý hình sự là có căn cứ.
Với ông Lưu Bình Nhưỡng, ngày 17/4/2024, bị can Nhưỡng đã viết đơn xin nộp lại số tiền 180 triệu đồng trong số tiền bị can đã hưởng lợi bất chính trong vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Trường Sinh.
Ông này bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "phạm tội 2 lần trở lên" khi nhiều lần có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ông Nhưỡng khai nhận hành vi phạm tội, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, kỷ niệm chương… Bố bị can là thương binh, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạnh Nhì, gia đình có bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 chú ruột là liệt sỹ. Việc vợ ông Nhưỡng nộp 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cũng là 1 trong các tình tiết giảm nhẹ mà ông Nhưỡng được hưởng.
Về bộ cánh cổng gỗ được biếu tại nhà thờ của ông Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan chức năng đã thu giữ, giao cho UBND xã Hùng Dũng (Hưng Hà, Thái Bình) bảo quản, chờ xử lý theo quy định.