dd/mm/yyyy

Xã thuần nông vùng cao Lê Lai huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Năm 2011, xã Lê Lai (Thạch An) được huyện chọn làm xã điểm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, đến nay Lê Lai đã hoàn thành 12/19 tiêu chí.

Ông Nông Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Lê Lai cho biết: Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ngay từ khi lập quy hoạch, Xã đã tổ chức họp để phổ biến và trưng cầu ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nhiệm vụ, mục tiêu XDNTM.

Nhân dân xóm Bản Căm, xã Lê Lai (Thạch An) đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn xóm.
Nhân dân xóm Bản Căm, xã Lê Lai (Thạch An) đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn.

Xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát và thành lập Ban phát triển thôn ở tất cả các xóm do bí thư chi bộ xóm làm trưởng ban; tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế điểm, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, nâng cấp, tu sửa đường làng ngõ xóm, mương thuỷ lợi.

Huy động các nguồn lực, phát huy nội lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu... Đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình XDNTM, các nguồn vốn lồng ghép với các chương trình dự án: 135, PSARD, VIE/36, xã đã đầu tư hơn 14,8 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn mới: Bê tông hóa 13 tuyến giao thông nông thôn (GTNT), 36 ngõ với chiều dài gần 21km; làm mới, nâng cấp 6 tuyến GTNT với tổng chiều dài 12km, xây dựng mới 9 cầu dân sinh, bê tông 2 tuyến đường nội đồng dài 1,5km; xây dựng Nhà văn hóa xóm Nà Cốc; cải tạo, nâng cấp 2 lớp học bậc tiểu học, 3 lớp học mầm non…

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến đông đảo người dân nên phong trào hiến đất, góp công làm đường nông thôn được nhân rộng trong xã. Năm 2011, toàn xã chỉ có 1 xóm có người dân tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn, đến nay, đã lan rộng ra 14/14 xóm với trên 70 hộ dân tự nguyện hiến đất ở, đất ruộng với tổng diện tích trên 13.000m2  để làm đường nông thôn. Tiêu biểu, ở xóm Nà Cốc có các gia đình: Trần Văn Hoàn, hiến gần 900m2  đất; Nông Văn Liềm hiến 833m2  đất; ở xóm Bản Căm, các gia đình Đặng Văn Liêm hiến 533m2  đất ruộng, Nông Văn Thống hiến 597m2  đất… Ngoài ra, nhân dân các xóm đóng góp gần 6.990 ngày công lao động và gần 500 triệu đồng để XDNTM.

Anh Nông Văn Liềm, xóm Nà Cốc, xã Lê Lai cho biết: Khi cán bộ xã tới vận động đóng góp làm đường bê tông nông thôn liên xóm, thấy được những lợi ích của con đường đem lại đối với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nên tôi đã bàn bạc và thống nhất cùng gia đình hiến 833m2  đất rừng để mở rộng và làm đường bê tông. Ngoài ra, tôi vận động hàng xóm đóng góp công sức, tiền của để hoàn thành tuyến đường. Nhờ vậy, xóm hoàn thành hơn 1km đường bê tông liên xóm Nà Cốc - Bản Căm với chiều rộng 3m, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương và phát triển sản xuất.

Để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm hộ nghèo cho người dân là những tiêu chí quan trọng được xã đặc biệt quan tâm. Xã chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện, lồng ghép với các chương trình, dự án tổ chức 29 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho gần 1.000 lượt người dân; phối hợp Sở Công thương - đơn vị giúp đỡ xã về XDNTM tổ chức 2 lớp đào tạo sử dụng điện an toàn và sửa chữa máy nông cụ cho trên 60 người. Triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiêu quả cao. Ông Nông Văn Thiết, xã Lê Lai cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp nên không đem lại hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền xã đã tư vấn, tập huấn kỹ thuật nên gia đình tôi thực hiện mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi đại gia súc đem lại hiệu quả cao, mỗi năm cho thu nhập trên 80 triệu đồng.

Được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, đến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của xã thấp, đặc thù kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, địa bàn xã trải rộng, dân cư sống rải rác, thiếu đất sản xuất, tình trạng sản xuất tự phát còn khá phổ biến nên chất lượng, hiệu quả sản xuất chưa cao, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí có được nâng lên nhưng chưa đồng đều nên việc tăng thu nhập cho người dân còn hạn chế.

Năm 2016, thu nhập của người dân mới chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 31,2%. Hiện nay, xã còn 7 tiêu chí: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm đang là những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã Lê Lai sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ chung sức xây dựng nông thôn mới của Nhà nước, các doanh nghiệp, lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Phấn đấu đến hết năm 2018, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí để đạt xã chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Hoài An