dd/mm/yyyy

Mường Tè phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Mấy năm gần đây, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của huyện, người dân Mường Tè (Lai Châu) đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân trong huyện ngày càng được cải thiện...

Mường Tè tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Thay vì sản xuất tự cung, tự cấp, những năm gần đây, người dân huyện Mường Tè đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đây được xem là "bước ngoặt" trong sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Tè. Điều này cho thấy, người dân trong huyện đã có sự thay đổi rõ nét về tư duy sản xuất. Có được sự thay đổi đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong huyện.

Mường Tè vốn là huyện vùng cao, biên giới, còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, lại thêm tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp, nên đời sống của người dân trong huyện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Mường Tè phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa  - Ảnh 1.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Tè đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trước thực trạng đó, huyện Mường Tè chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các chính sách của Trung ương, của tỉnh Lai Châu về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm thực hiện. Thay vì hỗ trợ dàn trải, huyện Mường Tè tập trung hỗ trợ sản xuất một số cây trồng có lợi thế như: Lúa, quế, cây ăn quả. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân các xã, bản trong huyện thích ứng dần với việc đưa các loại giống mới, chất lương cao vào sản xuất. Trên địa bàn huyện đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng trồng quế, cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung có chuồng trại…

Điển hình như cánh đồng sản xuất lúa tập trung, sử dụng 1 đến 2 giống lúa có năng suất, chất lượng cao tại các xã Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San, với diện tích lên đến gần 200ha.

"Được Nhà nước hỗ trợ, bà con nông dân trong huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và đầu tư thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nên năng suất, sản lượng đạt cao. Qua thực hiện sản xuất tập trung từ 1 - 2 giống lúa, đã góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa trên địa bàn các xã, giúp ổn định lương thực tại chỗ cho người dân" – ông Tống Văn Thi – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè, cho hay.

Mường Tè phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa  - Ảnh 2.

Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thu nhập của người dân huyện Mường Tè được nâng lên rõ rệt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện Mường Tè đã hỗ trợ người dân trồng mới 41,25 ha cây ăn quả; hỗ trợ chuồng trại 2.340 m2; hỗ trợ trồng cỏ 3,5ha; hỗ trợ phát triển nuôi ong 212 thùng; hỗ trợ giống lúa là 10.818 kg; hỗ trợ bảo tồn chè cổ thụ 100 cây...

Nông dân Mường Tè thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, khẳng định: Thời gian qua, huyện Mường Tè đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Qua đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân".

Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, thời gian tới, huyện Mường Tè tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ, phát triển mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm; Tập trung vào các loại cây trồng chủ lực của huyện đã được xác định để hướng đến sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị tăng gia tăng, và phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Mường Tè phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa  - Ảnh 3.

Huyện Mường Tè đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất một số cây, con chủ lực. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mặt khác, huyện Mường Tè cũng sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn quốc.

"Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Mường Tè sẽ thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình Mục tiêu Quốc gia, để bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tránh dàn trải. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt" – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay.

Thanh Ngân