Trồng lúa 4.0 ở Đồng Tháp, Vĩnh Long là trồng kiểu gì mà nông dân khỏe re, tiền chạy ào ào vào thẻ?
Trồng lúa 4.0 là làm kiểu gì mà ở Đồng Tháp, Vĩnh Long nông dân nói "khỏe re", tiền chạy ào ào vào thẻ?
Chủ nhật, ngày 05/01/2025 14:30 PM (GMT+7)
“Bây giờ làm lúa 4.0, khỏe re. Drone bón phân, xịt thuốc. Ghi nhật ký đồng ruộng bằng điện thoại thông minh. Làm lúa 3 vụ ăn chắc, máy móc thay nông dân. Nông dân không cần lội xuống ruộng, thu hoạch tiền chạy vào thẻ ào ào”, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp...
“Bây giờ làm lúa 4.0, khỏe re. Drone bón phân, xịt thuốc. Ghi nhật ký đồng ruộng bằng điện thoại thông minh. Làm lúa 3 vụ ăn chắc, đã có máy móc thay nông dân hầu hết các khâu.
Nông dân không cần lội xuống ruộng, tới thu hoạch tiền chạy vào thẻ ào ào”, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi mô tả, vừa dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa chất lượng cao 447ha ngút ngàn tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).
Cơ giới hóa đồng ruộng dần thay nông dân hầu hết các khâu sản xuất lúa, trong đó máy bay không người lái thay người phun thuốc, bón phân....
Những người trồng lúa hiện đại không chỉ đem tư duy, tri thức vào các sản phẩm từ hạt gạo, mà còn xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm với sức khỏe người dùng và môi trường sống của cộng đồng.
Quan trọng là giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Trên những tuyến đường đan ngang dọc cặp kè hệ thống kênh thủy lợi, cống bộng chạy giữa cánh đồng lúa xanh rì, ông Hùng cho biết đã đầu tư “hơn 26 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí của HTX, Nhà nước hỗ trợ) để có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh” phục vụ sản xuất, đi lại và vận chuyển lúa thuận lợi.
“Chúng tôi đang nghiên cứu kiên cố kênh mương để giảm lượng nước thất thoát, giảm chi phí tưới tiêu trong quá trình sản xuất”- ông Hùng nói và còn cho biết HTX hiện có 96 thành viên, bình quân mỗi hộ có thấp nhất 1,5ha.
Diện tích sản xuất lớn cũng là điều kiện quan trọng để HTX triển khai thành công chương trình sản xuất tiên tiến.
“Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên đồng ruộng, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ đã được HTX triển khai rất hiệu quả. Từ đó, tạo được sự đồng tình ủng hộ của người dân, gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, ghi chép nhật ký sản xuất.
Với kinh nghiệm cùng quyết tâm cao của thành viên, HTX được chọn thí điểm tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích hơn 43ha, nông dân càng phấn khởi vì các tiêu chí không có gì lạ”- ông Hùng nói.
Trong vụ lúa Hè Thu 2024 vừa rồi, mô hình của HTX sản xuất lúa giá thành 3.700 đ/kg, giá bán 8.500 đ/kg và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100-150 đ/kg.
Năng suất lúa đạt 6,5-6,9 tấn/ha. Lợi nhuận mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng. Đặc biệt thu nhập của người trồng lúa tăng thêm từ 800.000-900.000 đ/ha từ bán rơm rạ sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan- người rất tâm huyết với nông nghiệp bền vững, bên cánh đồng lúa chất lượng cao của HTX Thắng Lợi, tại Ấp 5, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt ban hành, nông dân đã ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ (sạ hàng, sạ cụm kết hợp vùi phân) giảm giống còn 65-70 kg/ha, quản lý nước ngập- khô xen kẽ, giảm lượng phân bón từ 20-40%, giảm số lần phun thuốc BVTV, rơm được thu gom ra khỏi ruộng, được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa...
Theo ông Hùng, với hiệu quả mô hình, từ 43ha thí điểm sẽ tăng lên 150ha trong vụ Đông Xuân và hướng tới tất cả 447ha tham gia đề án.
Làm lúa 4.0, theo cách nói của ông Hùng, không chỉ giảm chi phí mà còn hỗ trợ sản xuất bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chẳng hạn, trên ruộng lắp đặt máy cảnh báo sâu rầy kết nối iphone, trong phạm vi 5km sẽ thông báo mật độ bao nhiêu, khi nào cần phun thuốc... Từ đó, nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Từ cái tâm và trách nhiệm
“Xuất phát từ mục tiêu ban đầu của hộ sản xuất mong muốn tạo ra sản phẩm phục vụ lợi ích người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sống cho cộng đồng. Chúng tôi quan tâm trước hết tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu sức khỏe, chứ chưa nghĩ tới xây dựng thương hiệu cũng như bán giá cao”, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ từ những suy nghĩ, trăn trở cho hạt lúa đã hình thành thương hiệu gạo hữu cơ nổi tiếng.
Đến nay, sau hơn 14 năm thành lập, từ 6,5ha với 15 thành viên, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất.
Trong đó, khoảng 30ha được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt.
Từ thực trạng chi phí sản xuất cao, đầu ra bấp bênh, trong khi môi trường đất trồng lúa bị tồn dư hóa chất độc hại, gây ô nhiễm.
Với sự hướng dẫn của ông Tài, HTX đã bắt tay vào việc trồng lúa hữu cơ. Đây là quy trình sản xuất lúa gắn liền với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc BVTV hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại.
Dựa vào lợi thế vùng đất lúa, xã viên là những nông dân có kinh nghiệm trong nghề trồng lúa nước và có cơ sở hạ tầng đồng ruộng thuận lợi, nên HTX mạnh dạn sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đó là sản xuất theo hướng hữu cơ và đã thành công.
Theo ông Tài, nhờ thực hiện sản xuất an toàn, hữu cơ nên khi triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao có những thuận lợi nhất định cho HTX. “Trước khi triển khai thực hiện đề án, tôi đã trực tiếp tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong sản xuất.
Đồng thời, tập huấn cho các thành viên chủ chốt của HTX nắm bắt được công nghệ. Trong năm 2025, HTX đăng ký thực hiện đề án với diện tích 350ha trong 3 vụ lúa. Hiện HTX gần như đã hoàn thiện các điều kiện để thực hiện theo đề án, đang hoàn thiện trạm bơm để đưa vào sử dụng trong vụ mùa tới”- ông Tài cho hay.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là chủ trương lớn, kỳ vọng tạo sự chuyển biến lớn cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
“Mục tiêu của HTX từ trước đến nay là tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng nhưng phải bảo vệ môi trường, nhiều năm nay HTX đã làm được và đang tiếp tục thực hiện theo kim chỉ nam này.
Mỗi tháng cung ứng cho thị trường 15-20 tấn sản phẩm, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX có lợi nhuận, có hướng đi đúng đắn, có thành công thì mới thu hút được nhiều nông dân tham gia vào HTX. Từ đó, hình thành vùng sản xuất lớn, bền vững hơn”- ông Tài chia sẻ.
Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp và ứng dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng, thực chất là giảm mức đầu tư đồng nghĩa tăng lợi nhuận cho nông dân.
Việc triển khai đề án sẽ làm thay đổi cả một phương thức sản xuất, đem lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí mà hơn hết là vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường.
Cùng với các giải pháp số hóa và tự động hóa trong tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý đến tiêu thụ, việc xuất hiện những cánh đồng không dấu chân- mà nhiều giám đốc HTX đang ấp ủ sẽ không còn xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.