dd/mm/yyyy

Điện Biên: Đào tạo nghề, không chạy theo bệnh thành tích

Toàn tỉnh Điện Biên có 12 đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần sát với cuộc sống và nhu cầu tìm kiếm việc làm. Các đơn vị đào tạo nghề, đã chú trọng đến chất lượng, để sau khi được đào tạo, lao động có thể tự sản xuất hoặc có cơ hội kiếm việc làm.

Điện Biên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên chia sẻ: "Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp thiết thực nhằm giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo; các địa phương. Các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và gắn với nhu cầu thực tiễn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương".

Điện Biên: Đào tạo nghề, không chạy theo bệnh thành tích - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Điện Biên đã góp phần giúp nông dân có cơ hội tìm kiểm việc làm, tăng thu nhập gia đình. Ảnh Vinh Duy.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn thì việc đào tạo nghề tại Điện Biên không chạy theo bệnh thành tích, phải cố mở lớp cho bằng được. Vì thế Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị phải nghiên cứu nhu cầu việc làm của lao động từng huyện để xây dựng mở các lớp. Đáp ứng làm sao sau khi học viên tham gia các lớp đào tạo nghề có thể tự sản xuất tại gia đình hoặc đi làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Hiện tại nhiều học viên sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã tự mở hướng sản xuất, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, năm 2023, UBND huyện Tủa Chùa đã giao chỉ tiêu cụ thể về thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp và trình độ dưới 3 tháng trên địa bàn huyện là 774 người. Ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tổ chức 12 lớp với 414 học viên.. Đối tượng học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, các nghề đào tạo chủ yếu: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt... Để công tác dạy nghề phát huy hiệu quả, các lớp đào tạo nghề được tổ chức sao cho phù hợp với thực tiễn địa phương. Lớp học nghề được mở ngay tại thôn, bản và có giáo viên xuống trực tiếp để giảng dạy, đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực nghề cho người dân.

Điện Biên: Đào tạo nghề, không chạy theo bệnh thành tích - Ảnh 2.

Qua các lớp đào tạo nghề, các học viên đã có kiến thức, kỹ thuật để tự sản xuất, trồng trọt. Các lớp dạy nghề của các đơn vị mang "cần câu cơm" cho nông dân Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Tường thì cái thiếu của nông dân trên địa bàn huyện chính là kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi. "Họ vẫn làm theo cách cũ, vì thế không nâng cao hiệu quả kinh tế. Cũng là chăn nuôi dê, nhưng qua các lớp đào tạo, nông dân đã biết làm chuồng trại, nuôi nhốt dê. Trồng cỏ cho dê ăn, cho dê ăn thêm thức ăn khác để tăng trưởng nhanh, chống bệnh tật. Hay như nuôi gà đen Tủa Chùa, qua lớp đào tạo nghề đã biết làm chuồng trại, ấp gà, chăm sóc gà từ khi mới nở, cho ăn các loại thức ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng của gà, phòng chống dịch bệnh theo mùa cho gà..." ông Lê Sỹ Tường cho biết thêm.

Điện Biên bám vào nhu cầu của người dân để dạy nghề hiệu quả

Chúng tôi tới thăm lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho dê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa tổ chức ở bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa). Lớp đào tạo gồm 35 học viên, được học song song giữa lý thuyết và thực hành. Với phương pháp dạy cầm tay chỉ việc, cách giảng dạy gần gũi, dễ hiểu đã giúp học viên dễ tiếp thu kiến thức, mang lại hiệu quả rõ nét. Anh Vừ A Sùng, học viên lớp học cho biết: Tôi được học về kỹ thuật chăm sóc, cách nhận biết các bệnh thường gặp và phòng bệnh cho dê. Tôi rất vui bởi sau lớp đào tạo, tôi đã nắm được kiến thức và kĩ thuật cơ bản để chăm sóc cho đàn dê khỏe mạnh. Với những kiến thức đã được học, tôi sẽ đầu tư vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi dê của gia đình.

Bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện nhiều giải pháp, nhằm tạo việc làm và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nông thôn như: Tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về việc làm… Bên cạnh đó, Sở cũng đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động giữa đơn vị đào tạo với nhà tuyển dụng trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm đầy đủ thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học, sao cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Thông qua các lớp đào tạo, lao động đã biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Điện Biên: Đào tạo nghề, không chạy theo bệnh thành tích - Ảnh 3.

Lớp đào tạo nghề trồng nấm rơm của Trung tâm dậy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh Điện Biên) đã đáp ứng nhu cầu về kiến thức cho nông dân. Ảnh Vinh Duy.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, vận động lực lượng lao động trẻ tham gia học nghề để cải thiện sản xuất ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng đặc thù... có điều kiện tham gia học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, địa phương cần huy động các nguồn lực địa phương, liên doanh liên kết, nguồn lực của doanh nghiệp. Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; quan tâm tạo điều kiện cho người lao động khu vực nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định tại chỗ. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp... để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo cơ sở ổn định thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động.

Vinh Duy