Trước khi lao đao, Huawei từng "làm mưa làm gió" ra sao?
Trước khi lao đao, Huawei từng "làm mưa làm gió" ra sao?
Huỳnh Dũng
Thứ năm, ngày 16/09/2021 08:39 AM (GMT+7)
Hiện tại rất khó để biết câu chuyện số phận Huawei sẽ ra sao trong tương lai, sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt khiến thương hiệu này tơi tả. Trước mắt, tất cả vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, đằng sau sự “thất sủng” này còn có cả hàng loạt câu chuyện thú vị về bài học cống hiến của Huawei đáng để nghiền ngẫm.
Ngày nay, khi nhắc tới Huawei, người ta nghĩ ngay tới trận địa thương mại căng thẳng của công ty này với Mỹ, khi vào tháng 5/2019, Chính quyền tổng thống Donald Trump chính thức bổ sung Huawei cùng 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia vào danh sách đen thương mại "Entity List" của Mỹ, đồng nghĩa với việc cấm công ty này mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ.
Đến tháng 6/2020, Huawei đã chính thức vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới. Tuy nhiên, mãi cho đến khi lệnh cấm năm 2019 dần ngấm sâu, phát huy hiệu lực thì đến 4/2021, Huawei đã không còn trong top 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Cục diện kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm, thị phần, thị trường của công ty đều bị thay đổi hoàn toàn. Mãi tới thời điểm hiện tại, chưa ai có thể khẳng định lệnh cấm của Mỹ khi nào được chấm dứt, Huawei có thể tự do trở lại trạng thái ban đầu.
Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của Huawei không đồng nghĩa với việc thương hiệu này không hay, không có gì để lại. Ở đây chính là những chiến lược phát triển công nghệ sáng giá, đầy giá trị mà các công ty, thương hiệu khác có thể học hỏi.
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là vũ khí chiến đấu; sớm nhanh chóng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)
Trong chặng đường phát triển của mình, Huawei đã tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), cung cấp kết nối mạng đến hơn 3 tỷ người tại 170 quốc gia trên toàn thế giới, phủ sóng của Huawei còn ở cả các khu vực hiểm trở như sa mạc Sahara, rừng mưa Nam Mỹ, Bắc Cực, đỉnh Everest để giúp làm nên một thế giới được kết nối thông suốt, dễ dàng, không bị cản trở bởi ngăn cách địa lý.
Tuy nhiên, để được được thành tựu này, Huawei đã sớm nhanh chóng, đầu tư vào hạng mục nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Thương hiệu cho rằng, hạng mục này chính là sức mạnh cốt lõi trong chuỗi giá trị của Huawei, nó phải luôn được đặt trong chiến lược dài hạn, cùng với độ quyết tâm cao từ phía ban lãnh đạo cho đến đội ngũ nhân viên của công ty.
Bởi xuất phát điểm là công ty công nghệ nhỏ bé tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, với số vốn khởi nghiệp 3.300 USD, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hiểu rõ "đường sống" duy nhất của Huawei là tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) và ông khẳng định rằng, đó phải luôn là nguồn sức mạnh cho toàn bộ chuỗi giá trị Huawei.
Nói có sách, mách có chứng, để minh chứng cho điều này, Huawei đã đầu tư hơn 10% doanh thu, khoảng 15-20 tỷ USD vào mảng R&D hàng năm, và nhanh chóng đã trở thành top 5 công ty trên thế giới chi mạnh cho hạng mục R&D, theo bảng xếp hạng của khu vực Liên minh Châu Âu (EU).
Không chỉ dừng tại đó, công ty còn mạnh tay xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nhiều quốc gia gồm 14 trung tâm R&D, 36 trung tâm đổi mới sáng tạo chung, và 45 trung tâm đào tạo. Tất cả các quy mô này quy tụ tới hơn 96.000 nhân viên phục vụ trong mảng R&D, chiếm tương đương 45% tổng nhân viên làm việc.
Tính tới năm 2020, mức đầu tư cho hạng mục R&D của công ty là 21,8 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng doanh thu của công ty, và con số dự kiến sẽ tăng đến 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Như vậy, có thể thấy Huawei đã biết cách tập trung cho hạng mục R&D, vừa về mặt tiền bạc, chiến lược cũng như mục tiêu lâu dài, với mong muốn giúp công ty sẽ nhanh chóng bắt kịp những tiến bộ, tạo ra các sản phẩm công nghệ đặc biệt cho ngành ICT thế giới.
Thành tựu "trái ngọt" với hơn 87.805 bằng sáng chế sở hữu toàn cầu
Đến tháng 6/2019, "Gã khổng lồ công nghệ" của Trung Quốc Huawei cho biết tính tới cuối năm 2018, tập đoàn này đã sở hữu tổng cộng 87.805 bằng sáng chế trên toàn thế giới, trong đó có 11.152 bằng sáng chế do chính quyền Mỹ cấp. Kết quả này tiếp tục là những điểm sáng cho thấy Huawei là một công ty tích cực đổi mới sáng tạo. Điển hình là công ty đã lọt bảng xếp hạng 6 trong 10 công ty sáng tạo nhất châu Á theo đánh giá của BCG vào tháng 6/2020.
Còn với công nghệ mạng 5G thế hệ mới, Huawei nắm 20% tổng số bằng sáng chế trên thế giới, gắn liền với những cải tiến, ứng dụng quan trọng cho điện thoại di động và các nhà khai thác viễn thông.
Ngoài ra, Huawei còn giữ vai trò tiên phong và bắt tay với đối thủ để xác lập những tiêu chuẩn mới của ngành ICT, như cùng Qualcomm xây dựng nền tảng tiêu chuẩn M2M, thành lập Liên minh công nghiệp Mạng quang 2020 cùng Nokia, Infinera, hay Liên minh ô tô 5G cùng Audi, BMW...
Sách trắng về An ninh mạng của Huawei: Bảo bối song hành cùng với phát triển công nghệ
Một khi thương hiệu nào đó tăng tốc và đạt thành tựu lớn về công nghệ, chắc chắn một bài toán khác đặt ngay ra với họ đó chính là câu chuyện bảo mật an ninh mạng, quyền riêng tư dữ liệu…Và để trụ vững được thế quyền trượng công nghệ gầy dựng được, Huawei cũng không ngoại lệ khi cho rằng, bảo mật cũng chính là giá trị cốt lõi song hành, là vấn đề cũng phải được ưu tiên hàng đầu. Nhận thức được điều này, Huawei đã đưa ra lời giải quan trọng cho các tiêu chuẩn bảo mật chung.
Ông Nhậm Chính Phi đã đề bút trong Sách trắng về An ninh mạng của Huawei như sau: "Trong thế giới của hai số 0 và 1, chúng tôi hiểu an toàn là tiền đề và cơ sở của mọi điều. Huawei xem an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân là ưu tiên cao nhất. An ninh mạng in sâu vào mọi phương diện của Huawei từ quản lý, kiểm toán, quy trình, chính sách, sản phẩm đến hệ thống đảm bảo an ninh mạng toàn cầu đầu cuối".
Sách trắng khẳng định Huawei coi việc "mang kỹ thuật số an toàn đến với mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức, để cùng xây dựng một thế giới thông minh, được kết nối trọn vẹn" là tầm nhìn và sứ mệnh an ninh mạng, đồng thời hy vọng hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các ngành công nghiệp, giới học thuật, tổ chức tiêu chuẩn công nghiệp và các quốc gia khác trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu, chấp nhận thách thức, và cùng nhau thiết lập một môi trường hợp tác lành mạnh, cùng có lợi và cạnh tranh công bằng.
Ở đây, Huawei áp dụng cách tích hợp các yêu cầu bảo mật trong quy trình kinh doanh, biến bảo mật thành một phần cốt lõi trong mọi chặn đường phát triển công nghệ. Theo quan điểm của công ty, việc đảm bảo an ninh mạng và quyền riêng tư không chỉ được thực hiện, tuân thủ bởi các nhân viên an ninh chuyên trách, mà mỗi bộ phận, mỗi nhân nhân viên công ty đều được thấm sâu các vấn đề an ninh mạng trong quy trình làm việc của mình.
Minh chứng đầu tiên trong câu chuyện này, trong hạng mục IPD (Phát triển sản phẩm tích hợp), Huawei đã tập trung vào các hoạt động như thiết kế bảo mật, chống cấy ghép, giả mạo và đảm bảo tính nhất quán của sản phẩm. Hay cả trong quy trình chuỗi cung ứng sản phẩm Supply Chain, Huawei luôn đảm bảo nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tích hợp yêu cầu bảo mật mạng cho nhà cung cấp.
Ngoài ra, Huawei cũng tích cực xây dựng các nhóm nghiên cứu bảo mật tại 7 trung tâm R&D, tập trung vào khả năng kỹ thuật bảo mật, nghiên cứu công nghệ như phát triển các công cụ thiết kế bảo mật bán tự động SecDesign, nền tảng đám mây kiểm tra bảo mật, bảo mật 5G và mã hoá lượng tử.
Trong giai đoạn hiện tại và những năm về sau, Huawei tuyên bố sẽ càng nỗ lực hơn nữa vì các tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu, bằng việc tích cực xây dựng các giải pháp cho 3GPP, IETF và hợp tác chặt chẽ với các đối tác cung cấp giải pháp an ninh. Cho đến năm 2024, Huawei dự tính đầu tư ít nhất 2 tỷ USD vào lĩnh vực an ninh mạng để tăng cường hơn nữa tính bảo mật cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.