Mặc dù, không phải là người đầu tiên đưa mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm về vùng trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nhưng anh Tô Vũ Thành Tín được đánh giá rất thành công với mô hình trên.
Từ mô hình nuôi chim hoang dã quý hiếm của anh đã mở ra hướng chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ riêng gia đình anh mà cả người dân địa phương.
Anh Tô Thành Tín kể, năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn chuyên ngành xây dựng, anh cầm tấm bằng đại học vào TP HCM xin việc.
Trong 1 năm bươn chải, nhiều lần anh đi công trình xây dựng ở Củ Chi, Bình Dương… rồi tình cờ biết đến mô hình nuôi chim trĩ.
Thấy con chim trĩ lạ, lại tương đối dễ nuôi nên Tín bắt đầu thích và lân la tìm hiểu về mô hình nuôi động vật hoang dã quý hiếm.
Qua tìm hiểu, thấy nhiều người thành công với mô hình nuôi chim trĩ ở nhiều địa phương, Tín quyết tìm hiểu kỹ hơn về loài chim hoang dã này để chọn nghề khởi nghiệp.
"Cơ duyên bắt đầu từ đó nhưng gia đình vẫn là số 1. Tôi nghĩ cha mẹ ở quê cũng lớn tuổi lại hay đau yếu nên mới quyết định bỏ việc về quê nuôi chim trĩ và có thời gian chăm sóc cha mẹ", anh Tín nhớ lại.
Tháng 8/2014, khi nắm một số kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho chim trĩ, Tín về quê bàn với cha mẹ và vay người thân 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại trên diện tích khoảng 500m2.
Sau đó, Tín vào lại TP.HCM mua 50 đôi chim trĩ trống - mái và 62 con chim mái trưởng thành về nuôi.
Vẫn theo anh Tín, ban đầu đi tìm hiểu thực tế, ai cũng nói dễ nuôi nhưng khi tiếp cận và nuôi thì gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn nhất là thời tiết lạnh, nhưng nếu khắc phục được thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Tháng 11/2014, tưởng chừng phải bỏ nghề, vì đúng lúc chim trĩ đang thay lông gặp thời tiết lạnh.
Anh làm đủ cách, trong điện sưởi ấm nhưng vẫn không ổn, loài chim hoang dã này gặp vấn đề về sức khỏe.
Qua tìm hiểu trên mạng về các loài chim sinh tồn trong mùa lạnh, sau đó anh chặt các tàu dừa làm ụ, dùng lá chuối khô lót nền làm ổ, vậy mà đàn trĩ vượt qua đợt lạnh.
Ưu điểm của chim trĩ là giống hoang dã nên rất ít dịch bệnh. Đặc biệt, thức ăn của chim trĩ đỏ cũng rất đơn giản giống như thức ăn gà ta.
Đó là những thứ sẵn có ở quê như bắp, rau xanh, lúa và cám công nghiệp nên công việc nuôi không quá vất vả.
Anh Tô Vũ Thành Tín (ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) thành công với mô hình nuôi chim trĩ, nuôi ong dú-2 loài động vật hoang dã. Chim trĩ đỏ khoang cổ là loài chim thuộc họ trĩ (tên khoa học Phasianidae) nằm trong Sách đỏ Việt Nam được phép nuôi thương mại tuân theo các quy định của pháp luật. Ảnh: QN.
Anh Tín kể, vào năm 2015, anh thêm một phen "lên bờ xuống ruộng" khi bầy chim trĩ đang đẻ bỗng lăn đùng ra chết.
Quyết không bỏ cuộc, năm 2019, anh Tín đầu tư thêm các dòng chim trĩ 7 màu, chim công. Nhưng thử thách với anh kỹ sư xây dựng chưa dừng lại đó, khi những dòng chim trĩ này đang cho thu nhập ổn định thì đại dịch COVID-19 bùng phát buộc anh phải bán tháo, giảm đàn để duy trì.
"Sau nhiều lần thất bại, thú thực tôi cũng muốn bỏ cuộc bởi bao công sức, tiền của bỗng chốc tan biến. Nhưng rồi, suy nghĩ lại, thấy không thể vì khó khăn mà chùn bước nên hai vợ chồng quyết tâm làm lại", anh Tín chia sẻ.
Chưa dừng lại khi mô hình nuôi chim trĩ thành công, trong lần cùng bạn bè vào núi chơi, anh Tô Vũ Thành Tín phát hiện tổ ong dú, một loài ong tí hon nên bắt về nhà nuôi cho vui. Sau đó lên mạng tìm hiểu thì biết mật ong dú có giá trị như một loại dược liệu.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng nhưng nông dân Tô Vũ Thành Tín, cử nhân bỏ phố về quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) có quyết định táo bạo khi bỏ việc ở phố về quê nuôi chim trĩ, ong dú… đã thành công ngoài mong đợi. Ảnh: QN.
Từ đó, anh bắt đầu đặt mua ong dú về nuôi mở rộng mô hình. Ban đầu cũng do chưa có kinh nghiệm nên ong dú cũng khiến anh bị "bay" hết gần 100 triệu đồng.
Sau nhiều năm thử nghiệm với mô hình, đến nay, anh Tín đã sở hữu hơn 400 thùng ong. Bình quân mỗi thùng lấy được 0,5 lít mật, mỗi năm anh thu khoảng 200 lít mật. Hiện, giá mật ong dú dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/lít, mang về cho anh hơn 270 triệu đồng mỗi năm.
Hiện với mật ong dú cộng với thu nhập từ việc nuôi các loài chim, gà kiểng anh Tín có lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm mật ong dú và sản phẩm thịt, trứng chim trĩ của anh đều đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Đặc biệt, với mô hình phát triển kinh tế của mình, anh Tín còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động cùng nhiều lao động thời vụ khác với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Vốn là là giống động vật hoang dã quý hiếm, nên Ưưu điểm của chim trĩ đỏ lnên rất ít dịch bệnh. Ảnh: QN.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đánh giá cao mô hình phát triển kinh tế của anh Tô Vũ Thành Tín, mang lại thu nhập cho gia đình.
Theo ông Lê Thanh Việt – Bí thư huyện đoàn Hoài Ân, huyện đoàn thường xuyên đưa các đoàn viên thanh niên trong huyện cũng như các đoàn viên thanh niên từ các tỉnh bạn đến địa phương đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế của thanh niên Tô Vũ Thành Tín.
"Bản thân anh Tín cũng rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương và luôn tạo điều kiện hỗ trợ các bạn đoàn viên thanh niên trong khởi nghiệp, như cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua tiêu thụ sản phẩm…", ông Việt nói.