Top 10 doanh nghiệp thủy sản bứt tốc trong quý II bất chấp trở ngại thiếu container

23/07/2021 12:05 GMT+7
Top 10 doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 20,6% trong 6 tháng và 31,7% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Navico dẫn đầu với mức tăng trưởng 50,4%; Thuận Phước Corp tăng trưởng 46,5%, Biendong Seafood tăng trưởng 40,2% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở hầu hết các dòng sản phẩm và thị trường

Số liệu Hải Quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng hơn 21% so với cùng kỳ, đạt gần 2,4 tỷ USD.

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Mỹ, thị trường các nước trong nhóm CPTPP và EU đã khỏa lấp sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc mở rộng, giúp cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng cao, vượt xa kỳ vọng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sang thị trường nhóm nước CPTPP đạt 1,1 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường Mỹ đạt hơn 901 triệu USD, tăng trưởng 38,7%; thị trường EU đạt hơn 486 triệu USD, tăng 20,2%; thị trường Trung Quốc mở rộng đạt hơn 509 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Top 10 doanh nghiệp thủy sản bứt tốc trong quý II bất chấp trở ngại thiếu container - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu 2021 vào các thị trường lớn. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Anh, Thái Lan, Nga, Đài Loan, Philippines cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2021.

Xét về sản phẩm, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,73 tỷ USD, tăng 13,7%; cá tra đạt gần 781 triệu USD, tăng 17%; cá ngừ đạt hơn 355 triệu USD, tăng 21,3%; cá các loại đạt gần 851 triệu USD, tăng 13,1% và nhuyễn thể đạt 332 triệu USD, tăng 15,1% so với 6 tháng đầu 2020.

Top 10 doanh nghiệp thủy sản bứt tốc

Thống kê cho thấy, quý I/2021, Top 10 doanh nghiệp thủy sản chỉ ghi nhận tăng trưởng trung bình hơn 6%, nhiều ông lớn trong ngành ghi nhận tăng trưởng âm như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, CASE. Tuy nhiên, bước sang quý II/2021, nhờ sức mua ở các thị trường nhập khẩu phục hồi, Top 10 doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 20,6% trong 6 tháng và 31,7% trong quý II/2021, cao hơn rất nhiều so với bình quân của toàn ngành.

Thủy sản Minh Phú (mã MPC) giữ ngôi đầu kể cả khi chưa hợp nhất với Minh Phú - Hậu Giang với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt hơn 176 triệu USD, tăng trưởng 24%. Nếu hợp nhất với Minh Phú – Hậu Giang, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng của Tập đoàn Minh Phú sẽ đạt 286 triệu USD, tăng trưởng 26,2%. Lưu ý rằng, 6 tháng đầu 2021, xuất khẩu tôm chân trắng của toàn ngành tăng 22,2% và xuất khẩu tôm sú giảm 10%.

Top 10 doanh nghiệp thủy sản bứt tốc trong quý II bất chấp trở ngại thiếu container - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản của Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Vĩnh Hoàn (mã VHC) xếp vị trí thứ 3 trong Top 10 doanh nghiệp thủy sản lớn, sau Stapimex, tuy nhiên vẫn giữ vững ngôi vị "nữ hoàng cá tra". 6 tháng đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 124,4 triệu USD, tăng trưởng 14%, thấp hơn mức tăng trưởng chung của nhóm cá tra.

Navico (mã ANV) xếp thứ 10 trong bảng Top 100, tuy nhiên nếu xếp Minh Phú – Hậu Giang vào Tập đoàn Minh Phú, ANV sẽ xếp vị trí số 9. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của ANV đạt hơn 48 triệu USD, dẫn đầu về tăng trưởng, với mức tăng trưởng đến 50,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, mức tăng trưởng 50,4% cũng chưa giúp Navico lấy lại phong độ của mình đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 (đạt 61,4 triệu USD).

Đối với I.D.I (mã IDI), mặc dù không nằm trong Top 10 doanh nghiệp thủy sản lớn, IDI hiện đang được xếp vị trí số 16 trong Top 100. 6 tháng đầu năm, IDI ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt gần 38 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II, kim ngạch xuất khẩu của I.D.I đạt 23 triệu USD, tăng trưởng 37,6% so với quý II/2020.

Hồi đầu tháng 7, VASEP cho biết, thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần. Trong đó, giá thuê container và phụ phí liên tục tăng "phi mã".

Trước đó, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Điển hình, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 5.000 USD/cont, tháng 5.2021 vọt lên tới 9.100 USD/cont; Container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 có giá 1.800 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 4.000 USD/cont, ghi nhận tới tháng 5 vừa qua đã tăng gấp đôi, lên 8.000 USD/cont.

Bất chấp trở ngại thiếu hụt container, các doanh nghiệp thủy sản lần lượt báo lãi trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan. Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng trưởng 16,3% và 6 tháng tăng 4,3%; Fimex VN (mã FMC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 58% cho quý II và 23% cho 6 tháng đầu năm.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục