Tổng cục Hải Quan "phản pháo" Bộ Công Thương vì dừng nhập hàng của 6 kho, gây khan hiếm xăng dầu

15/10/2022 13:59 GMT+7
Tổng cục Hải quan vừa phát đi văn bản cho biết việc hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Tạm dừng nhập xăng dầu vào 6 kho không ảnh hưởng thị trường

Theo Tổng cục Hải quan, tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/8/2022 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu. Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan. 

Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản để đôn đốc doanh nghiệp và Hải quan đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật. 

Tổng cục Hải Quan "phản pháo" Bộ Công Thương vì dừng nhập xăng của 6 kho, gây khan hiếm xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua xăng tại Hà Nội (Ảnh An Linh)

Cơ quan này cho biết, cả nước hiện có 46 trên tổng số 52 kho xăng dầu đầu mối (chiếm gần 88,5%) đáp ứng đúng quy định Nghị định 67/2020. Còn lại 06 kho (chiếm 11,5%) chưa đáp ứng quy định, bị tạm dừng nhập khẩu xăng dầu.

Lấy số liệu trong báo cáo của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70%, lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam, số còn lại (30%) từ nguồn nhập khẩu. 

Tổng cục Hải quan khẳng định:"Việc cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối".

Trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương trong quý III/2022,  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lượng xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam giảm trong quý III/2022 là do Tổng cục Hải quan tạm dừng nhập khẩu của một số doanh nghiệp, có kho dự trữ xăng dầu không đáp ứng được các quy định tại Nghị định 67 nêu trên.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, các tháng 7, 8 và 9/2022, cả nước chỉ nhập 1,74 triệu tấn xăng dầu các loại; lượng nhập giảm hơn 360.000 tấn so với quý II và gần 900.000 tấn so với quý I/2022. 

Cũng liên quan đến vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm, từ cuối năm 2021 đến năm 2022, tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu. 

"Đến thời điểm này, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã cơ bản được đảm bảo", ông Hải nói.

Thứ trưởng Hải cho rằng vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70 - 80 %, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. 

"Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu, vì vậy, cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí cho doanh nghiệp'', Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Cũng tại họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ lại lời tâm sự của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là họ bị "đen" khi nhập giá từ nước ngoài thời điểm rất cao, nhưng về nước lúc giá bán được điều chỉnh xuống thấp, dẫn đến thua lỗ.

Bản thân các doanh nghiệp nhập xăng dầu về Việt Nam trong các quý I, II/2022 đã chịu mua với giá cao, nhưng sau đó các tháng 7, 8 và 9, giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục hạ nên họ phải bán giá thấp hơn giá mua vào, thua lỗ nặng, kéo dài.

Theo ông Hải, sau khi nhập về giá cao, sau đó phải bán giá thấp nên nhiều doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng, trong thời gian dài, khiến họ phải nhập khẩu cầm chừng trong các tháng tiếp theo, từ đây nảy sinh các vấn đề như tăng giá bán buôn, giảm chiết khấu để giảm lỗ cho đầu mối, đại lý… dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ.

Thông tin mới nhất, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, trong dó 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, 2 Nhà máy lọc hoá dầu trong nước cùng các bộ Công Thương, Tài chính cũng bị thanh tra về các hoạt động quản lý về xăng dầu.

Thời gian thực hiện thanh tra theo kế hoạch là trong thời kỳ từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

An Linh
Cùng chuyên mục