Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thua lỗ nặng vì… "đen"

Nguyễn Tuyền Thứ năm, ngày 13/10/2022 12:20 PM (GMT+7)
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ lại lời tâm sự của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là họ bị "đen" khi nhập giá từ nước ngoài thời điểm rất cao, nhưng về nước lúc giá bán được điều chỉnh xuống thấp, dẫn đến thua lỗ.
Bình luận 0

Chỉ tại vì doanh nghiệp… "đen"

Trong quý II/2022, khi nhà máy lọc dầu Nghi sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50%, có thời gian gián đoạn dừng. Bộ Công Thương đã yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng lượng xăng nhập khẩu, bù nguồn xăng trong nước với sản lượng 2,4 triệu m3 xăng, dầu.

Trong số đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu bổ sung thêm 1.065.567 m3; Tổng công ty dầu Việt Nam 488.688 m3; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuỷ bộ Hải Hà 140.401 m3; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh 124.898 m3; Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu 66.804 m3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt được giao 165.117 m3; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 89.642m3; Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp 73.094 m3; Công ty Thiên Minh Đức 144.152 m3 và Công ty Cổ phần hoá dầu Quân đội 41.636 m3…

Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thua lỗ nặng vì… "đen" - Ảnh 1.

Cây xăng tại Trà Vinh của Công ty TNHH MTV Bội Ngọc treo biển hết xăng, do không thể làm vì chiết khấu quá thấp. (Ảnh NVCC)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Bản thân các doanh nghiệp nhập xăng dầu về Việt Nam trong các quý I, II/2022 đã chịu mua với giá cao, nhưng sau đó các tháng 7, 8 và 9, giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục hạ nên họ phải bán giá thấp hơn giá mua vào, thua lỗ nặng, kéo dài.

Theo ông Hải, sau khi nhập về giá cao, sau đó phải bán giá thấp nên nhiều doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng, trong thời gian dài, khiến họ phải nhập khẩu cầm chừng trong các tháng tiếp theo, từ đây nảy sinh các vấn đề như tăng giá bán buôn, giảm chiết khấu để giảm lỗ cho đầu mối, đại lý… dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ. 

Một số chuyên gia bình luận, rõ ràng 10 đầu mối được Bộ Công Thương yêu cầu tăng lượng nhập về để bù đắp thiếu hụt do "vấn đề" của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong quý II/2022 nhưng do cơ chế giá, nên họ đã quá... "đen". 

Bên cạnh đó, họ được giao tăng lượng nhập khẩu nhưng không bản thân không thể lường trước được giá biến động mạnh, trong khi Nhà nước không đảm bảo quyền lợi ưu tiên khi "đỡ" nguồn cung trong nước từ sự trục trặc của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dẫn đến khoản thua lỗ giá lớn.

Thực tế, sau khi chịu khoản lỗ vì giá nên các doanh nghiệp xăng dầu đã giảm lượng nhập khẩu xăng, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, các tháng 7, 8 và 9/2022, cả nước chỉ nhập 1,74 triệu tấn xăng dầu các loại; lượng nhập giảm hơn 360.000 tấn so với quý II và gần 900.000 tấn so với quý I/2022. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, chuyên kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng: Nhập xăng dầu ở thời điểm tháng 7/2022, giá trên hợp đồng là 80 USD/tấn, hàng nhập đang trên đường về cảng. Nhưng ngay hôm sau, giá quốc tế giảm xuống 78 USD/tấn, giá tham chiếu và giá cơ sở trong nước nhà điều hành căn cứ vào mức giá 78 USD/tấn để điều chỉnh giá bán lẻ. Như vậy, nhà nhập khẩu lỗ 2 USD/tấn, vậy ai muốn nhập thêm?", ông Tây nói. 

Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thua lỗ nặng vì… "đen" - Ảnh 2.

Tình trạng xếp hàng mua xăng ở TPHCM những ngày vừa qua. (Ảnh: Ngọc Quỳnh)

Theo ông Tây, điều này lý giải vì sao  thời gian qua, giá xăng lao dốc, thị trường khan hiếm cục bộ ở nhiều thời điểm, thậm chí có tình trạng rối loạn, đóng cửa.

Kiến nghị tính lại giá cơ sở xăng dầu

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mấu chốt để giải quyết tình trạng kinh doanh xăng dầu thua lỗ hiện nay là cần thay đổi công thức tính giá cơ sở để xác định giá điều hành bán lẻ chính xác, kịp thời và có lợi cho các bên. 

Thời gian vừa qua, sau khi kiến nghị Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công Thương nâng chi phí kinh doanh định mức áp dụng cho xăng các loại từ 975 đồng/ lít lên 1.320 đồng/ lít. Tuy nhiên, chi phí này vẫn chưa giúp doanh nghiệp giảm lỗ và có giá bán hợp lý. 

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Bắc cho rằng Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần tính lại công thức tính giá cơ sở, trong đó cả nước hiện có 38 đầu mối nhập xăng dầu các nguồn (nếu sử dụng loại trừ các đầu mối đang bị cấm nhập xăng dầu), còn lại khoảng 33 -34 đầu mối.

"Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần lấy giá thành thực tế bình quân của 34 đầu mối để tính công thực giá cơ sở trước khi tính giá điều hành giá bán lẻ. Sau đó chọn 15-17 đầu mối lớn, có xăng dầu chi phối thị trường, chia cho 15-17 để ra giá chung cơ bản của mỗi lít xăng dầu", đại diện doanh nghiệp này cho hay. 

Theo doanh nghiệp, hàng tồn kho của doanh nghiệp đầu mối cũng phải được tính theo bình quân gia quyền để đưa vào giá vốn, cộng lợi nhuận định mức cho công ty đầu mối. 

Đồng tình với phương án này, ông Giang Chấn Tây, cho rằng: Mấu chốt là chi phí tính giá cơ sở, để không nhập nhằng trách nhiệm này thì nên giao cho Bộ Công Thương tính giá cơ sở và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu!

Theo ông Tây, tính giá cơ sở không đúng quy luật giá thị trường, khiến doanh nghiệp không có lời, thị trường bị ngưng cung cấp hàng là tất yếu.

"Nói thẳng doanh nghiệp của tôi bán mà chiết khấu bằng 0 đồng, dù cho có hàng dồi dào tôi cũng không mở cửa bán nữa", ông Tây cho hay.

Ông Tây dẫn ví dụ, nếu trong gia đình tôi được bố hoặc mẹ kêu mua gạo về đem ra chợ bán; giá mua 15.000đ/kg mà ép bán giá có 14.000đ/kg thì cũng chỉ bán cũng một vài chuyến là đòi nghỉ. Dù có đòi phạt thì nó cũng tìm mọi cách để nghỉ bán vì sợ cụt vốn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem