Xây dựng thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt: Hành trình quảng bá nông sản Việt
Xây dựng thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt: Hành trình quảng bá nông sản Việt
Mỹ Quỳnh
Thứ sáu, ngày 05/05/2023 16:25 PM (GMT+7)
Việc xây dựng, phát triển thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm mục tiêu đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới, mang lại giá trị tương ứng với chất lượng vốn có.
Ngày 5/5, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phối hợp với Hội Marketing Việt Nam tổ chức tọa đàm "Xây dựng và phát triển thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt" trong khuôn khổ dự án "Thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP.Org.Vn và tiếp thị nông sản Việt".
Xây dựng, phát triển thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
Theo ghi nhận, tại tọa đàm, các đại biểu trình bày, chia sẻ về những kết quả đã đạt được của dự án "Thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP.Org.Vn và tiếp thị nông sản Việt" đối với mảng thủy sản và cây trồng. Từ đó, đề xuất các tính năng và chức năng cần thiết cho các điển cứu và cổng thông tin điện tử phát triển trong tương lai; tiếp tục phát huy cổng thông tin tiếp thị và xây dựng phát triển thương hiệu nông sản Việt để từ đó kết nối các doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh truyền thông... Đồng thời, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển tương lai của các nhóm ngành còn lại.
Toạ đàm đã phát huy kết quả của dự án với tầm nhìn là hình thành cổng thông tin, tri thức tiếp thị, quảng bá và xây dựng thương hiệu nông sản Việt, đồng thời phát triển mở rộng ở các lĩnh vực khác để trở thành nền tảng cho nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm.
Theo đó, dự án trọng điểm là xây dựng, phát triển Thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP.Org.Vn với mục tiêu kiến tạo – kết nối – hội tụ - lan tỏa nguồn lực, tri thức, giải pháp tiêu biểu của các doanh nghiệp nông sản đầu ngành, đại học, hiệp hội, tổ chức chuyên gia nhằm hướng đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp thương hiệu nông sản hiệu quả, bền vững, đạt chuẩn của khu vực và thế giới;
Hợp tác cùng các doanh nghiệp nông sản đầu ngành, tôn vinh, phát triển 30 điển cứu toàn diện của các cây con tiêu biểu của Việt Nam, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng trong các trường, viện, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trao đổi với Dân Việt, TS.Trần Đình Lý, Chủ tịch Điều hành dự án, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, hành trình tiếp thị nông sản Việt là câu chuyện đường dài của ban điều hành dự án.
Ông Lý cho rằng, bất cứ lĩnh vực nào cũng có những quy chuẩn riêng, có thể là quy chuẩn trong nước, chuẩn khu vực hay chuẩn thế giới. Đối với tiêu chuẩn GAP, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà lưu thông sản phẩm đến bất cứ thị trường nào cũng cần nắm và tuân thủ.
"Nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, để bán được sản phẩm với giá trị tương ứng chất lượng thì chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Tất cả các bên tham gia đưa sản phẩm nông sản Việt Nam ra thế giới tiêu thụ đều phải thực hiện nguyên tắc về các quy chuẩn... đây cũng là điều mà ban điều hành dự án mong muốn có sự đồng hành của doanh nghiệp", ông Lý nói.
Ông Lý thông tin thêm, các doanh nghiệp hàng đầu, tiên phong, thậm chí là các doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp hiện cũng mong muốn có một thư viện, cổng thông tin về sản phẩm hàng hóa để giới thiệu đến các thị trường trên thế giới. Trong giai đoạn trước mắt, có khoảng 30 điển cứu về sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất hiện trên cổng thông tin. Đây sẽ là điểm nhấn để các sản phẩm này tiếp cận, lan tỏa trên thị trường thế giới.
"Mục tiêu, sứ mệnh của ban điều hành dự án là làm sao để nông sản Việt có mặt trên thị trường thế giới, xứng tầm, định vị được thương hiệu, có giá bán tương xứng với chất lượng...", ông Lý khẳng định.
Bên cạnh đó, là cơ sở đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng mong muốn qua dự án, sinh viên, người học nhìn thấy các sản phẩm, mô hình, cấu trúc doanh nghiệp, chuỗi giá trị phát triển nông sản... từ nơi sản xuất cho đến tay người tiêu dùng (kể cả thị trường quốc tế, thị trường khó tính...) để sinh viên có thể nhận thức, thấy rõ tương lai của ngành nông nghiệp mà các em sẽ làm việc trong tương lai. Đây cũng là cách hiệu quả để hỗ trợ trong việc tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo chuẩn đầu ra trong các trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.