Tăng 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Đại biểu Quốc hội nói gì?

11/06/2020 12:09 GMT+7
Chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Tại buổi làm việc, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Trước đó trong ngày 08/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); tiến hành thảo luận Tổ về nội dung này.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nội dung: Đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp

Tăng 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Đại biểu Quốc hội nói gì? - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Với vị trí, vai trò quan trọng của Agribank trong hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn có tính lan tỏa, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) chỉ ra 4 điểm quan trọng trong vấn đề này: Thứ nhất, góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại.

Thứ hai, giúp tăng mức chịu đựng của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, bất thường.

Thứ ba, giúp gia tăng huy động vốn, từ đó mở rộng tín dụng cho ngân hàng này. Do 70% đối tượng cho vay của ngân hàng Agribank là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên việc tăng vốn điều lệ góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp.

Thứ tư, cũng là điều quan trọng nhất, chi bổ sung 3.500 tỷ đồng không phải là chi tiêu dùng mà là chi đầu tư và khi đầu tư phải quan tâm tới yếu tố hiệu quả. 

Báo cáo kiểm toán Agribank trong năm 2019 cho thấy tổng tài sản của ngân hàng này so với lúc thành lập năm 1988 tăng gấp 1.000 lần, lợi nhuận trước thuế là trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.000 tỷ đồng. Với vốn điều lệ là 30.000 tỷ mà lợi nhuận ròng như vậy là khá cao. Trong năm 2019, khoản nộp ngân sách của Agribank là hơn 6.000 tỷ đồng. Do vậy, có thể tự tin hỗ trợ vốn.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị lãnh đạo ngân hàng cân nhắc khi phát triển mạng lưới chi nhanh nên ưu tiên ở khu vực nông thông; đề nghị tăng cường thêm hoạt động của ngân hàng di động; quan tâm phát triển mở rộng tín dụng tiêu dùng với hộ nông dân nhằm đầy lùi tìn dụng đen và cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

Cho biết người dân còn thiếu thức quản lý tài chính, đại biểu đề nghị khi ngân hàng cho vay cần hỗ trợ tư vấn quản lý tài chính để nắm được nguồn vốn, sử dụng hiệu quả, trả lãi hợp lý. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp để nông nghiệp phát triển trong đó quan tâm đến chương trình tài trợ tư vấn sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.

Còn Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nhiều năm qua Agribank chưa được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ. Trong khi đó, Agribank là ngân hàng nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, và vốn điều lệ chỉ được bổ sung từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn của Agribank chủ yếu phục vụ đầu tư các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Và thực tế đã khẳng định, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại, trong đó có Agribank đều sinh lời cao.

"Agribank được tăng vốn, đồng nghĩa với hàng triệu nông dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với đồng vốn hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và nộp thuế cho nhà nước", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Cấp vốn tín dụng cho "tam nông" thì cử tri nhất trí cao

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Nhà nước có "4 đứa con" trong lĩnh vực ngân hàng. Mỗi ngân hàng phụ trách những mảng khác nhau, nhưng Agribank là ngân hàng gắn liền và chặt chẽ với nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Ông cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9 đã khẳng định, trong đại dịch Covid-19, mới thấy được giá trị của nền nông nghiệp Việt Nam. Nó không chỉ có giá trị với nước ta mà đối với toàn thế giới. Chúng ta đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư thông minh, và hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, hướng đến đầu tư phát triển cho khu vực dân tộc, miền núi.

Tất cả những vấn đề này rất cần vai trò gánh vác, lăn lộn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò cung cấp tín dụng của Agribank. Và việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thực chất là sử dụng ngân sách thông qua dòng vốn tín dụng để hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là hình thức đầu tư phát triển nhân văn và hết sức cần thiết.

"Chúng ta dùng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực nào đó thì còn gợn, chứ cấp vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì cử tri rất hoan nghênh. Và tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân", ông Nhưỡng nói.

Tăng 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Đại biểu Quốc hội nói gì? - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra 4 điểm quan trọng trong vấn đề tăng vốn cho Agribank

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cũng trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. 

Đại biểu cho biết trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Đồng tình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, phát biểu tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu); Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương); Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhất trí cao và cho rằng, đây là nội dung cần thiết, đề nghị Quốc hội chấp chuận, cho phép Chính phủ sử dụng tối đa không quá 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 nội dung: nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp của ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.


PV
Cùng chuyên mục