Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 1.

Người viết từng có dịp tâm sự với huấn luyện viên (HLV) Vương Tiến Dũng – người dẫn dắt thế hệ Hồng Sơn, Đức Thắng, Quang Hà, Trương Việt Hoàng… lên ngôi vô địch quốc gia năm 1998. Ông kể những năm đỉnh cao thế hệ Thể Công 1970-1978, đi đến đâu đội bóng cũng nhận được vô vàn tình cảm từ người dân. Sân Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), sân Nhổn… vốn không có khán đài, khi thi đấu cũng không thông báo gì nhưng đôi khi vẫn bị biến thành sân hình… bầu dục, do dân làng đến đông quá, lấn dần vào sân để được gần các cầu thủ mình yêu thích. Thời gian qua đi, lúc này, Trương Việt Hoàng trong vai trò HLV đang cùng các "hậu duệ" 9x: Tiến Dũng, Hoàng Đức, Đức Chiến, Trọng Đại, Văn Hào… tìm lại ánh hào quang, niềm tin yêu ngày nào!

22 năm sau kể từ ngày cùng Thể Công lên ngôi vô địch quốc gia năm 1998, anh đã dẫn dắt Viettel vô địch V.League 2020 – thành tích như mơ?

- Đúng là khó có thể tưởng tượng được Viettel trong mùa thứ 2 chơi ở V.League lại có thể đăng quang. Khi về Viettel, lãnh đạo chỉ giao nhiệm vụ trong tốp 5. Như vậy mà cũng rất khó khăn và thực tế chúng tôi đá 6 trận đầu mùa chỉ được 8 điểm, đặc biệt toàn hòa và thua trên sân nhà Hàng Đẫy nên rất buồn, lo lắng.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 3.

Thời gian đó, đá xong tôi không về nhà mà cùng cầu thủ trở lại luôn Trung tâm huấn luyện thể thao Viettel. Vợ tôi (vận động viên bắn súng Nguyễn Thị Lệ Quyên – PV) cũng là dân thể thao nên hiểu, thông cảm và gọi điện chia sẻ: "Thua keo này ta bày keo khác thôi anh". Trong tình thế khó khăn, mình là thầy càng phải sát cánh, chia sẻ cùng các học trò, cùng nhau tìm cách tháo gỡ để chơi tốt hơn chứ về nhà nghỉ riêng sao đành!

Giờ nghĩ lại, tôi cho rằng đó là khoảng thời gian "căng" nhất ở V.League 2020. Hết giai đoạn 1, Viettel có thứ hạng tốt và lãnh đạo tiếp tục giao nhiệm vụ vào tốp 3, chúng tôi càng áp lực và chỉ biết hứa sẽ giành thành tích tốt nhất.

Bước ngoặt ở giai đoạn 2 chính là trận hòa đối thủ cạnh tranh trực tiếp Hà Nội FC 0-0 ở vòng 5, qua đó giữ ngôi đầu bảng với khoảng cách 2 điểm so với họ. Khi có quyền tự quyết, chúng tôi đã nắm bắt tốt và hoàn thành nhiệm vụ vô địch V.League 2020. Đó là kết quả tuyệt vời, rất đáng mừng, như một giấc mơ có thật!

Nhưng xem Viettel đá vẫn chưa sướng! Thể Công trước đây, cụ thể là thế hệ các anh thường thắng giòn giã, làm nức lòng cổ động viên. Còn Viettel tại V.League 2020 đa phần chỉ thắng 1-0. Bản thân anh từng phát biểu khá "lạ" thắng 1-0 còn thích hơn thắng 4-1, 4-2, vì sao vậy?

- Ý tôi là đặt hiệu quả lên trên hết. Hồi đầu mùa, Viettel đã cố gắng chơi đẹp nhưng không giành được kết quả tốt. Thầy trò ngồi lại cùng nhau, phân tích, tìm ra điểm chưa làm được và nguyên nhân tại sao?

Tôi nói: "Tôi và các bạn đều muốn trở lại như Thể Công. Nhưng khi đá thế, chúng ta không có được thành quả nên phải chơi an toàn trước. Khi đạt thành tích, chúng ta sẽ xoay dần, điều chỉnh dần. Thực tế những trận cuối mùa, Viettel đã chơi nhuần nhuyễn, đẹp mắt hơn trong từng pha dàn xếp tấn công.

