Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), trên các tuyến sinh thái tại Côn Đảo, có một loài cây rất độc, đó là cây ngót ngoẻo.
Cây ngót ngoẻo hay mọc ở vùng đồi cát, bìa rừng, loại cây này rất độc, đủ độc để gây tử vong cho người và động vật nếu ăn phải. Mọi bộ phận của cây đều có độc, đặc biệt là thân rễ dạng củ.
"Du khách chỉ chụp hình, không sờ, không ngắt đưa lên ngửi", Vườn Quốc gia Côn Đảo khuyến cáo.
Ngót nghẻo có tên khoa học là Gloriosa superba thuộc họ hoa Bả chó (Colchicaceae) có nhiều tên gọi khác nhau như hoa loa kèn lửa (flame lily), hoa móng hổ (tiger claw). Ở Việt Nam, ngoài tên gọi ngót nghẻo loài hoa này còn được biết đến với các tên như ngoắt nghẻo, ngọt nghẹo, huệ lồng đèn...
Cây phân bố rộng ở các vùng nhiệt đới và miền nam châu Phi, các vùng nhiệt đới châu Á. Tại Việt Nam, ngót ngoẻo sống nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên, thường mọc hoang dã ở rừng ngập mặn ven biển và các bìa rừng núi cao.
Cây thảo có thân leo cao 5 - 6 m, củ nhẵn lắng, màu trắng hay vàng. Lá đơn mọc cánh hay mọc vòng, phiến lá hình trái xoan thuôn, có chót biến thành vòi dài quấn.
Hoa rất to, dẹp, gắn cạnh các lá ngọn, đài và ống tràng như nhau, vàng ở đáy, đỏ ở đầu lúc mới nở, rồi đỏ đậm, bìa răn reo, nhị đực to, màu đỏ, vòi nhuỵ ngang. Quả nang dài 4 - 5 cm, 3 mảnh mở quắn lại mang hạt tròn.
Ngót ngoẻo có thân cây cao tới 4 mét, hoa to sặc sỡ với 6 cánh đỏ tươi hoặc đôi khi cũng có màu cam, vàng nhạt, dài nhọn như móng hổ. Quả cây có thể dài tới 12 cm chứa các hạt màu đỏ.
Ở Việt Nam, ít tài liệu nêu cây ngót ngoẻo dùng làm thuốc, tuy nhiên ở Ấn Độ, cây được dùng trong một số trường hợp như để thúc đẻ, làm cho nhau thai chóng ra; rễ, củ nghiền thành bột trộn với mật ong chữa bệnh lậu; tẩy giun cho gia súc, trâu bò; chữa rắn cắn, bọ cạp, côn trùng đốt và một số bệnh ngoài da do ký sinh trùng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.