Ngày 16/1, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức hội nghị thường niên năm 2024 tại TP.HCM.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm khoảng 4% (22.000 tấn) so với 2023, chỉ còn 558.000 tấn. Lượng hồ tiêu sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil và Việt Nam.
Giá hồ tiêu xuất khẩu (giá FOB) của các nước tăng khoảng 45% với tiêu đen và tăng khoảng 34% với tiêu trắng so với năm trước.
IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 tiếp tục giảm so với 2024. Nguyên nhân chính do hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác cạnh tranh hơn.
Thêm nữa, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất, trong khi chi phí duy trì sản xuất hồ tiêu tăng cao.
Trong nước, VPSA cho biết, tình hình sản xuất ở một số nơi bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số khu vực khác lại ghi nhận thời tiết thuận lợi.
Ví dụ, tại Đắk Nông, "thủ phủ" của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương với năm ngoái.
Tình hình sản xuất tại một số tỉnh trọng điểm khác như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thì có chiều hướng tích cực khi giá hồ tiêu tăng. Vì thế, nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phục hồi vườn tiêu hiện có.
Ngược lại, ở Đắk Lắk, tình hình sản xuất sụt giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới.
Ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội VPSA cho biết, sản lượng hồ tiêu năm 2024 đạt 250.600 tấn, giảm 5,1% so với năm 2023 (là 264.094 tấn).
Dự kiến, qua Tết Nguyên Đán, nông dân mới bắt đầu thu hoạch hồ tiêu. Vụ mùa sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2025.
VPSA cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ chờ đến vụ thu hoạch chính của Việt Nam (sau Tết Nguyên Đán) để bắt đầu mua trở lại.
Trước đó, năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4% trong khi tăng nhập khẩu từ Indonesia 76,8%.
Tuy nhiên, lượng hồ tiêu nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Tồn kho hồ tiêu tại thị trường này đang ở mức thấp. Đây là những lý do VPSA cho rằng Trung Quốc sẽ tăng mua trở lại.
Trong năm 2025, dự báo sản lượng hồ tiêu của Brazil sẽ phục hồi, trong khi Indonesia có thể giảm sản lượng do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Ấn Độ, một quốc gia tiêu thụ lớn cũng dự báo giảm sản lượng hồ tiêu do ảnh hưởng từ mưa lũ, dẫn đến việc nông dân hạn chế đầu tư và thanh lý hàng tồn kho khi giá nội địa giảm.
Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ổn định. Thêm nữa, nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.