Năm 2024, ngành GTVT đã đưa toàn bộ 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đi vào khai thác nối liên thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km.
Cùng với đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cũng đang được gấp rút triển khai thi công mạnh nhằm đảm bảo tiến độ.
Cụ thể, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) được áp dụng hình thức chỉ định thầu được triển khai thi công, đến nay, có 7 dự án dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.
Đặc biệt, vào kỳ họp tháng 11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035. Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và đạt được kết quả kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan toả kinh tế sang nhiều lĩnh vực.
Nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam vượt sông hồ, xuyên núi, xuyên rừng, đi qua những vùng đất hoang sơ đã được khánh thành đưa vào khai thác mở ra không gian phát triển đô thị mới, tạo trục "xương sống" phát triển kinh tế xã hội của đất nước, làm thay đổi nhiều vùng đất.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện giúp cho việc đi lại, giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá của người dân, doanh nghiệp đã được rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiệt hại về chi phí logistics...
Nếu trước đây, người dân di chuyển từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) mất tới 5 giờ di chuyển, đến nay, khi tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển được rút ngắn xuống chỉ còn 3,5 giờ.
Tương tự, kể từ khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển của người dân từ TP.Hồ Chí Minh đến thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô, thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Năm 2024, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực".
Tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết thúc năm 2024, Việt Nam có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).
Năm 2024, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt tăng trưởng GDP hai chữ số, dù chỉ tiêu Quốc hội đã giao chỉ trên 7% và mức Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó chỉ trên 8%.
Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; đã phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025".
Cùng với đó, Bộ trưởng Dũng đánh giá cao việc đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên trong năm 2024; đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành, phấn đấu đưa vào khai thác Nhà ga T3 trước ngày 30/4/2025, Cảng Long Thành trong nửa đầu năm 2026.
Trao đổi với PV Dân Việt về phát triển hạ tầng giao thông, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: Những năm trước đây, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương".
Nguyên nhân khiến cho ngành logistics phát triển chậm là do cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.
TS. Trần Khắc Tâm cho biết, sau gần 40 năm đổi mới và 13 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ đưa Đất nước vươn mình và "lột xác" để phát triển theo cấp số nhân.
Từ thời điểm không có tuyến đường cao tốc nào, đến nay, Việt Nam có hơn 2.000km cao tốc. Dự kiến, đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km và đạt mục tiêu 5.000km vào năm 2030. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Trước những sự thay đổi của hạ tầng giao thông, TS. Trần Khắc Tâm đánh giá: "Đây là thành quả từ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Hạ tầng giao thông có những sự "chuyển mình" mang tính đột phá nhờ vào đột phá về thể chế và chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo TS. Trần Khắc Tâm, kết quả có được nhờ chủ trương, chính sách được khơi thông từ trên xuống dưới, nguồn vốn ngân sách dù không nhiều nhưng luôn được bố trí, phân bổ cho các dự án giao thông một cách kịp thời, phù hợp. Sự sát sao, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng là một trong những điểm nhấn giúp hệ thống hạ tầng giao thông có những bước phát triển đột phá.
Năm 2025, cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường cao tốc
Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 75%). Tuy nhiên, con số này vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (ở mức 60,4%).
Theo ông Thìn, ngày 6/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1523/QĐ-TTg giao chi tiết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, Bộ GTVT được giao 71.135 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn vượt thu các năm 2021, 2022, 2023 thì tổng kế hoạch vốn năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng).
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, là năm cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường bộ cao tốc, cũng như cần chuẩn bị đầu tư một số dự án có quy mô rất lớn, tiến độ rất gấp (dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc) trong điều kiện sẽ có nhiều thay đổi về bộ máy, cơ cấu, tổ chức.