Dân Việt

Sơn La: Tiếng dân thổn thức bên dòng Sập Sa

Văn Chiến 31/12/2017 09:03 GMT+7
Từ ngày những thủy điện nhỏ được làm ở suối Sập, người dân sống hai bên suối phải gánh chịu nhiều hệ lụy.

Suối Sập là phụ lưu cấp 1 của sông Đà, bắt nguồn từ hợp lưu các suối vùng núi ở phía Bắc 2 xã: Tà Sùa (Bắc Yên) và Suối Tọ (Phù Yên) của tỉnh Sơn La. Nhiều thủy điện nhỏ như suối Sập 1, 2, 3 đã được xây dựng trên dòng suối Sập và đi vào hoạt động. 

Những ngày cuối tháng 12, men theo suối Sập từ bản Mòn, bản Cang (xã Phiêng Ban) đến bản Đung, bản Giàng (xã Hồng Ngài) của huyện Bắc Yên, phóng viên Dân việt ghi nhận cảnh tan hoang ở nơi đây. Nhiều thửa ruộng dọc 2 bên suối Sập bị bồi lấp, ngổn ngang đất, đá... Hòa trong tiếng suối róc rách là tiếng thổn thức của nhiều người dân sống bên bờ suối Sập.

img

Ông Chính có khoảng 1.000 m2 ruộng nước cạnh suối Sập bị đất, đá bồi lấp, không sản xuất được do Nhà máy Thủy điện Suối Sập 3 làm đập, chặn dòng suối Sập. Ảnh Văn Chiến

Ông Lò Văn Chính, dân bản Mòn, xã Phiêng Ban, bức xúc nói: "Gia đình tôi có khoảng 1.000m2 ruộng nước cạnh suối Sập. Nhiều năm trước, gia đình tôi vẫn sản xuất bình thường, mỗi năm cấy 2 vụ lúa. Từ khi nhà máy Thủy điện Suối Sập làm tuyến đập chính ở bản Mòn, dòng suối Sập bị ngăn lại, ảnh hưởng đến dòng chảy.

Hàng năm, cứ vào mùa mưa, nước lũ cuồn cuộn chảy mang theo đất đá bồi lấp dần diện tích ruộng của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong bản.

Mấy năm nay, gia đình tôi không thể canh tác được trên mảnh ruộng này nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi đã làm đơn kiến nghị lên xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. 

img

Nhiều thửa ruộng bị bồi lấp, hoang hóa bởi đất, đá do xây dựng thủy điện Suối Sập 3. Ảnh Văn Chiến 

Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Chính là gia đình bà Lường Thị Xom cũng ở bản Mòn. Bà Xom cho rằng, nếu nhà máy Thủy điện Suối Sập 3 không làm đập ngăn dòng suối Sập thì đã không ảnh hưởng đến gần 4.000m2 ruộng nước của gia đình bà. Gia đình bà Xom có 4.000m2 ruộng cạnh bờ suối Sập, nằm phía trước tuyến đập của thủy điện Suối Sập. 

“Với 4.000m2 ruộng nước, trước đây, mỗi năm gia đình tôi cũng thu được mấy chục bao thóc. Từ khi nhà máy Thủy điện làm đập thì diện tích ruộng của gia đình tôi bị đất đá bồi lấp, không thể sản xuất. Vì thiếu đất canh tác nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ gia đình tôi và các hộ dân khác trong bản có diện tích ruộng bị bồi lấp vì xây dựng thủy điện” – bà Xom bày tỏ.

Được biết, Thủy điện Suối Sập 3 có công suất 14 MW, tuyến đập tại bản Mòn, xã Phiêng Ban; nhà máy được xây dựng tại xã Suối Bau, huyện Phù Yên, khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2011.

Ông Lò Văn Thắng (51 tuổi) ở bản Cang, xã Phiêng Ban, cho biết mình đã được sinh ra và lớn lên ở bản Cang, bao năm qua, ông Thắng đã gắn bó với dòng suối Sập. Trước đây, nguồn nước suối Sập rất dồi dào, thuận tiện cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con trong vùng. Mỗi khi đi làm về, người dân lại đi quăng chài, thả lưới bắt cá trên dòng suối Sập, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

img

Thủy điện Suối Sập 3 được xây dựng trên dòng suối Sập, với công suất 14 MW. Ảnh Văn Chiến

“Từ khi xây dựng thủy điện Suối Sập 3, dân bản chúng tôi mất đi nguồn lợi thủy sản bởi dòng suối thường trong tình trạng cạn kiệt. Nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất cũng thiếu nên năng suất các loại cây trồng giảm hẳn so với trước đây. Đó là chưa kể đến một số diện tích ruộng nước bị đất đá bồi lấp. Đời sống người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn” – ông Thắng cho hay.

Những năm qua, hàng loạt các thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nhiều hệ lụy do việc xây dựng các thủy điện đem lại cùng bức xúc của người dân do mất đất hay bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Việc xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ ở Sơn La trong thời gian qua không chỉ làm thay đổi dòng chảy của sông, suối, ảnh hưởng đến môi trường mà còn khiến cho nhiều người dân bị mất đất sản xuất.

Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Sơn La đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư thêm một thủy điện trên dòng suối Sập Sa. Người dân nơi đây thêm phần lo lắng khi những hệ lụy từ những thủy điện trước chưa được khắc phục, lại có thêm các công trình thủy điện mới được xem xét xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Dân việt, ông Mùa A Chồng – Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: “Trong đợt tiếp xúc cử tri tại xã Hồng Ngài vào tháng 10.2017, đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã thông báo về chủ trương của tỉnh Sơn La là trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm một thủy điện nữa trên dòng suối Sập.

Chúng tôi mới được thông báo về chủ trương và địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện tại xã Hồng Ngài. Còn về quy mô, công suất của thủy điện cũng như diện tích đất bị ảnh hưởng như thế nào thì chúng tôi chưa nắm được”.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.