Chương trình EPS: Hướng tới một kỳ kiểm tra “sạch”

Thứ bảy, ngày 10/12/2011 07:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nỗ lực của Bộ LĐTBXH, Trung tâm Lao động ngoài nước và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn ngày 17 và 18.12. Với những biện pháp an ninh được áp dụng, kỳ kiểm tra này sẽ không có “đất” cho gian lận.
Bình luận 0

Tăng cường khâu an ninh

Kỳ kiểm tra này, phía Bộ LĐTBXH lo toàn bộ phần kiểm soát an ninh. Biện pháp đầu tiên, và cũng lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn là sẽ sử dụng thiết bị cổng từ.

img
Đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.

Thiết bị này sẽ thực hiện phần kiểm soát điện thoại di động và thiết bị thu phát điện tử, phá sóng di động. Thực tế qua 8 kỳ kiểm tra, tình trạng lao động mang điện thoại di động, các thiết bị thu phát điện tử vào phòng thi rất nhiều. Thậm chí điện thoại của lao động còn rất hiện đại, truy cập mạng 3G, lao động có thể chụp đề thi, ghi âm bài nghe nói để gửi ra ngoài giải đề, rồi nhắn tin lại.

Lần kiểm tra này, quy định không được mang điện thoại di động, thiết bị thu phát vào khu vực thi đã được thông báo tới từng lao động. Nếu người lao động vẫn cố tình mang trên người, khi đi qua cổng từ sẽ có tín hiệu báo và thiết bị sẽ bị giữ lại.

Số lượng người được làm hồ sơ dự tuyển gửi sang Hàn Quốc sẽ được lựa chọn theo nguyên tắc lấy điểm từ trên xuống theo từng ngành cho đến khi đủ số lượng trong số những người đạt từ 80/200 điểm trở lên. Thực tế ở các kỳ kiểm tra trước, số lao động đạt điểm sàn lên tới hơn 60%, như vậy, lao động đạt điểm sàn (80 điểm) vẫn có thể không lọt vào danh sách 15.000 hồ sơ được chọn.

Với những thiết bị tinh vi, sẽ có thiết bị kiểm tra an ninh cầm tay (như thiết bị kiểm tra an ninh tại sân bay) để dò. Nếu lao động vẫn cố tình - bằng cách nào đó - mang điện thoại vào phòng thi thì giám thị sẽ lập biên bản tại chỗ, huỷ kết quả thi. Sau đó lao động bị cấm tham gia kiểm tra trong 2 năm.

Biện pháp thứ 2 được tăng cường đó là có sự tham gia của lực lượng công an. Kỳ kiểm tra này, lần đầu tiên được coi là kỳ kiểm tra quốc gia, vì vậy mà có sự vào cuộc của Bộ LĐTBXH, UBND các tỉnh, công an địa phương và ban giám hiệu các trường. Giám thị coi thi khi vi phạm quy chế sẽ bị xử lý vi phạm như thi đại học.

Lao động cũng đặc biệt lưu ý, với sự tham gia của lực lượng công an thì việc xử lý sẽ rất nghiêm khắc. Chẳng hạn, lao động sử dụng điện thoại di động trong phòng thi để phát tán đề thi, nhận bài giải với sự tham gia của 2 người trở lên (thường hành vi này có sự tham gia của ít nhất 2 người: Người nhắn tin và người nhận tin) thì được gọi là vi phạm có tổ chức, lực lượng công an địa phương sẽ đưa ra phòng riêng để thẩm vấn…

Không có chỗ cho “cò”

Nhiều lao động phản ánh “cò” thường nói can thiệp được vào khâu đề thi, đưa bài giải vào. Điều này không thể thực hiện vì cơ quan HRD sẽ lo toàn bộ khâu đề thi. Toàn bộ khâu vận chuyển, bảo quản đề thi đều do người của HRD thực hiện và chỉ mang tới phòng thi trước giờ làm bài chứ không mang tới sớm.

Năm nay, cấu trúc đề thi cũng có thay đổi, thay vì làm phần nghe nói trước, đọc hiểu sau thì cấu trúc đề thi sẽ đưa phần đọc hiểu lên trước, nghe nói sau (phần đọc hiểu 25 câu, nghe nói 25 câu, thời gian làm bài 70 phút). Như vậy lao động sẽ không thể chuyển ghi âm phần nghe nói ra ngoài để giải được.

Kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần 9 do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức.

Thực hiện: Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea).

Cơ quan phối hợp: Bộ LĐTBXH; Trung tâm Lao động ngoài nước.

Ngoài ra, 1 phòng thi cũng có 4 đề thi để đảm bảo những người ngồi xung quanh không trùng đề thi với nhau. Một thay đổi nữa là ở các kỳ thi trước 100% câu hỏi nằm trong ngân hàng đề thi thì nay chỉ còn 90%, 10% còn lại sẽ là câu hỏi khác.

Nếu lao động hiểu quy trình kiểm tra thì mới biết, “cò” khó có thể can thiệp. Ví dụ như ngay ở khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, nếu lao động đủ điều kiện, có nguyện vọng đi thi thì không sở LĐTBXH nào lại không tiếp nhận vì đã có quy trình rõ ràng. Hồ sơ sau đó được chuyển ngay sang phía Hàn Quốc để nhập dữ liệu, lên danh sách thi.

Thường thì ở khâu này, “cò” hay doạ lao động là nếu không nộp tiền sẽ rút hồ sơ nhưng thực tế, ngay cả lao động cũng khó rút hồ sơ bởi quy trình rất chặt: Lao động vì lý do nào đó không thi nữa thì phải có đơn xin rút, sau đó UBND địa phương xác nhận, sở LĐTBXH có công văn trình lên mới được rút hồ sơ…

Bài tiếp: Ưu tiên cho người đúng hạn

Trưởng phòng Tuyển chọn - Trung tâm Lao động ngoài nước

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem