MChiều nay (30/12), tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 do Bộ GTVT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, nhiều dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ, nhưng không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.
Trong năm 2024, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra; Tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội.
Về xây dựng hạ tầng, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua.
Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, TP Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như GPMB, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.
Đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000 km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng.
Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4" kíp để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá, các công trường bứt tốc, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024 ).
Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch, thuộc nhóm dẫn đầu về giải ngân trên cả nước.
Năm 2024, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; Vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận diện một số tồn tại, hạn chế như: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 Cảng HKQT Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực ĐBSCL tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, năm qua, ngành Tài nguyên - Môi trường luôn sát cánh cùng ngành GTVT, kịp thời phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án giao thông đảm bảo tiến độ,
Về nguồn vật liệu xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là nguồn cát đắp, đất đắp.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá, khoanh định 144 triệu m3 cát biển ở tỉnh Sóc trăng có thể khai thác ngay, phục vụ thi công các dự án giao thông lớn trong bối cảnh nguồn cát sông còn hạn chế. Đến nay, có 860 nghìn m3 đã được khai thác.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, việc khai thác tài nguyên cát biển sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng cát biển trong các môi trường khác nhau.
Thời gian qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các nghị định, thông tư hiện hành cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng phân cấp triệt để cho địa phương, giảm tối đa thủ tục hành chính.
Để đạt được mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Kiên cho rằng: "Cần phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương".
Cùng một văn bản hướng dẫn của Bộ chuyên ngành, hơn 40 tỉnh, thành thực hiện tốt việc cấp mỏ đặc thù. Song, có những tỉnh chưa cấp mỏ nào. Đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, góp phần đưa các dự án giao thông về đích đúng tiến độ, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương là rất quan trọng.