Ngành hồ tiêu Việt Nam "vượt ngàn chông gai" thế nào để nông dân, doanh nghiệp đều vui?
Hồ tiêu Việt Nam gắn kết khối công tư để bước qua thách thức, định hình con đường phát triển bền vững
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 27/11/2024 05:50 AM (GMT+7)
Ngành hồ tiêu có đóng lớn xây dựng vị thế Việt Nam trên thị trường gia vị quốc tế, nâng cao đời sống nông dân. Nhưng sản xuất hồ tiêu Việt Nam hiện gặp khó khăn do nhu cầu giảm, trong khi yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe.
Việc tổ chức liên kết sản xuất, rà soát quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và định hướng cho nông dân, trong đó có vai trò của nhóm đối tác công tư ngành hồ tiêu Việt Nam là rất quan trọng.
Hàng loạt thách thức đặt ra cho hồ tiêu Việt Nam
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), diện tích hồ tiêu toàn cầu có xu hướng giảm dần trong những năm qua. Diện tích giảm kéo theo sản lượng hồ tiêu thế giới. Từ mức 567.000 tấn năm 2022 giảm xuống còn 543.000 tấn năm 2023; và ước năm 2024 sản lượng tiếp tục giảm 1,1%; còn 535.000 tấn.
Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, cùng với giá hồ tiêu ở mức thấp nên người dân không mặn mà chăm sóc, cây tiêu bị suy kiệt, giảm năng suất. Một yếu tố khác là sự cạnh tranh của các loại cây trồng có lợi nhuận tốt hơn.
Sau thời gian dài biến động, đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực nhờ sự thúc đẩy của các yếu tố như sản lượng và tồn kho hồ tiêu toàn cầu giảm.
Trong ngắn hạn, dự kiến giá tiêu vẫn được giao dịch ở mức cao. Tuy nhiên, IPC cho rằng, khó có thể đưa ra dự báo trong trung và dài hạn trước sự bất ổn của các yếu tố địa chính trị vả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo Bộ NNPTNT, diện tích hồ tiêu cả nước năm 2023 đạt 115.000ha, giảm 4,2% so với năm 2022; và giảm 24,3% so với năm cao điểm 2017 khoảng 151.900ha. Dự kiến, diện tích hồ tiêu có thể giảm xuống còn khoảng 110.000ha trong thời gian tới.
Sau khi đạt mức kỷ lục 290.000 tấn năm 2019 thì sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục giảm qua các năm. Năm 2022 đạt 183.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có tăng lên 190.000 tấn nhưng dự kiến năm 2024 chỉ đạt 170.000 tấn. Đây có thể là mức sản lượng thấp nhất kể từ năm 2015.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, môi trường kinh doanh hiện đầy biến động; không chỉ đơn thuần là quan hệ cung cầu mà các yếu tố địa chính trị cũng ảnh hưởng rất lớn.
Hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do Brazil thường chào giá cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Brazil đang tìm cách xử lí khuẩn Salmonela trên hồ tiêu bằng công nghệ hơi nước tiệt trùng. Điều này ít nhiều sẽ làm thay đổi chuỗi cung ứng hồ tiêu toàn cầu.
Trong tương lai, Braxil có khả năng chiếm luôn thị phần của Việt Nam tại châu Âu và Mỹ. "Trong khi Mỹ và châu Âu có quy định kiểm soát chất lượng ngày càng khắt khe, thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi", bà Liên nói.
Kết quả bước đầu từ hợp tác công tư ngành hồ tiêu Việt Nam
Đăk Nông là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Việt Nam, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức sau giai đoạn phát triển ồ ạt năm 2014-2016. Năm 2023, suy thoái kinh tế hậu dịch Covld-19, và chiến tranh tiếp tục tác động đến sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu. Trong khi đó, thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao.
Thách thức đặt ra cho các công ty xuất khẩu và chế biến cần đảm bảo nguồn cung chất lượng và an toàn. Đây cũng là bài toán khó đối với nông dân có quy mô sản xuất nhỏ và thiếu sự liên kết.
Ông Lê Anh Sơn - Giám đốc HTX Bình Minh (Đăk Nông) cho rằng, việc phát triển mô hình kinh tế tập thể là lựa chọn phù hợp; đóng vai trò liên kết bền vững giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng hồ tiêu hiện nay.
