dd/mm/yyyy

Công tử miền Tây bỏ chơi “xế hộp”, xuất khẩu thanh long

Cha mất, chàng trai 8X Lê Thanh Nhân (sinh năm 1985) quyết định gác lại thú chơi “xế hộp” xa hoa của giới công tử con nhà giàu để tập trung chí thú làm ăn. Nhờ ham học hỏi và một chút quyết đoán, chàng trai 8X đã “mày mò” tiếp thị và xuất khẩu thành công trái thanh long vùng đất Long An ra hàng chục nước trên thế giới.

Với vẻ bề ngoài khá điển trai, lối nói chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút, chàng trai 8X Lê Thanh Nhân - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu VINAGRIN (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) khiến nhiều người đối diện có cảm tưởng rằng đây là mẫu công tử “ngậm thìa vàng” từ bé, ít ai biết quá trình khởi nghiệp của chàng trai này cũng đầy chông gai.

Lê Thanh Nhân đang xem xét các sản phẩm thanh long trước khi xuất khẩu.
Lê Thanh Nhân đang xem xét các sản phẩm thanh long trước khi xuất khẩu.

Biến cố cuộc đời

Xuất thân từ gia đình có vựa thu gom trái cây khá lớn, từ nhỏ Lê Thanh Nhân đã “vô ưu, vô lo” khi tất cả những vấn đề kinh doanh trong nhà đã có cha lo hết. Thế nên, sau khi tốt nghiệp THPT, cuộc sống của chàng trai 8X là những buổi ăn chơi, đàn đúm và theo đuổi sở thích của mình - tậu xế hộp - mặc kệ những người bạn đồng lứa đang miệt mài trên giảng đường đại học. Thậm chí, chàng công tử 8X còn bỏ qua lời khuyên của cha mình “phải lo học hành mà kế nghiệp, lỡ đâu... Cha mẹ không lo cho con cả đời được”.

Đùng một cái, người cha đang “gánh” cả gia đình và sự nghiệp ấy bất ngờ ra đi ở cái tuổi còn khá trẻ đã khiến Nhân hụt hẫng và hối hận.

“Lúc đó em 25 tuổi, chẳng phải lo gì thì bỗng nhiên cha mất. Nỗi buồn và gánh nặng sự nghiệp mà cha để lại khiến em chợt nghĩ lại: “Sao mình phí hoài tuổi xuân như thế? Giờ mình phải làm gì để ít nhất cũng giữ lại được sự nghiệp của cha và san sẻ với nỗi lo của mẹ?” - Nhân nhớ lại.

25 tuổi, không bằng đại học, một chữ tiếng Anh “bẻ đôi” không biết, thậm chí cách tính thuế đơn giản nhất chàng trai này cũng... mù tịt. Vậy là, để có kiến thức điều hành và phát triển sự nghiệp người cha để lại, Lê Thanh Nhân quyết định đăng ký theo học các khóa ngắn hạn về kinh tế, kinh doanh và... mơ về một... “doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tầm cỡ”.

“Nghe có vẻ viễn vông quá anh nhỉ”, Nhân cười nói. Hóa ra, ước mơ này của chàng trai được ấp ủ khi lần đầu tiên anh làm một chuyện cũng hơi... quá sức: Dù không biết một chữ tiếng Anh nào, thế nhưng anh vẫn mày mò từ điển, thậm chí còn nhờ…Google dịch vài dòng tiếng Anh không đầu không đuôi để giới thiệu về sản phẩm trái thanh long quê mình và đăng tải trên trang mạng Alibaba. Gần 1 tuần sau, khách hàng đầu tiên người Indonesia đã chủ động liên hệ và bay sang Việt Nam xem hàng, đặt vấn đề về đơn hàng đầu tiên.

Để hợp thức hóa việc kinh doanh, tiện lợi làm các hợp đồng xuất khẩu, bên cạnh việc theo học cấp tốc các lớp tiếng Anh, Nhân cũng xúc tiến thành lập Công ty TNHH XNK VINAGRIN (năm 2009) trên cơ sở vựa trái cây của gia đình. Lúc này, khó khăn lại đến khi để liên kết với nông dân cung ứng sản phẩm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu được, công ty phải chứng minh được nguồn lực tài chính của mình.

“Tôi đã tìm đến Agribank trình bày kế hoạch, định hướng kinh doanh, các anh chị bên ngân hàng đã hiểu, giúp đỡ xây dựng đề án và vay tiền. Thế nên công việc của mình mới trôi chảy là thế”, Nhân kể.

Có lẽ, bởi xuất phát điểm thấp về kiến thức, kinh nghiệm nên không ít lần chàng trai 8X nếm “quả đắng” khi bị khách hàng nước ngoài... xù tiền. Đó là lần đầu Nhân xuất khẩu mặt hàng thanh long đi thị trường Ấn Độ, do không nắm chắc về các phương thức thanh toán nên dù đã đặt hàng rồi nhưng khách hàng không thanh toán khiến cho doanh nghiệp bị tổn thất lô hàng gần 30.000 USD. Một lần khác, công ty cũng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và cũng bị khách hàng nhập nhằng khoản nợ hơn 28.000 USD đến nay vẫn chưa thanh toán...

Ông chủ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long triệu đô

Khởi nghiệp khó khăn là thế, cùng với những lần gặp khó khăn khi bị khách hàng xù tiền đã khiến chàng trai 8X Lê Thanh Nhân giờ đây càng thêm chững chạc, điền đạm; hơn nữa kiến thức và kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản lại cực kỳ bài bản dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có... bằng đại học. Nhân bảo, học các khóa ngắn hạn, rồi kinh nghiệm thực tế trong xuất khẩu gần chục năm nay nên kiến thức cũng tạm đủ rồi.

Lê Thanh Nhân trao đổi với đối tác.
Lê Thanh Nhân trao đổi với đối tác.

“Kinh nghiệm từ những lần bị xù tiền, bị khách hàng tìm cách trừ nợ... khiến mình cũng khôn ra. Hiện tại, với khách hàng quen thuộc cả chục năm nay thì tôi cho nợ 100%, khách hàng mới thì chỉ cho nợ khoảng 30% giá trị hợp đồng và thanh toán hết trong vòng 10 ngày sau khi nhận hàng. Mình cứ ký hợp đồng, nhận trước 30% tiền cọc thì khách hàng rất ít khi bỏ hàng”, Nhân kể kinh nghiệm xương máu.

Tuy nhiên, để cho khách hàng ít khi “bẻ kèo” hay tìm cách trừ tiền vì hàng không đạt chất lượng, bên cạnh việc thu mua sản phẩm chất lượng ở các địa phương lân cận, Thanh Nhân còn đầu tư phát triển vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP để chủ động về nguồn hàng xuất khẩu và quan trọng hơn là kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo chu trình khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chàng trai này còn chủ động đầu tư xây dựng nhà xưởng đóng gói và kho lạnh quy mô khá lớn (khoảng 25 tỷ đồng) để bảo đảm các sản phẩm cung ứng tươi ngon, đạt chuẩn trong xuất khẩu. Đặc biệt, để nông dân trồng thanh long canh tác đúng tiêu chuẩn, chất lượng, chàng trai 8X cam kết sẽ thanh toán đúng hạn cho người nông dân.

Hiện tại, mỗi tháng doanh nghiệp của chàng trai 8X này xuất khẩu khoảng 30 container hanh long (khoảng 600 tấn) ra các thị trường như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hồng Kông, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,...mang về mức doanh thu bình quân từ 4 - 5 triệu USD/năm. Riêng thị trường trong nước, chàng trai này cũng cung ứng khoảng 5% (khoảng 30 tấn) cho thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành phố lớn. Bên cạnh đó, Nhân cũng đang mở rộng thu gom ớt, dừa, sầu riêng... từ địa bàn tỉnh Long An và các tỉnh thành lân cận để mở rộng thêm các đơn hàng xuất khẩu.

Bài, ảnh: Quốc Hải