Xuất thân là dân công nghệ thông tin, hơn 10 năm làm việc tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, năm 2018 anh Chương quyết định bỏ phố về quê ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời cải tạo 5ha đất của gia đình để trồng nhàu.
Hai năm sau đó, vào năm 2020, anh Chương thành lập Công ty SK NONI và thành công với sản phẩm nước cốt nhàu, tốt cho sức khoẻ, được thị trường ưa chuộng đang có mặt ở nhiều siêu thị trong và ngoài nước ở thời điểm hiện tại.
Anh Khưu Văn Chương - Giám đốc Công ty SK NONI ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, để tạo ra sản phẩm nước cốt nhàu đạt chất lượng cung cấp ra thị trường thì khâu sản xuất rất được anh trú trọng. Ảnh: Vũ Lịnh
Kể lại quá trình lập nghiệp của mình, anh Chương cho biết, quá trình tìm hiểu, anh thấy nhàu là loài cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho trái quanh năm.
"Tôi nghĩ tại sao mình không tận dụng loại trái quê này để làm ra một sản phẩm nào đó tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng", anh Chương nói và cho biết, xuất phát từ ý nghĩ đó nên anh quyết định trở lại quê hương trồng nhàu, đầu tư máy móc và nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm nước cốt nhàu.
Trái nhàu sau khi thu hoạch được anh Khưu Văn Chương - Giám đốc Công ty SK NONI ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho nhân công vận chuyển vào kho để rửa, sục khí ôzon, sau đó để nhàu chín đều rồi đưa đi ủ đúng một năm mới tiến hành lọc, pha chế thành nước cốt nhàu rồi đóng gói và xuất bán ra thị trường. Ảnh: Vũ Lịnh
Để mở rộng quy mô sản xuất, hiện tại, ngoài diện tích đất trồng nhàu của gia đình, anh Chương còn liên kết với nhiều nông dân trong tỉnh trồng gần 20ha nhàu, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho quá trình chiết xuất nước cốt nhàu cung cấp ra thị trường.
Theo anh Chương, để tạo ra sản phẩm nước cốt nhàu đạt chất lượng đòi hỏi nhiều giai đoạn công phu. Trái nhàu sau khi thu hoạch được vận chuyển vào kho để rửa, sục khí ôzon, sau đó để nhàu chín đều rồi đưa đi ủ đúng một năm mới tiến hành lọc, pha chế thành nước cốt nhàu rồi đóng gói và xuất bán ra thị trường.
Hiện tại sản phẩm nước cốt nhàu của anh Chương đạt chứng nhận OCOP 4 sao, có giá bán từ 210 - 380 nghìn đồng/chai (loại 375ml và 750ml) đem về nguồn thu lớn cho anh nông dân này mỗi năm. Ảnh: Vũ Lịnh
"Lúc đầu, sản phẩm mới đưa ra thị trường cũng gặp khó khăn vì là sản phẩm mới, tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, thức uống nước cốt nhàu của công ty đã chinh phục được người tiêu dùng, hiện đang có mặt ở nhiều siêu thị trong nước và cả nước ngoài như Úc, Anh, Pháp, Đức", anh Chương cho biết.
Để sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, anh Chương còn tận dụng tối đa không gian mạng, giới thiệu sản phẩm nước cốt nhàu của mình trên các nền tảng số như Shopee, Lazada, Tiki…
Hiện tại sản phẩm nước cốt nhàu của anh Chương đạt chứng nhận OCOP 4 sao, có giá bán từ 210 - 380 nghìn đồng/chai (loại 375ml và 750ml) đem về nguồn thu lớn cho anh nông dân này mỗi năm.
Từ loại cây dại, mọc ven bờ và một thời bị bỏ đi, giờ đây cây nhàu được anh Chương chứng minh rằng chúng mang lại tiềm năng, có giá trị lớn, góp phần giúp người trồng nhàu có thêm thu nhập, đồng thời giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.