Thành lập tháng 12/2017, HTX Bình Minh đã lích lũy được nhiều kinh nghiệm khi liên kết với các đối tác từ chính quyền địa phương, Liên minh HTX, Hội nông dân tỉnh, Hiệp hội VPSA, Rainforest Alliance, IDH và nhiều đối tác khác.
Ông Sơn kể, dự án quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu do Bộ Môi Trường và các vấn đề Nông thôn Vương Quốc Anh tài trợ đã giúp HTX hỗ trợ nhiều cho nông dân. Dự án này không chỉ giải quyết vấn đề quản lý dịch hại mà còn tập trung vào việc liên kết cộng đồng nông dân.
Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu cũng là một dự án tiêu biểu khác mà HTX tham gia. Từ 300 nông dân ban đầu, hiện HTX Bình Minh đã liên kết với hơn 900 nông dân thành viên trên toàn tỉnh Đắk Nông.
Dự án này được triển khai trong giai đoạn 2021-2023 do IDH, Hiệp hội Gia vị châu Âu, Hiệp hội VPSA và các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thực hiện ở Tây Nguyên cho khoảng 10.000 nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Công ty TMTconsulting (1 trong những đơn vị tư vấn chính triển khai dự án) cho biết, kết quả bước đầu đã góp phần cải thiện đời sống gần 8.000 hộ dân trồng tiêu, trên diện tích 8.500ha.
Dự án giúp nông dân nâng cao nhận thức về thực hành nông nghiệp tốt, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng. Từ đó, người trồng giảm vật tư đầu vào (phân hóa học, thuốc BVTV); giảm lượng nước tưới, giảm nhân công... "Những kết quả này cũng góp 1 phần vào nỗ lực chung thực hiện mục tiêu giảm phát thải của ngành hồ tiêu", ông Tâm chia sẻ.
Tăng cường hợp tác công tư cho hồ tiêu Việt Nam
Tại Hội nghị thường niên nhóm đối tác công tư về hồ tiêu và gia vị 2024 tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, các vùng nguyên liệu cần thêm nhiều sự hỗ trợ và hợp tác từ mô hình hợp tác công tư. Điều này giúp lan toả và nhân rộng kết quả thực hiện các dự án đang triển khai, đem lại kết quả tổng thể tốt hơn cho cả ngành hồ tiêu.
Ông Lê Anh Sơn thì đề xuất, khối công cần xây dựng thêm chính sách hỗ trợ các HTX liên kết chuỗi giá trị, và tăng cường xúc tiến thương mại để liên kết với các công ty lớn.
Với khối tư, các công ty thu mua cần có chính sách mua, bán; chính sách thưởng cụ thể đối với hồ tiêu đạt chất lượng và chứng nhận để nông dân ổn định sản xuất.
"Ngoài việc HTX tự nỗ lực nâng cao năng lực, các đối tác nông dân cũng cần chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả", ông Sơn đề xuất.
Bà Hoàng Thị Liên cho rằng, hình thức hợp tác công tư là nền móng vững chắc để xây dựng ngành hồ tiêu Việt Nam bền vững trên thị trường.
"Hình thức hợp tác này sẽ giúp người trồng tiêu có cơ hội trở thành những doanh nhân trồng tiêu hiện đại, cởi mở tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến để tăng thêm hiệu quả sản xuất, đạt giá trị xuất khẩu cao hơn", bà Liên nói.
Đại diện khối công trong nhóm đối tác công tư về hồ tiêu và gia vị, ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, gốc rễ của hồ tiêu an toàn nằm ở khâu sản xuất.
Mục tiêu của nhóm đối tác công tư hồ tiêu và gia vị đặt ra đến năm 2025 sẽ có 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu MRL; 25% nông dân hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu, ông Dương đề nghị đề nghị nhóm đối tác phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò các bên. Trước mắt, Hiệp hội VPSA, IDH và các tổ chức, doanh nghiệp cần sớm xây dựng bộ Sổ tay hướng dẫn áp dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây hồ tiêu.
"Tiếp đó, các đối tác hỗ trợ xây dựng chương trình tập huấn IPHM; xây dựng mô hình áp dụng IPHM cho nông dân, HTX trồng tiêu", ông Dương đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.