Phải nói thêm rằng để đá được theo cách Thể Công xưa rất khó. Bóng đá bây giờ thay đổi nhiều, khoa học hơn. Ở V.League có nhiều ngoại binh thi đấu chứ không toàn nội binh như trước. Cầu thủ nội hiện nay cũng có thể hình, thể lực tốt hơn, họ không chỉ trưởng thành từ một "lò" đào tạo mà đến từ nhiều địa phương khác nhau. Việc tập hợp, "hội tụ" tất cả trong lối chơi chung là một bài toán khó đối với mọi HLV.

Vậy anh có hài lòng với "chất lính" trong lối chơi của Viettel?

- Tôi thấy các cầu thủ Viettel đã thể hiện rõ chất lính! Cuối mùa giải vừa qua, có những trận vô cùng khó khăn, tỷ số rất mong manh và các em đã thực sự lăn xả, "chiến đấu".

Các cổ động viên, khán giả chỉ thấy hình ảnh đẹp, "lành lặn" của các em trên sân, chứ khi "ánh đèn sân cỏ" tắt đi, về khách sạn thầy trò cùng nhau đi ăn, hầu hết cầu thủ đều bầm dập hết, băng bó khắp người, bước chân tập tễnh đau đớn.

Nghĩa là việc "đổ máu" để giành chiến thắng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, ngày nay các bạn đã biết giữ cho nhau nhiều hơn, không như thời chúng tôi. Chỉ những pha "không chiến" hay va chạm với nhau ở vùng mắt, đầu là dễ chảy máu, do không may thôi.

Sau thành công ở V.League 2020, chúng tôi xác định mùa giải tới sẽ còn nặng nề hơn. Viettel sẽ thi đấu AFC Champions League và phải giữ cho được hình ảnh bóng đá Việt Nam nói chung và truyền thống Thể Công nói riêng trên đấu trường quốc tế.

Với quân số cũ chinh chiến ở mùa giải 2020 cộng thêm sự bổ sung của chân sút Brazil Pedro (vua phá lưới V.League 2020 trong màu áo Sài Gòn FC) tôi nghĩ là tạm ổn. Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm 1 cầu thủ quốc tịch châu Á có thể đá tốt ở vị trí trung vệ, tiền vệ phòng ngự để đảm bảo lực lượng thi đấu trên nhiều mặt trận.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 4.

Không phải ngẫu nhiên những cầu thủ tài hoa thường được người hâm mộ yêu mến gọi là "nghệ sĩ sân cỏ". Họ có thể ghi rất nhiều bàn thắng trong sự nghiệp nhưng khi nhắc đến họ, đôi khi tất cả chỉ nhớ đến 1 khoảnh khắc kỳ diệu cho thấy cá tính, ý chí, sự rèn giũa cả chục năm trời. Với Trương Việt Hoàng, người ta không thể quên Hoàng "bộp" với cú dứt điểm sấm sét "cháy lưới" Thái Lan trong chiến thắng thuyết phục 3-0 cho Việt Nam tại bán kết Tiger Cup 1998. Pha lập công ấy có thể coi là bàn thắng cuộc đời của Trương Việt Hoàng, mở ra tương lai xán lạn cho bản thân anh. Và quan trọng hơn cả, nó mang tới niềm vui cho cha anh – người mới bước ra khỏi cánh cửa tạm giam trong quá trình điều tra vì có liên quan tới vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 5.

Một câu hỏi vui, nếu có trận đấu giữa Thể Công 1998 và Viettel 2020, anh nghĩ đội nào thắng?

- Chắc chắn đây sẽ là một trận đấu đẹp, cống hiến với nhiều pha đôi công mãn nhãn. Bóng đá tấn công, hình ảnh "Cơn lốc đỏ" là triết lý mà không chỉ tôi mà lớp lớp thế hệ cầu thủ Thể Công vẫn đang hướng tới. Nhưng để đạt được cần có thời gian.

Lứa cầu thủ hiện nay có nhiều ưu thế hơn chúng tôi. Các bạn ấy có ngoại binh chất lượng trong đội hình. Thể hình, thể lực của Viettel 2020 cũng tốt hơn Thể Công 1998. Thêm nữa, Viettel 2020 được tập luyện, trưởng thành ở Trung tâm Viettel có cơ sở vật chất tốt, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, được áp dụng những bài tập khoa học hơn thế hệ chúng tôi. Tôi nghĩ Viettel 2020 sẽ thắng.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 6.

