Nuôi chim trời lạ đời, ông nông dân tỉnh Cà Mau cứ bán 1 con be bé cũng có giá cả trăm ngàn đồng

Hùng Phước (Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau) Chủ nhật, ngày 01/08/2021 05:35 AM (GMT+7)
Chỉ từ một cặp chim le le trong một lần đi giăng lưới chim bắt được, chú Trần Văn Sang, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đem về nuôi, nhân giống và đến nay đã có đàn chim trời trên 200 con.
Bình luận 0

Từ việc bán trứng, le le giống, le le con, le le thịt mà mỗi năm gia đình chú Sang có thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ mô hình nuôi chim le le mà chú Sang đã có thêm thu nhập, kinh tế gia đình từng bước ổn định, vươn lên.

Nuôi chim trời lạ đời, ông nông dân tỉnh Cà Mau cứ bán 1 con be bé cũng có giá cả trăm ngàn đồng - Ảnh 1.

Chú Sang, ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đang kiểm tra ổ trứng le le vừa mới đẻ.

Vốn là một nông dân nên chú Trần Văn Sang, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) rất thông thạo với công việc ruộng đồng. 

Ngoài thời gian làm công việc nhà, chú Sang còn tranh thủ những lúc nhàn rỗi đi bắt cá, hái rau để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Cách đây 4 năm, trong 1 lần đi giăng lưới, chú Sang bắt được 2 con le le, 1 con trống và 1 con mái. Thấy 2 con le đẹp và dễ thương nên chú không bán mà để lại nuôi. Thế là mối lương duyên với nghề nuôi le le của chú cũng bắt đầu từ đây.

Sau một thời thời gian nuôi, con le le mái đẻ được 9 trứng, ấp gần 1 tháng thì nở được 9 con. Toàn bộ số le le con này chú Sang tiếp tục để lại gia đình nuôi, không bán con giống. 

Một năm sau, gia đình chú Sang có hơn 100 con le le lớn nhỏ. Khi những con le le con đến tuổi trưởng thành, nó cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Thấy le le nuôi mau sinh sản, đẻ sai, nên chú Sang tìm đầu ra để bán bớt. Trên thị trường hiện nay, 1 trứng le le giá bán là 10.000 đồng, 1 con le giống giá bán 100.000 đồng, 1 con le le sinh sản giá bán từ 400.000 đến 500.000 đồng, 1 con le le thịt giá bán được 220.000 đến 250.000 đồng.

Nuôi chim trời lạ đời, ông nông dân tỉnh Cà Mau cứ bán 1 con be bé cũng có giá cả trăm ngàn đồng - Ảnh 3.

Đàn chim le le thịt của chú Sang nuôi trong ao sắp đến ngày được xuất bán.

Nơi tiêu thụ le le, chủ yếu là ở các nhà hàng trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Hiện nay, gia đình chú Sang đang nuôi có 30 cặp (60 con) le le sinh sản và trên 150 con le le thịt, mỗi con có trọng lượng từ 400 đến 600 gam. 

Đàn le le thị này đang trong thời kỳ phát triển tốt và sắp đến ngày cho xuất bán. Trong 3 năm qua, năm nào gia đình chú Sang cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán trứng, le le giống, le le thịt, le le sinh sản.

Nhờ có nguồn thu nhập này mà những năm gần đây, kinh tế gia đình chú Sang ngày một khấm khá hơn.

Nuôi chim trời lạ đời, ông nông dân tỉnh Cà Mau cứ bán 1 con be bé cũng có giá cả trăm ngàn đồng - Ảnh 4.

Theo chú Trần Văn Sang, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) chim le le đẻ rất sai trứng.

Chú Sang cho biết, le le rất dễ nuôi, ít bệnh tật, công chăm sóc cũng như nuôi gà, nuôi vịt. Nhưng về kinh tế thì nuôi le le lợi nhuận cao gấp 5 đến 7 lần so với nuôi gà, nuôi vịt. 

Thức ăn của chúng chủ yếu là bèo cám, cám xay từ lúa hay thức ăn được chế biến sẵn. Le le là một thứ chim trời, chúng vừa biết bay, vừa biết bơi rất giỏi. 

Chính vì vậy, khi nuôi le le phải căng lưới mành xung quanh để không cho chúng bay ra ngoài. Nơi nuôi chủ yếu là dưới ao, đìa nước ngọt và phải có đất khô ráo để làm chỗ cho nó sinh sản và ấp trứng. 

Thông thường, le le đẻ trứng vào mùa mưa, 1 năm có thể đẻ từ 6 đến 7 lứa, mỗi con mái đẻ từ 10 đến 15 trứng. 

Thời gian le le ấp từ 25 đến 27 ngày thì trứng sẽ nở. Sau khi nở được vài ngày tuổi, le le con bắt đầu theo mẹ để kiếm ăn. 

Le le trống và le le mái có ngoại hình và màu sắc tương đối giống nhau. Vì vậy, để phân biệt được le le trống và le le mái bằng cách so sánh phần đuôi của chúng. 

Le le trống đuôi to, bè hơn. Le le mái đuôi thon, gọn gàng hơn. 

"Trong thời gian tới, tôi tiếp tục mua cây, lưới mành về bao xung quanh cái ao phía sau nhà để tiếp tục thả nuôi khoảng 100 con le le giống. Qua đó, nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi le le”, chú Sang nói.

Mong rằng trong thời gian tới, mô hình nuôi le le của chú Trần Văn Sang ở ấp 13 xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) nhân rộng ra để cho nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn học tập làm theo để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và từng bước giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem