dd/mm/yyyy

Quảng Nam: Phước Sơn đổi thay diện mạo khi làm nông thôn mới gắn OCOP

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phước Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. 

Nhờ quyết tâm cao độ, huyện Phước Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Phước Sơn (Quảng Nam): Đổi thay khi làm nông thôn mới gắn OCOP - Ảnh 1.

Phước Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đ.N

Giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư của T.Ư, tỉnh chỉ phân bổ cho 2 xã điểm Phước Năng (6.076 triệu đồng), Phước Chánh (4.503 triệu đồng); vốn sự nghiệp phân bổ 5.940 triệu đồng. Giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn đầu tư T.Ư, tỉnh phân bổ là 92.015 triệu đồng, gấp 8,6 lần so với giai đoạn 2010-2015; nguồn vốn sự nghiệp là 29.858 triệu đồng, gấp 5 lần so với giai đoạn 2010-2015.

"Năm 2010 số tiêu chí của huyện chỉ đạt 21 tiêu chí/11 xã. Đến cuối năm 2015, tổng số tiêu chí đạt 71 tiêu chí/11 xã, trung bình đạt 6,45 tiêu chí /xã, tăng 50 tiêu chí so với năm 2010. Đến cuối năm 2019, đạt là 110 tiêu chí/11 xã, bình quân 10 tiêu chí/xã, tăng 89 tiêu chí so với năm 2010; tăng 39 tiêu chí so với năm 2015 (trong đó, xã đạt 8 tiêu chí có 4 xã, còn lại từ 9 tiêu chí trở lên). Dự kiến đến cuối năm 2020 số tiêu chí đạt 128 tiêu chí; 1 xã đạt chuẩn NTM là Phước Xuân" - ông Quảng chia sẻ.

Nhiều mô hình hiệu quả

Ông Quảng cho biết, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Phước Sơn đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Một số mô hình bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao, như mô hình trồng chanh không hạt của Đoàn kinh tế Quốc phòng 207, diện tích đã trồng 34ha/154 hộ tham gia (của Đoàn là 11,5ha); đã thu hoạch 10ha, sản lượng 20 tấn/ ha/năm, thu nhập 70-80 triệu đồng/ha. Hay như mô hình trồng rau, chăn nuôi gà (600 con) tổng hợp của Hộ Em Đức (thị trấn Khâm Đứ

c), diện tích 2ha, thu nhập ổn định 200 triệu đồng/năm; Hoặc vườn trái cây (ổi, chuối, cam) ông Thắng, ông Thư ở thị trấn Khâm Đức, thu nhập ổn định 200 triệu đồng/năm.

Hay mô hình chăn nuôi của hộ ông Trần Hữu Hưng (xã Phước Kim) đang xây dựng trang trại tổng hợp, trong đó có nuôi 14 con bò giống 3B. Mô hình nuôi vịt thịt, vịt siêu trứng của hộ ông Quyết (xã Phước Năng), số lượng 1.000 con các loại, thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2019, huyện Phước Sơn đã có 4 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đạt 3 sao năm 2019, gồm: Rau lủi Phước Sơn; sâm dây Phước Sơn; chanh không hạt Phước Mỹ; mật ong Phước Lộc. Năm 2020, Phước Sơn tiếp tục phát triển 3 sản phẩm OCOP gồm: Heo đen sấy khô; rượu nếp than; trà mật nhân.

Mục tiêu đến 2025 huyện Phước Sơn có thêm 3 xã NTM (Phước Chánh, Phước Năng, Phước Công), 5 Khu dân cư kiểu mẫu; 11 thôn nông thôn mới. Về Chương trình OCOP, Phước Sơn tiếp tục xây dựng các sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP như: Muối cà diềm tầm phục, muối ràng rây, Chè dây túi lọc, sâm cau, gà đồi… 


Đại Nghĩa – Trần Hậu