Trung Quốc cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đưa ra khuyến cáo

P.V Thứ năm, ngày 16/01/2025 13:33 PM (GMT+7)
Năm 2024, mặc dù xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đã lập những kỷ lục mới nhưng việc các thị trường liên tiếp có các cảnh báo và tăng cường kiểm tra hàng hoá nhập khẩu cho thấy, để đi đường dài, việc sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng là một đòi hỏi tất yếu.
Bình luận 0

Kỷ lục mới của rau quả Việt

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt được nhiều thành công cả về thị trường, sản lượng và trị giá xuất khẩu. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt khoảng 7,12 tỷ USD trong năm 2024, tăng 27,1% so với năm 2023. Như vậy, so với con số 1,84 tỷ USD vào năm 2015, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có bước phát triển "nhảy vọt" trong một thập kỷ qua.

Năm 2024, nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu tăng, bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài. Việt Nam, với nguồn cung rau quả ổn định, chất lượng ngày càng được cải thiện và việc tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, đã khai thác thành công nhiều thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản... 

Thông tin từ https://www.statista.com cho biết, kim ngạch nhập khẩu trái cây toàn cầu ước đạt 118,4 tỷ USD năm 2024, tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 2,2% trong giai đoạn 2024 – 2029. Tiêu thụ bình quân đầu người đối với rau củ và trái cây tươi dự kiến đạt 72,3 kg/người/năm 2024, dự kiến sẽ tăng 4,3% vào năm 2025.

Tăng cảnh báo dù xuất khẩu rau quả lập kỷ lục  - Ảnh 1.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại Đăk Lăk. Ảnh: T.A

Cuối tháng 12/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng phải phát đi thông báo khẩn cấp, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.

Tại Mỹ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), 10 tháng năm 2024, Mỹ nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến đạt trên 46,67 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ Việt Nam đạt 479 triệu USD.

EU là thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với hầu hết các loại trái cây và rau củ tươi. Nhu cầu về nguồn cung quanh năm và nhiều loại sản phẩm giúp duy trì sự phụ thuộc của EU vào các nhà cung cấp ngoại khối. Theo Eurostat, 10 tháng năm 2024, EU nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ thị trường ngoại khối đạt xấp xỉ 28,9 tỷ EUR, trong đó, EU nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ Việt Nam đạt 206 triệu EUR (tương đương 214 triệu USD), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với thị trường Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ thế giới nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, mức tăng 27,8% so với 10 tháng năm 2023, đạt xấp xỉ 3,83 tỷ USD, thị phần chiếm 18,49%.

Từ kết quả trên, ngành hàng rau quả Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng năm 2025 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới, tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 20% so với năm 2024. Kế hoạch đặt ra cho ngành hàng rau quả năm 2025 dựa trên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại các thị trường xuất khẩu, đồng thời một số chủng loại trái cây chủ lực dự kiến sẽ được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Lo ngại gia tăng cảnh báo

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng

Để tăng cường quản lý chất lượng các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu và bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, các tổ chức và cá nhân liên quan tăng cường quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Trong đó, tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Đơn cử mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%. Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới.

Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để đầu ra cho sản phẩm ổn định, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi. 

Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hàng năm rất lớn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, cơ quan này vừa nhận được cảnh báo đối với lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (ATTP) của các nước nhập khẩu, đặc biệt là của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

"Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, có nguy cơ cao sẽ đánh mất thị phần"- ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh.

Nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình phải chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. 

Từ ngày 20/1, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng dựa trên các báo cáo tổng hợp của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem