VIMC thanh lý 24 "tàu già", dự báo thị trường vận tải biển gặp khó khăn

23/04/2023 20:22 GMT+7
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang tính toán đến việc bán các "tàu già" vốn khai thác không hiệu quả nhằm giảm chi phí đồng thời sẽ lựa chọn đầu tư các tàu biển phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến, VIMC thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT); đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).

Tính riêng năm 2023, VIMC lên kế hoạch bán 9 tàu (tàu hàng rời, tàu container và tàu dầu), trong đó, có 5 tàu có tuổi đời khoảng 27 - 29 năm và 4 tàu được đóng từ năm 2006 - 2007.

Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000-16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

VIMC thanh lý 24 "tàu già", dự báo thị trường vận tải biển gặp khó khăn - Ảnh 1.

VIMC dự báo thị trường vận tải biển năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VIMC

Bên cạnh việc lên kế hoạch bán "tàu già", lãnh đạo VIMC dự báo thị trường vận tải biển năm 2023 gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều.

Lãnh đạo VIMC đánh giá thị trường vận tải container năm 2023 sẽ tiếp tục đà suy giảm mạnh kể từ quý 2/2022. Nguyên nhân là do lạm phát về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tốc độ phát triển kinh tế giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá.

Cụ thể, hiện, giá cước tàu vận tải container trên các tuyến từ châu Á đi xuyên Thái Bình Dương đều giảm rất mạnh, trong đó phải kể đến những tuyến như Thượng Hải - Los Angeles, Thượng Hải - Rotterdam đồng loạt giảm tới 88% so với cùng thời điểm năm 2021.

Đội tàu container toàn cầu hiện bao gồm 5.627 chiếc với tổng trọng tải 25,5 triệu TEU. Tính từ nay tới tháng 8/2026, sẽ có 924 tàu container được đặt đóng mới sẽ dẫn đến dư thừa nguồn cung.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều, số lượng tàu đóng mới tăng nhanh chóng trong khi lượng phá dỡ hạn chế, tình trạng tắc nghẽn giảm thì thị trường sẽ xảy ra tình trạng dư nguồn cung tàu.

Với mức cước cao như hiện nay, dự kiến các hợp đồng đóng mới sẽ tiếp tăng trong năm 2023 nhưng những tàu chở dầu này sẽ được giao sớm nhất vào năm 2024 và sẽ không ảnh hưởng đến cung/cầu thị trường năm 2023.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong năm 2023 như việc áp giá trần đối với dầu của Nga đến từ các quốc gia phương Tây, tình trạng bất ổn nguồn cung dầu của Nga, sự thay đổi trong chính sách cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, ... có thể tác động tiêu cực lên thị trường.


Thế Anh
Cùng chuyên mục