Dân Việt

Cây cổ thụ đưa lên chậu làm cây cảnh chưng tết là hàng hot ở Hưng Yên, cả vườn trị giá 30 tỷ

Minh Ngọc 15/01/2025 12:44 GMT+7
Anh Hoàng Đình Chính (huyện Văn Giang, Hưng Yên) có trên 300 trăm cây bưởi cảnh lớn nhỏ, nhiều cây là cây cổ thụ, tổng giá trị ước tính gần 30 tỷ đồng. Có một cây bưởi cổ thụ 100 năm tuổi được anh Chính đưa lên chậu, đặt tên là “Cội nguồn quê hương”, có khách trả giá 500 triệu...

Tết năm nay, vườn nhà anh Chính có trên 300 cây bưởi cổ thụ sẵn sàng phục vụ khách. Anh Chính nhẩm tính, giá trị của khu vườn lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khoảng 1,5 tháng, nhiều vị khách đã gọi điện hỏi thông tin hoặc tìm tới tận vườn để chọn bưởi cổ thụ.

Theo anh Chính, năm nay, những cây bưởi cổ thụ có những dáng độc lạ như thế trực, tam đa, ngũ phúc, dáng huyền, bàn trà... và được anh đặt tên như: "Chính trực", "Sum vầy", "Ngai vàng" vẫn được nhiều người săn tìm. 

Giá bưởi cảnh chưng tết năm nay tại vườn nhà anh dao động từ vài triệu đồng cho cây nhỏ; cây bưởi đẹp, độc có thể có giá tới hàng trăm triệu đồng.

Cách đây hơn 1 tuần, "siêu bưởi cảnh" cổ thụ có tên là “Mái ấm gia đình” được anh Chính định giá cao nhất lên đến 800 triệu đồng đã có người đặt thuê để chơi trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Sau khi cây bưởi cổ có giá trị nhất tại vườn được khách đặt thuê, anh Chính tiết lộ với PV Dân Việt, trong vườn của mình còn có một "siêu phẩm" bưởi cổ nữa mang tên "Cội nguồn quê hương", đang được định giá trên 650 triệu đồng.

Hưng Yên:  - Ảnh 1.

Vườn bưởi cổ thụ của anh Hoàng Đình Chính (trú tại huyện Văn Giang, Hưng Yên) có hàng trăm cây bưởi cảnh lớn nhỏ, tổng giá trị ước tính gần 30 tỷ đồng. Theo nhu cầu, những năm gần đây dân tình, nhất là giới đại gia, nhà giàu thích chưng cây cảnh cổ thụ, cây cổ thụ là cây ăn quả. Ảnh: Minh Ngọc.

Chia sẻ với Dân Việt về cây bưởi cổ có tên "Cội nguồn quê hương", anh nói: “Gốc bưởi này là bưởi Diễn khoảng hơn 100 tuổi được ghép với giống bưởi đỏ. 

Cây cổ thụ này cao 4m, tán rộng gần 4m. Đặc biệt, cây mang hơn 200 quả bưởi chín vàng và đỏ tự nhiên. 

Cây được trồng trong vườn 3 năm, sau đó chuyển vào chậu chăm sóc thêm 2 năm mới ra quả. Cây có thế dáng làng, bóng tán rộng, gợi hình ảnh cây đa cổ thụ che chở xóm làng”.

Theo chủ vườn, để có được một chậu cây có tuổi đời cao chơi Tết phải mất ít nhất 3-5 năm chăm sóc. Năm đầu sẽ nuôi cây cho khỏe mạnh, năm thứ 2 cho lên chậu chăm sóc ghép cành bưởi và năm thứ 3 mới tạo quả.

Hưng Yên:  - Ảnh 2.

Hiện tại, vườn cây cảnh cổ thụ của anh Chính đang trưng bày "siêu phẩm" bưởi cổ thụ hơn 100 tuổi mang tên "Cội nguồn quê hương" đang được định giá 650 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc

Hưng Yên:  - Ảnh 3.

Cây cổ thụ chưng tết là một cây bưởi hơn 100 tuổi mang tên "Cội nguồn quê hương" được trồng trong vườn 3 năm, sau đó mới đưa lên chậu. Ảnh: Minh Ngọc

"Nghề làm bưởi phải thực sự yêu cây mới có thể làm được. Nhiều khi, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể mất cả chục triệu đồng. Năm nay, thời tiết khá thất thường nên làm bưởi phải cần có kinh nghiệm nhất định mới thành công", anh Chính chia sẻ.

Hưng Yên:  - Ảnh 4.

Công nhân tại nhà vườn đang tưới nước cho cây bưởi cổ có tên "Cội nguồn quê hương". Ảnh: Minh Ngọc

Hưng Yên:  - Ảnh 5.

Cây cổ thụ chưng Tết là tác phẩm "Cội nguồn quê hương" tại vườn trồng cây cảnh bán tết của anh Chính, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đang được định giá cao nhất và hiện đang cho 200 trái. Ảnh: Minh Ngọc.

Hưng Yên:  - Ảnh 6.

Hưng Yên:  - Ảnh 7.

Anh Chính trang trí những tiểu cảnh trong chậu bưởi cổ có tên "Cội nguồn quê hương". Ảnh: Minh Ngọc.

Anh Chính cho biết thêm rằng: "Để có được một tác phẩm bưởi cổ phải mất rất nhiều công sức, thời gian chăm sóc, tiền bạc, bởi vậy, tôi không muốn bán những cây bưởi này mà chỉ muốn cho thuê. 

Hết Tết những cây bưởi này trở lại nhà vườn để được chăm sóc, phục vụ người có sở thích, đam mê cho những năm tiếp theo".

Nói về thị trường cây cảnh năm nay, anh Chính cho biết, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhiều nhà vườn bị thiệt hại lớn nên giá bưởi cảnh tăng hơn so với mọi năm.

Về giá quất năm nay, anh Nguyên Văn Hoàng, chủ vườn quất tại xã Liên Nghĩa (huyện Văn Giang) cho biết, quất tại Văn Giang chơi Tết bền, trước khi khách mua về, các chủ vườn đã chăm sóc, tưới bón. Người chơi mang về chỉ cần tưới nước, quất sẽ chơi được tới ra giêng.

Hưng Yên:  - Ảnh 8.

Tác phẩm "Chính trực" và "Sum vầy" của anh Chính đang được trưng bày, giới thiệu đến các "thượng khách" chơi cây cảnh dịp Tết. Ảnh: Minh Ngọc

Hưng Yên:  - Ảnh 9.

Hưng Yên:  - Ảnh 10.

Anh Chính cho hay, nếu bán hết khoảng 300 gốc bưởi này thì sẽ thu về ước tính cả vốn lẫn lãi khoảng gần chục tỷ đồng. Ảnh: Minh Ngọc

Hưng Yên:  - Ảnh 11.

Người trồng quất cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) đang tất bật chăm sóc cây, sẵn sàng cung ứng ra thị trường phục vụ du khách chơi cây cảnh dịp Tết. Ảnh: Minh Ngọc

Quất Văn Giang khá đa dạng về chủng loại, từ cây bé để bàn, quất bonsai, tạo hình thú... tới cây cao, cây to, lộc bình... 

Hiện tại giá bán dao động từ 450.000 - 4.000.000 đồng/cây tùy theo kích thước bình và độ đẹp của cây. 

Cụ thể, quất trồng trong bình cao 50cm, bán tại ruộng khoảng 450.000 - 500.000 đồng/cây; trồng trong bình gốm 30 lít có giá 1 - 1,2 triệu đồng/cây; trồng trong khánh hoặc ang rộng 0,6 - 0,7m2 có giá 1,8 - 2,2 triệu đồng/cây; trồng trong bom sành 80 lít giá bán từ 2,5 - 3 triệu đồng/cây...

Theo các chủ vườn tại Văn Giang, giá bán tại vườn thường rẻ hơn ngoài phố từ 30 – 50%. Ông Đàm Văn Trung, chủ vườn quất tại Văn Giang cho biết, bán ngoài thị trường thì giá cao hơn, vì chủ vườn phải thuê người đánh quất, chi phí khoảng 700 nghìn – 1 triệu đồng/ngày công. 

Ngoài ra, còn chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng… nên giá bị đẩy lên khá nhiều. Do vậy, một gốc quất bị đội giá lên gần gấp đôi.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 7 làng nghề hoa, cây cảnh tại các xã Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi và Mễ Sở (huyện Văn Giang); xã Đông Tảo và Bình Minh (huyện Khoái Châu), với tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh khoảng 1.200ha.

Các làng nghề hoa, cây cảnh đều có vị trí địa lý thuận tiện kết nối với một số khu, điểm, tuyến du lịch sinh thái. Đây là những tiềm năng lớn để phát triển và tạo liên kết với một số cơ sở đào tạo có chuyên môn cao về hoa, cây cảnh và du lịch trong khu vực.

Tháng 3/2022, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Quyết định số 589, phê duyệt Đề án "Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030."

Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, tổng doanh thu các làng nghề này đạt trên 5.000 tỷ đồng; đồng thời phát triển đa dạng các hoạt động du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ tại làng nghề hoa, cây cảnh và phấn đấu đón khoảng 600.000-800.000 lượt khách du lịch.