Thời các anh mọi thứ đều khó khăn kể từ điều kiện dinh dưỡng tới sân bãi, dụng cụ tập luyện… nhưng vẫn có rất nhiều trẻ em xuất thân từ những con phố cổ Hà Nội chọn bóng đá làm sự nghiệp của mình. Vậy mà hiện nay đa phần chỉ có con em nông dân ở các vùng nông thôn được cha mẹ cho đi đá bóng…

- Tôi nghĩ  lựa chọn của các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn có cái lý của nó. Bóng đá là môn đào thải rất khốc liệt. Ngoài tài năng, một cầu thủ cần có đủ đam mê, nghị lực cộng với may mắn mới có cơ hội chơi bóng chuyên nghiệp trước khi nghĩ tới ngày vinh dự được khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Đó là chưa kể đến yếu tố bền vững khi tuổi đời cầu thủ rất ngắn với nỗi ám ảnh chấn thương có thể "mất nghề" bất kỳ lúc nào. Vậy nên ở Hà Nội, TP.HCM… các bậc phụ huynh thường hướng con mình học văn hóa, sau làm các nghề khác bền vững hơn. Còn bóng đá đơn thuần chỉ là môn chơi rèn luyện sức khỏe.

Thời của chúng tôi thì khác. Trong hoành cảnh đất nước còn khó khăn chung, chơi bóng đá như một cách chứng tỏ giá trị bản thân, gia đình. Việc con mình được tuyển vào Thể Công chẳng khác gì đỗ Đại học.

Tôi vẫn nhớ năm tôi 13-14 tuổi được cha mẹ đưa đi tuyển sinh vào Thể Công có tới hơn 1 nghìn thí sinh. Mỗi "cầu thủ nhí" chúng tôi lại có người thân đi kèm chăm sóc, động viên, mong ngóng, chờ đợi con cháu mình hoàn thành tốt bài kiểm tra, không khí vô cùng rộn ràng, háo hức.

Thể Công với truyền thống của mình có tiếng vang khắp cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Đợt tuyển sinh năm đó chỉ có khoảng 23-24 người được chọn. Cùng với tôi có Đức Thắng, Quang Hà, Minh Tiến… Tất cả đều tự hào, vinh dự lắm bởi có cơ hội noi gương "thần tượng" là chú Thế Anh (Ba Đẻn) cơ mà!

Tóm lại, bóng đá với chúng tôi, gia đình chúng tôi thời điểm đó đơn thuần là đam mê, là vinh dự, tự hào nếu có cơ hội khoác áo Thể Công thi đấu.

Lúc này, bóng đá Việt Nam cũng đang có những đội bóng tốt, có bản sắc được nhiều em nhỏ yêu quý như Hà Nội FC, Viettel, HAGL. Đặc biệt, cảm hứng, tình yêu bóng đá càng lớn hơn sau thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc).

Tôi tin trong tương lai khi chúng ta làm bóng đá thật chuyên nghiệp, đầu tư nhiều vào các đội trẻ từ U11 trở lên, nhiều đội bóng tạo dựng được thương hiệu, niềm tin như Thể Công xưa kia thì sẽ có nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn chọn bóng đá làm nghề nghiệp cho con mình. Con trai tôi lúc này cũng đang tập U13 Viettel. Tôi cũng rất mong con có thể nối nghiệp nhưng làm được hay không còn tùy thuộc vào năng lực, sự cố gắng của cháu.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 7.

Nhìn lại sự nghiệp cầu thủ, đâu là bước ngoặt đáng nhớ nhất cũng như sự nuối tiếc lớn nhất đối với anh?

- Có lẽ mọi thứ tập trung vào năm 1998 khi tôi 23 tuổi. Trước khi thành công đến với tôi năm ấy, tôi cũng đã trải qua những tháng ngày khá mệt mỏi khi gia đình gặp chuyện buồn gắn với vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994.

Khi cha tôi gặp chuyện, mọi người trong gia đình đều rất buồn. Khoảng thời gian sau đó, bóng đá với tôi không chỉ là đam mê thuần túy như trước nữa. Tôi xác định phải "sống chết" với nghề, cố gắng trong từng buổi tập, chắt chiu mỗi cơ hội ra sân để khẳng định mình, theo nghề cho bằng được. Nhà có 2 chị em, tôi là con trai nếu không vững vàng, cố gắng thì mọi thứ còn buồn hơn.

Năm 1997, tôi ghi được bàn gỡ hòa, trước khi U22 Thể Công (thời điểm đó gọi là U22 CLB Quân Đội – PV) lội ngược dòng thắng U22 TP.HCM 2-1 để lên ngôi vô địch giải U22 Quốc gia (tiền thân giải U21 Quốc gia Báo Thanh Niên sau này). Cảm giác lúc đó rất xúc động, có thể nói là "vỡ òa" trên sân Hàng Đẫy chật kín khán giả.

Sang năm 1998, thành công tiếp tục đến với tôi khi góp phần cùng Thể Công vô địch quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Vương Tiến Dũng. Chuẩn bị cho Tiger Cup 1998, tôi được cố HLV A.Riedl gọi tập trung đội tuyển và có "bàn thắng tặng cha" vào lưới Thái Lan, đó là dấu ấn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi và mọi người biết đến tôi phần nhiều là nhờ bàn thắng đó.

Ngày ấy, cha tôi vừa được trả tự do về nhà đoàn tụ và tôi đã rất quyết tâm làm được điều gì đó đặc biệt. Chúng tôi tin sẽ thắng dù trước đó chúng ta cứ gặp Thái Lan là thua.

Bầu không khí sau trận thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết thật tuyệt vời và tôi sẽ khắc ghi mãi kỷ niệm đó.

Còn điều đáng tiếc nhất với tôi cũng chính là Tiger Cup 1998 đấy! Chúng tôi tưởng như đã sắp sửa chạm tới vinh quang, rồi lại vuột mất. Tôi cùng các đồng đội đều rất buồn. Sau này và tới tận bây giờ, thi thoảng tôi vẫn nghe thấy những điều tiếng xì xào về trận chung kết thua đối thủ bị đánh giá "dưới cơ" Singapore 0-1. Nhưng ai nói gì thì thôi, tôi thanh thản bởi lúc đó chúng tôi quá thiếu may mắn, đơn giản vậy thôi. Anh em đã làm hết sức, không có gì phải cấn cá!

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 8.

HLV Trương Việt Hoàng chắc chắn không phải là một nhân vật thú vị trong phòng họp báo. Anh kiệm lời, rất ít biểu cảm trên khuôn mặt, thản nhiên trước những câu hỏi dù "xoáy" đến mấy và đáp trả một cách "vô tư"; cũng như cách anh sẵn sàng "cắt vụn" trận đấu (lời HLV Hà Nội FC Chu Đình Nghiêm – PV) khi cần để đạt mục đích. Dường như sự sôi nổi, bùng nổ thời trẻ của anh đã được giấu hết vào bên trong sau những năm tháng thăng trầm, bươn chải trong sự nghiệp. Rời Thể Công để tới Bình Định, "treo giày" sau những năm tháng cống hiến cho đội bóng đất Võ, rồi tiếp theo học bằng HLV, đi qua các đội trẻ Hà Nội, "tu nghiệp" ở Hải Phòng quê vợ trước khi nâng Cúp vô địch V.League 2020  cùng Viettel. Với người mới gặp lần đầu, rất khó để tìm thấy nơi anh nụ cười hiền lành, chân chất đặc trưng của người con Thủ đô Hà Nội.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 9.

"Lỡ nhịp" năm 1998, phải mất tới 10 năm sau, đội tuyển Việt Nam mới có thể vô địch AFF Cup dưới thời HLV Calisto…

- Cuộc sống là vậy! Thành công mở ra động lực phát triển cho bóng đá Singapore và họ đã có thêm những danh hiệu vô địch AFF Cup 2004, 2007. Phải đến năm 2008, đội tuyển Việt Nam với lứa Công Vinh, Việt Thắng, Như Thành, Minh Phương, Vũ Phong, Quang Hải… mới có thể lần đầu vô địch AFF Cup. Và mất thêm đúng 10 năm nữa, thế hệ 9x tài năng hiện nay mới một lần nữa lên ngôi ở AFF Cup 2018.

Lứa cầu thủ dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Công Phượng, Văn Toàn, Hoàng Đức… đã mang về nhiều thành tích rất đáng tự hào cho Tổ quốc mà gần nhất làm tấm HCV SEA Games 2019. Đó là điều rất đáng mừng!

Bóng đá Việt Nam hiện nay có nhiều cầu thủ đầy tiềm năng, vượt qua lứa chúng tôi nhiều. Nhưng để biến hết tiềm năng thành khả năng trên sân thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò định hướng của người thầy, đặc biệt là nỗ lực tự thân của mỗi cầu thủ.

Vậy ai là người thầy có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới anh trong sự nghiệp cầu thủ và giờ là HLV?

- Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến chính là HLV Vương Tiến Dũng, người đã dìu dắt chúng tôi từ khi còn nhỏ cho tới danh hiệu vô địch quốc gia 1998. HLV Vương Tiến Dũng không chỉ là người thầy trên sân mà cả trong cuộc sống khi tôi có những khúc mắc cần tháo gỡ. Thầy ân cần hướng dẫn để chúng tôi trưởng thành hơn.

Khi lên đội tuyển, tôi được gặp thầy A.Riedl. Đó là một người thầy đáng kính, có chuyên môn giỏi mà tôi rất tôn trọng. Tiếc là thầy cũng như lứa cầu thủ chúng tôi, thiếu may mắn để giành Cúp vô địch Đông Nam Á cùng ĐT Việt Nam.

Với HLV Park Hang-seo, chỉ cần nhìn những gì ông cùng các học trò hiện nay làm được là biết trình độ HLV người Hàn Quốc ra sao. Tôi khâm phục HLV Park Hang-seo với những thành công ông mang về cho bóng đá Việt Nam.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 10.

Ở Viettel anh đã làm cách nào để "tập hợp" nhiều cá tính, từ các cầu thủ "lò" Viettel tới những điểm sáng đã thành danh tới từ SLNA, Quảng Ninh như thủ môn Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Hồ Khắc Ngọc, Vũ Minh Tuấn… và các ngoại binh Brazil?

- Khi tôi đến Viettel, những nhân tố có khả năng chuyên môn tốt đã được lãnh đạo tuyển chọn xong. Việc của tôi là tìm hiểu, giúp họ phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Tôi thường xuyên trò chuyện với cầu thủ để giúp họ định hướng, làm những gì tốt nhất cho đội bóng. Mình không chỉ là người thầy mà còn là "đàn anh" trong nghề, phải công bằng, làm gương trong mọi việc từ trên sân tập lẫn sinh hoạt đời thường, như vậy cầu thủ mới tâm phục khẩu phục.

Cựu danh thủ Thể Công Trương Việt Hoàng và hành trình tìm lại “Cơn lốc đỏ” - Ảnh 11.

Trong giai đoạn 2 V.League 2020, tôi đã quyết định để trung vệ Brazil Luiz trên băng ghế dự bị để dùng bộ đôi Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng. Ban đầu cậu ta rất buồn nhưng mình phải tìm cách động viên, giải thích cho cậu ta hiểu ở thời điểm quyết định, cầu thủ nào đang có phong độ tốt nhất sẽ được thi đấu. Luiz hiểu ra, sinh hoạt, tập luyện tốt và luôn sẵn sàng.

Nói chung, với những nội binh đến từ các địa phương khác, đặc biệt các ngoại binh, mình phải hiểu các bạn ấy đến từ đâu, đất nước nào, văn hóa ra sao để cùng thông cảm, giúp đỡ trong cuộc sống. Chỉ khi tâm lý ổn định, cầu thủ mới không cảm thấy trống vắng khi xa nhà, thoải mái, yên tâm cống hiến cho mục tiêu chung của toàn đội.

Đôi khi, tôi cũng kể lại những bài học, những nhọc nhằn trong quá khứ của cá nhân tôi và các đồng đội trên hành trình theo đuổi niềm đam mê, như một cách động viên các em trong điều kiện hiện tại vốn được ưu đãi hơn nhiều.

Câu hỏi cuối, mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở, anh thường nghĩ tới điều gì để tìm lại trạng thái cân bằng?

- Tôi chỉ nghĩ về gia đình thôi. Bố mẹ giờ đã già nên chỉ biết nói với mình "cố gắng lên". Người chia sẻ với tôi, cùng nhau tháo gỡ mọi khúc mắc trong công việc, chu toàn hai bên gia đình nội ngoại chính là vợ.

Trước khi về Viettel, tôi có nhiều năm dẫn dắt Hải Phòng. Nói là quê vợ nhưng đó là những tháng ngày vợ tôi vất vả nhất do gia đình tôi ở Hà Nội. Hầu như một tay vợ phải chăm sóc bố mẹ già, các con nhỏ đi học, nội trợ… Thi thoảng có thời gian rảnh cuối tuần mẹ con mới xuống Lạch Tray xem đội thi đấu chứ không được như bây giờ ở cạnh nhau, đỡ đần gia đình, bố mẹ nhiều hơn.

Nói không quá, vợ tôi cũng là một trong những người thầy có trái tim nồng ấm, giúp cho tôi có thể vững bước theo đuổi trái bóng tròn!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thân tình! Chúc anh cùng CLB bóng đá Viettel sớm tìm lại được hình ảnh "Cơn lốc đỏ" Thể Công!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem