Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Cần tham khảo kinh nghiệm các nước về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Cần tham khảo kinh nghiệm các nước về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 13/12/2024 11:14 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Để có thể triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Ban QLDA Đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư gửi Bộ GTVT trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 3/2025.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tại họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 12, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh: "Bên cạnh sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo khả thi, cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam".
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển về cách thức quản lý, tổ chức triển khai.
"Có thể nghiên cứu lập Ban tổng công trình hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng/kiến trúc sư trưởng", Tư lệnh ngành GTVT gợi mở.
Đối với các dự án đường sắt khác, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phải phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo đơn vị làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án, làm cơ sở lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.
Báo cáo về các dự án giao thông Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư chỉ bằng khoảng 1/8 dự án đường sắt tốc độ cao nhưng đã cần đến 7 ban quản lý dự án tham gia.
Với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, Thứ trưởng Huy cho rằng, dự án yêu cầu kỹ thuật, tính đồng bộ cao, khối lượng công việc rất lớn, biên chế tại các ban quản lý dự án hiện nay khó đáp ứng. Vì thế, cần sớm có giải pháp phù hợp để tăng cường nguồn lực.
Trong khi đó, báo cáo về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, để khởi công trong năm 2027, Ban QLDA Đường sắt cần sớm triển khai dự thảo nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, xác định cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ngay trong tháng 12/2024.
Theo ông Thìn, các cơ quan, đơn vị liên quan cần sớm lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo.
Với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD, thời gian khởi công được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện trong năm 2025.
Theo ông Thìn, đây là áp lực rất lớn. Thông thường, thời gian chuẩn bị đầu tư dự án khoảng 3 - 4 năm.
Để đáp ứng tiến độ này, có 7 hạng mục công việc cần hoàn thành: Lập và phê duyệt đề xuất dự án; lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo khả thi; đàm phán và ký hiệp định vay; phê duyệt thiết kế kỹ thuật; giải phóng mặt bằng...
Về lộ trình triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, Ban QLDA Đường sắt cần hoàn thành, trình Bộ GTVT đề xuất dự án trước ngày 18/12/2024. Vụ KH-ĐT tham mưu gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 25/12/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1/2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.