dd/mm/yyyy

Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội): “Đòn bẩy” kinh tế từ chăn nuôi

Với diện tích đất nông nghiệp là 758,77ha, chiếm 77%, xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội), với cách làm sáng tạo của lãnh đạo xã, Cấn Hữu đang từng bước thay da, đổi thịt, nhờ ứng dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng cao…

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Ông Nguyễn Quang Khải – Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nhân dân", trong giai đoạn 2016-2020 xã Cấn Hữu đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm đổi mới cách làm nông nghiệp cũ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM và NTM nâng cao.

          Theo ông Khải, xã Cấn Hữu có diện tích tự nhiên là 985,74ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 758,77ha, chiếm 77%. Bình quân đầu người đất nông nghiệp là 720m2/người. Có 02 vùng canh tác là ngoài đê sông Tích chiếm 1/3 diện tích, nội đê sông Tích chiếm 2/3 diện tích.

Xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội): “Đòn bẩy” kinh tế từ chăn nuôi  - Ảnh 1.

Với gần 40.000 con gà để trưng, anh Nguyễn Văn Lâm thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu thu về hàng tỷ đồng/năm

Trước đó, xã Cấn Hữu đã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt Đề án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là 196,54ha, trong đó được phân ra 04 loại hình chuyển đổi: Loại 1: Chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm kết hợp nuôi trồng thủy sản là 103ha; Loại 2: Chuyển đổi đất trũng thấp trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản là 17ha. Loại 3: Chuyển đổi đất kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp là 12ha. Loại 4: Chuyển đổi đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang vùng chăn nuôi tập trung là 64ha.

Trong đó 10ha là đất giao thông thủy lợi. diện tích đất trồng lúa là 562ha. Như vậy diện tích chuyển đổi chiếm 25% đất nông nghiệp trong toàn xã. Theo thống kê của UBND xã Cấn Hữu, giá trị sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt năm 1016 là 30,67 tỷ đồng (chiếm 22,3%), năm 2018 là 32,98% (chiếm 22,3%). Giá trị sản xuất trong chăn nuôi, thủy sản năm 2016 là 103,63 tỷ đồng (chiếm 77,7%), năm 2018 là 115,4% (chiếm 77,7%). Số lượng đàn gia súc, gia cầm năm 2016 trâu, bò là 189 con, lợn 4.302 con, gia cầm 312.248 con. Năm 2018 trâu, bò là 165 con, lợn 3.039 con, gia cầm 442.705 con.

Theo đó, tỷ trọng nông nghiệp năm 2016 là 143 tỷ đồng (chiếm 34,1% trong tổng giá trị tổng thu nhập toàn xã). Năm 2018 là 430 tỷ đồng (chiếm 34,4% trong tổng giá trị tổng thu nhập toàn xã).

Xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội): “Đòn bẩy” kinh tế từ chăn nuôi  - Ảnh 2.

Không chỉ nuôi hàng vạn con gà đẻ trứng, anh Nguyễn Văn Lâm còn nuôi hơn 100 con lợn nái và hơn 2.000 lợn thịt

Từ những số liệu trên cho thấy, diện tích trồng trọt chiếm 3/4 đất nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt dưới 1/4 tổng giá trị bình quân 53 triệu đến 58 triệu đồng/ha. Trong 03 năm, giá trị tăng nhẹ mặc dù năng xuất có tăng nhưng chất lượng và giá trị vẫn thấp, chủ ý là trồng lúa thương phẩm, lúa hàng hóa có giá trị cao tỷ lệ thấp, lúa giống có diện tích nhưng không được triển khai đại trà.

Giá trị sản xuất trong chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao, chiếm từ 73-77% thu nhập trong nông nghiệp, giá trị trên đơn vị diện tích: 570-755 triệu đồng/ha. Đối với cơ cấu loại vật nuôi tỷ lệ trâu bò giảm dần, tỷ lệ lợn ổn định, tỷ lệ gia cầm tăng nhanh và chiếm đa số, trong gia cầm chiếm 90% sản xuất gia cầm đẻ trứng.

Nếu so sánh chăn nuôi với trồng trọt, giá trị sản xuất gấp 11 đến 15 lần trên 1 đơn vị diện tích, thu nhập chăn nuôi nếu lợi nhuận 15%/năm (85 triệu đến 110 triệu đồng/ha) thì thu nhập gấp 6-10 lần trồng lúa. Ngoài ra, chăn nuôi tạo ra từ 200-300 lao động tại chỗ có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Những thuận lợi và khó khăn

Ông Khải cho biết, năm 2016, xã Cấn Hữu đã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt tại Quyết định 8441/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Theo đó, hệ thống giao thông thủy lợi sau dồn điền đổi thửa đã được nâng cấp và cải tạo cơ bản đáp ứng được việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Việc ứng dụng KHKT, máy móc vào trồng trọt và chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, trong trồng trọt vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như: Tỷ lệ diện tích sản xuất lúa 1 vụ cao, nguy cơ ngập úng tiểu mãn gây mất trắng. Đối với chăn nuôi: Giá cả thị trường lên xuống thất thường, chi phí đầu vào tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội): “Đòn bẩy” kinh tế từ chăn nuôi  - Ảnh 3.

Nghề chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng

Theo ông Khải, nguyên nhân việc sản xuất nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn là do giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của ngành. Tỷ lệ tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm còn quá hạn chế. Quản lý quy hoạch vùng chuyển đổi chưa chặt chẽ, phát triển đàn gia súc, gia cầm còn tự phát, dựa vào nhu cầu ngắn hạn của thị trường, chưa thống nhất việc đăng ký sản xuất dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch.

Công tác quản lý môi trường tại vùng chăn nuôi tập trung chưa đảm bảo, chưa có quy chế về việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, số hộ chăn nuôi trong khu dân cư vẫn còn, gây ảnh hưởng môi trường chung của dân cư. Vẫn còn vi phạm trật tự xây dựng trong vùng quy hoạch chuyển đổi, như xây nhà quản lý lớn hơn so với quy định, xây dựng chuồng trại không đúng nơi được quy hoạch…

Nguyên nhân việc tồn tại những bất cập trên, là do ngân sách của địa phương còn hạn chế, việc bố trí nhân sách cho phát triển nông nghiệp còn ít, chủ yếu cho công tác tập huấn vệ sinh môi trường chung. Sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là trứng thương phẩm chiếm tỷ lệ lớn, đảm bảo chất lượng VietGAP, nhưng chưa tập hợp được nhóm, hộ, vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, giá cả thị trường cao, lợi nhuận chăn nuôi hợp lý nên việc tăng đàn ồ ạt gây ra không đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường có nguy cơ ô nhiễm, nhất là điểm nóng về dịch bệnh. Không ít hộ chưa hiểu hoặc không chấp hành quy hoạch và chủ trương của vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lợi dụng chủ trương này để xây dựng nhà ở và dùng vào mục đích khác…

Cấn Hữu hướng đi nào cho nông nghiệp?

          Cấn Hữu là xã vùng đồng chiêm trũng, không có khu công nghiệp, làng nghề truyền thống, dịch vụ thương mại còn hạn chế. Do đó, để phát triển kinh tế, hướng đi thích hợp nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững. Theo đó, Đảng ủy xã phải có Nghị quyết chuyên đề về phát triên nông nghiệp theo xu hướng mới, đặt mục tiêu và giá trị thu nhập thực tế trên đơn vị diện tích, quản lý quy hoạch chặt chẽ, xây dựng kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm. Chính quyền xã là trung tâm định hướng, liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm. Tiến tới xây dựng sản phẩm đặc trưng của xã theo chương trình OCOP.

Phát triển HTX kiểu mới thay cho hệ thống HTX hiện nay, đó là HTX tổ chức việc liên kết, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của xã.

Xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội): “Đòn bẩy” kinh tế từ chăn nuôi  - Ảnh 4.

Để nghề chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển mạnh hơn nữa, xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) mong nhận được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, KHKH... của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai.

Tranh thủ thực hiện kịp thời có hiệu quả các chính sách của Trung ương, thành phố, huyện đối với sản xuất nông nghiệp như đào tạo lao động kỹ thuật, triển khai mô hình khuyến nông, ưu đãi về lãi xuất tiền vay trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Tăng cường đào tạo cán bộ thú y, bảo vệ thực vật, nâng cao trình độ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng mạng lưới dịch vụ nhất là thú y trong xã đáp ứng với nhu cầu của nông dân.

Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường, điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Hội Chăn nuôi xã Cấn Hữu, người đã chuyển đổi 1,3ha đất nông nghiệp để thành lập trang trại chăn nuôi 100 con lợn nái, 500 con lợn thịt và hơn 40.000 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi năm, trang trại cho thu nhập gần 10 tỷ đồng cho biết, để xã Cấn Hữu có thể phát triển, nâng cao giá trị thu nhập trong nông nghiệp, trong thời gian tới xã rất cần sự hỗ trợ của trung ưng, thành phố và cấp huyện. Theo đó, Hội Chăn nuôi xã Cấn Hữu mong muốn Trung ương có chính sách bảo hộ sản phẩm nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách, cụ thể như thuế, lãi xuất tiền vay đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ giá sản xuất đầu vào để tránh tình trạng được mùa rớt giá. Có chính sách vĩ mô tránh việc cung vượt cầu. Quản lý chặt chẽ hàng rào thuế quan trong xuất nhập khẩu.

Đối với thành phố, tiếp tục hỗ trợ theo Quyết định 16 hỗ trợ xây dựng cứng hóa đường giao thông nội đồng. Hỗ trợ một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong chăn nuôi và thủy sản. Hỗ trợ thành lập các HTX chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ thực hiện các mô hình VietGAP, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thú y, hướng dẫn triển khai chương trình sản xuất sản phẩm an toàn thực phẩm tiến tới chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, xã mong muốn huyện quan tâm hơn nữa đối với xã Cấn Hữu thực hiện chính sách đối với phát triển nông nghiệp, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phê duyệt dự án cá nhân hộ, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại đối với hộ chăn nuôi, tiếp nhận các chương trình của thành phố đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đưa về xã Cấn Hữu, đặc biệt là chương trình cứng hóa đường giao thông nội đồng theo Quyết định 16. Hỗ trợ vật tư tiêu độc môi trường, các chương trình phòng bệnh cây trồng, vật nuôi.

Việt Tùng