Lạng Sơn: Tình cờ đem thứ rau rừng mọc hoang trên núi về trồng, ai ngờ quanh năm "hái" được tiền đều như vắt chanh

Thứ hai, ngày 08/02/2021 19:07 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã đưa cây rau bò khai mọc hoang dại trong tự nhiên (rau rừng) về thuần hóa tại đất vườn, đồi của gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những cây thế mạnh của huyện.
Bình luận 0

Gia đình ông Hoàng Văn Thi, thôn Làng Nong, xã Thượng Cường (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) là một trong những hộ đem cây rau bò khai mọc hoang dại từ trên rừng về thuần hóa tại đất vườn, đồi cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ trồng rau rừng hoang dại trong vườn nhà mà gia đình ông Thi thu nhập hơn 60 triệu đồng mỗi năm. 

Lạng Sơn: Tình cờ đem thứ rau rừng mọc hoang trên núi về trồng, ai ngờ quanh năm "hái" được tiền đều như vắt chanh - Ảnh 1.

Người dân thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn thu hái rau rừng- rau bò khai để bán.

Ông Thi cho biết: “Gia đình tôi trồng rau bò khai đến nay đã được hơn 8 năm. Tôi thấy cây rau rừng này dễ bán, giá bán rau rừng lại cao nên từ vài trăm gốc ban đầu, tôi đã mở rộng thêm lên đến gần 4.000 cây rau bò khai trồng xen dưới tán cây na...".

Hiện tại đang vào mùa, mỗi ngày, hai vợ chồng ông Thi thu hái được 1 tạ rau rừng bò khai. Chỉ cần hái rau rừng xong là đã có thương lái đến tận vườn thu mua chứ không cần phải mang ra chợ bán lẻ nữa. Trồng rau rừng bò khai cho gia đình ông Thi thu nhập lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô...

Không chỉ gia đình ông Thi, hiện nay, rau bò khai đã trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cho rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Chi Lăng. 

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, loại cây rau rừng này phát triển mạnh. Hiện huyện đang từng bước hình thành vùng trồng cây rau bò khai.

Rau rừng bò khai tập trung tại một số xã, thị trấn có đất ven núi đá thuận lợi cho cây bò khai phát triển như: thị trấn Đồng Mỏ (14 ha), xã Thượng Cường (19,5 ha), xã Hòa Bình (7 ha), xã Gia Lộc (7,2 ha)… 

Đến nay, huyện Chi Lăng có trên 360 hộ trồng cây rau bò khai với tổng diện tích khoảng 50 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 32 ha.

Theo những người trồng rau bò khai ở đây, khi lấy giống rau bò khai từ rừng về, người dân chặt thành từng đốt, lấy mắt ươm cho lên mầm rồi đưa đi trồng, chỉ cần trồng một năm cây đã cho thu hái. 

Từ năm thứ ba trở đi cây rau bò khai sẽ cho sản lượng lớn hơn và ổn định hơn. Thời gian trồng rau bò khai tốt nhất từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch.

Khi thời tiết ẩm ướt cây rau bò khai sẽ dễ sống và phát triển tốt hơn. Bò khai là loại cây dễ trồng lại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch kéo dài (từ đầu tháng 2 âm lịch đến tháng 10 âm lịch).

Thường sau khi thu hái từ 3 đến 5 ngày là rau bò khai đã có thể thu hoạch tiếp mà giá trị kinh tế đem lại cao, với giá bán  từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm cho các hộ và trở thành nguồn thu nhập thường xuyên của gia đình.

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hiện trên địa bàn huyện Chi Lăng đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ) chuyên về trồng rau bò khai với 18 thành viên tham gia. 

Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Mặc dù cây rau bò khai dễ bán, giá cả cao nhưng chưa thực sự ổn định, vì vậy, HTX ra đời là nơi để các thành viên giúp đỡ  nhau về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau.

Hơn nữa là liên kết để tìm đầu ra ổn định cho bà con, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Khi mới thành lập, HTX có 7 ha cây rau bò khai, đến nay, sau hơn một năm, HTX đã trồng mới gần 3 ha rau bò khai, nâng tổng diện tích rau bò khai của HTX lên gần 10 ha.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), để nâng cao giá trị của sản phẩm rau bò khai, trong hai năm 2018 và 2019, huyện Chi Lăng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau bò khai Chi Lăng. 

Tháng 8/2019, rau bò khai huyện Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, qua đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. 

Cùng với đó, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau bò khai tại các hội chợ, siêu thị ở Hà Nội. Hiện rau bò khai của huyện Chi Lăng được nhiều khách hàng ưa chuộng, và có mặt ở nhiều nhà hàng, quán ăn trong tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh thành như: Bắc Ninh, Hà Nội…

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Rau bò khai rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây rau phát triển rất tốt cho năng suất cao. 

Năm 2019, sản lượng rau bò khai toàn huyện Chi Lăng đạt gần 150 tấn. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong đó có cây rau bò khai, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục triển khai việc tập huấn, hỗ trợ bà con trồng rau bò khai theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo sản phẩm rau bò khai đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng tiếp tục quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho cây rau bò khai huyện Chi Lăng. Năm 2020, dự kiến toàn huyện sẽ mở rộng thêm 10 ha, nâng tổng diện tích cây rau bò khai lên khoảng 60 ha.

Ngọc Mai (Báo Lạng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem