"Công chúa Huawei" được trả tự do sau 1.028 ngày bị quản thúc, sẽ về đến Trung Quốc vào tối nay

25/09/2021 13:46 GMT+7
“Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã lên chuyến bay đặc biệt Air China 777 khởi hành từ sân bay Quốc tế Vancouver (Canada) vào 16 giờ 29 phút ngày 24/9 (giờ địa phương) để trở về Trung Quốc.

Sau gần 3 năm bị quản thúc tại Canada, bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei đã lên máy bay về nước hôm 24/9 nhờ đạt được một thỏa thuận hoãn truy tố với các công tố viên ở Brooklyn, New York, Mỹ. Cụ thể, một thẩm phán Mỹ đã chấp nhận hoãn truy tố sau khi bà Mạnh dù không nhận tội nhưng thừa nhận “trách nhiệm về vai trò chính của bản thân trong việc thực hiện một âm mưu lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu” để không bị dẫn độ về Mỹ. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt vào ngày 1/12/2022. Nếu từ nay tới thời điểm đó, bà Mạnh Vãn Châu không có thêm hành vi phạm tội hoặc hành vi có nguy cơ bị truy tố nào, các cáo trạng sẽ bị hủy bỏ.

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt vào tháng 12/2018 tại sân bay Vancouver khi Chính phủ Mỹ cáo buộc bà này lừa dối hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính về mối quan hệ của Huawei với Skycom, qua đó vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran. Để đáp trả, phía Trung Quốc sau đó cũng bắt giữ hai công dân Canada trong cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia, buộc tội gián điệp.

Trong 1.028 ngày bị quản thúc tại Canada, "công chúa Huawei" được tại ngoại nhưng phải đeo thiết bị định vị 24/24 giờ. Bà Mạnh có thể tự do di chuyển trong phạm vi gần 260 km2 của Vancouver, nhưng phải về nhà trước 23 giờ tối đến 6 giờ sáng. Bà phải chịu sự giám sát 24 giờ của công ty an ninh tư nhân Lions Gate. Công việc của Lions Gate là đảm bảo bà Mạnh không vi phạm các điều kiện bảo lãnh. Bà Mạnh phải trả một hóa đơn khổng lồ để trả cho lực lượng theo dõi này, bao gồm 2 lính canh và một tài xế.

"Công chúa Huawei" được trả tự do sau 1.028 ngày bị quản thúc, sẽ về đến Trung Quốc vào tối nay - Ảnh 1.

"Công chúa Huawei" được trả tự do, sẽ về đến Trung Quốc vào tối nay (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận mới nhất với công tố viên Mỹ không chỉ giúp bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do sau hơn 1.000 ngày bị quản thúc để đặt chân về nước, mà còn đổi lại việc Trung Quốc thả hai công dân Canada đang bị giam giữ là Michael Kovrig and Michael Spavor.

Dự kiến chuyến bay chở bà Mạnh Vãn Châu sẽ hạ cánh xuống sân bay Thâm Quyến (nơi có trụ sở chính của Huawei) vào 19 giờ ngày 25/9 (giờ Trung Quốc). Theo các nguồn tin quốc tế, khoảng 1 tiếng sau khi chiếc máy bay chở bà Mạnh Vãn Châu khởi hành về nước, một chiếc máy bay khác chở theo 2 công dân Canada đã cất cánh rời Trung Quốc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho hay hai công dân nước này đang trên đường về nước.

Phía Huawei hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Một luật sư đại diện của bà Mạnh Vãn Châu thì cho hay ông “hài lòng” với thỏa thuận này. “Cô ấy đã không nhận tội và chúng tôi hoàn toàn mong đợi bản cáo trạng sẽ được bác bỏ sau 14 tháng nữa” - luật sư William W. Taylor III cho hay. “Giờ đây, cô ấy sẽ được trả tự do và về với gia đình”.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 2 năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Vào tháng 5/2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei cùng hàng loạt chi nhánh của nó trên toàn cầu vào danh sách đen kèm theo lệnh hạn chế thương mại. Điều này buộc các đối tác ở Mỹ ngừng cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Huawei, qua đó chặn đứng chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng của hãng. Huawei sau đó đã buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp ngoài Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng chỉ ít lâu sau, Washington tiếp tục bịt các lỗ hổng trong lệnh hạn chế thương mại bằng một sắc lệnh tiếp theo buộc mọi nhà cung cấp nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei. Sắc lệnh này gần như chặn đứng hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu của Huawei.

Đến thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách mạnh tay với Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Huawei. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng cho biết không có lý do gì để loại bỏ các công ty Trung Quốc như Huawei ra khỏi danh sách đen thương mại. Chính Huawei cũng từng dự đoán rằng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ là một "chiến dịch dài hạn".

Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asian Review, Huawei đã và đang săn lùng vô số nhân tài, từ những kỹ sư chip ở Munich, nhà phát triển phần mềm ở Istanbul cho đến chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Canada. Đó là chưa kể tới đội ngũ nhân tài hùng hậu hiện tại ở các cơ sở trong và ngoài nước của hãng. Với việc tăng cường tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có thể thấy Huawei đang quyết tâm tìm ra một con đường mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh tập đoàn này bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.


NTTD
Cùng chuyên mục