Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 1.

Sáng qua, 1/11, tại Quốc hội, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo tờ trình, Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

11 chính sách mới, quan trọng của dự thảo luật đã được Phó thủ tướng báo cáo Quốc hội. Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội, Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.

Nhìn lại những năm gần đây, việc đền bù đất giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất chậm trễ. Nguyên nhân do người dân và Nhà nước chưa tìm được tiếng nói chung về đơn giá bồi thường tài sản khi thu hồi.

Đơn cử như 179 hộ dân thuộc tổ 3, 5, 6, 7, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường 25m từ khu Trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m Khu đô thị mới Việt Hưng. Theo người dân, giá đền bù rất thấp, chỉ bằng 20-25% giá thị trường, tùy từng vị trí khiến người dân bất bình. Điều này dẫn dến, những hộ dân tại phường Việt Hưng liên tục gửi đơn khiếu nại, khiến kiện tới các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua.

Trao đổi với PV tháng 10/2022, ông Nguyễn Văn Hiệp (tổ 5, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) là một trong những người bị thu hồi đất cho biết giá đất đền bù ông được thông báo chỉ có hơn 13 triệu đồng/m2, chỉ bằng khoảng 1/5 so với giá thị trường, điều này là vô cùng bất hợp lý.

Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 2.

"Mức giá đền bù như vậy là quá thiệt thòi với tôi. Nếu tôi chấp nhận mức đền bù này thì không thể nào tồn tại được. Vì với giá đền bù như vậy không biết mua đất ở đâu. Trong khi nếu nhận tiền đền bù xong địa phương cắt khẩu của chúng tôi thì không biết phải trông cậy vào ai vì lúc đó đã trở thành vô gia cư", ông Hiệp bức xúc chia sẻ.

Tương tự trường hợp của ông Hiệp, bà Nguyễn Thị Thơm (tổ 6, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) khẳng định, mức giá đền bù hiện nay quá thấp so với giá thị trường. Bà Thơm cũng cho rằng hiện nay có quy định bỏ khung giá đất theo Nghị quyết 18 nên mong các cơ quan chức năng xem xét lại mức giá đền bù hợp lý hơn.

"Nhà tôi có 196m2 đất thuộc diện giải tỏa để làm dự án đường 25m. Hiện tại, theo giá thị trường vị trí nhà tôi được xác định từ 70-80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo mức giá đền bù chỉ có 18,6 triệu đồng/m2. Tôi cũng chỉ có nguyện vọng các cơ quan có thẩm quyền xem lại mức giá đền bù để người dân như chúng tôi đỡ thiệt thòi chứ chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác tạo điều kiện để dự án con đường này hoàn thành thuận lợi", bà Thơm chia sẻ.

Bỏ khung giá đất: Đột phá khẩu trong Nghị quyết 18 về quản lý đất đai - Ảnh 2.

Nhà ông Dương Đức Hải chỉ được đền bù hơn 18 triệu đồng một m2, chỉ bằng 20% giá thị trường. Ảnh: Quang Thái

Về mức giá đền bù thấp, ông Dương Đức Hải (tổ 7, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) không đồng tình với cách tính giá bồi thường, đồng thời kiến nghị chính quyền cần xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt, nhất là trên phương diện tạo cơ chế an cư lạc nghiệp cho nhân dân để nhân dân yên tâm, tình nguyện di dời để dự án được thực hiện thuận lợi.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Kim Ánh, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) khẳng định công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân trên địa bàn phường thuộc diện thu hồi đất để làm dự án xây dựng tuyến đường 25m là rất khó khăn. Bởi giá đền bù theo quy định thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường khiến nhiều hộ dân bức xúc.

"Hiện nay phường Việt Hưng xác định giá đất thu hồi theo nhiều vị trí từ 1 đến 4 với các mức đền bù khác nhau. Có những vị trí mức đền bù quá thấp dẫn tới việc thu hồi đất ở của người dân họ không đủ kinh phí để mua đất hay thậm chí chung cư khác để sinh sống. Việc này dẫn tới người dân khó có thể chấp nhận để thu hồi đất làm dự án", ông Ánh nhận định.

Ông Nguyễn Văn Liên (Tổ trưởng Tổ dân phố 7, phường Đức Giang, quận Long Biên) cho biết giá đất đền bù cho gia đình ông chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Ông Liên mong rằng hiện nay Nghị quyết 18 của TW Đảng có quy định bỏ khung giá đất xác định giá đất theo thị trường sẽ hỗ trợ được người dân trong diện bị thu hồi đất.

Cùng quan điểm, ông Phí Văn Năm, (Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 7, phường Đức Giang, quận Long Biên) chia sẻ về việc bỏ khung giá đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế đền bù khi thu hồi đất, điều này thường gây bức xúc cho người dân vì giá đền bù thấp.

Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 4.

Tại TP.HCM, một số dự án chậm tiến độ nhiều năm liền. Đơn cử, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công ngày 2/4/2010, theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và UBND TP. Đây là dự án trọng điểm kết nối với Đồng Nai, Bình Dương ở ngõ phía Đông TP.HCM. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án vẫn đang dở dang do khâu giải phóng mặt bằng.  

Đến nay, trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) còn hàng chục hộ dân và một công ty vẫn chưa bàn giao đất. Còn trên địa bàn Bình Dương, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 201 với diện tích khoảng 17 ha và mới chi trả được cho 55 hộ.

Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 5.

Nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng trên Xa Lộ Hà Nội (TP.HCM và Bình Dương) sau hơn 10 năm triển khai dự án. Ảnh: Hồng Trâm

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại dự án trên dọc Xa Lộ Hà Nội đoạn qua Phường Linh Trung (TP.Thủ Đức) hiện vẫn còn hàng chục nhà dân chưa bàn giao đúng ranh giới giải phóng mặt bằng. 

Ông T.G.B (một hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng) cho biết nguyên nhân ông chưa chịu bàn giao là do không đồng ý với giá đất đền bù của địa phương. Ông B cho biết mức giá bồi thường mặt tiền đường xa lộ Hà Nội chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá gia đình ông mong muốn phải 30 triệu đồng/m2. Vì thực tế giá thị trường đất mặt tiền khu vực đã mức trên 100 triệu đồng/m2. Ngoài ra, ông B còn cho rằng việc đền bù của địa phương có vấn đề, nơi cao nơi thấp, không bảo đảm tính công bằng không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Một công trình đáng chú ý khác cũng chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng là dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Dự án được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019. Tuy nhiên đến nay, dự án vấn chưa hoàn thành.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhà số 1350 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 4, Quận Tân Bình) cho biết, giá đền bù chưa được như mong muốn của bà cũng như các hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, sau thời gian kéo dài nhiều năm, vì mong muốn ổn định cuộc sống làm ăn, bà mới chấp nhận giá đất đền bù.

Liên quan đến dự án này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Ban quản lí Đường sắt Đô thị TP.HCM, cho biết việc triển khai xây dựng Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện nay có chậm lại vì nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án… đã tác động đến tiến độ dự án. Hiện tại, tỉ lệ bàn giao mặt bằng của dự án mới đạt hơn 84%.

Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 6.

Ngoài dự án trên, TP.HCM còn hàng loạt dự án khác cũng ngưng trệ thời gian dài vì khiếu nại đền bù đất đai như: chùm 3 dự án giao thông cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại (TP.Thủ Đức); Dự án Đường vành đai 2 TP.HCM; Dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…

Trong khi đó, Bình Dương cũng tồn tại nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ do vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng. Đơn cử, đường ĐT 743 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch giúp Bình Dương kết nối, giao thương với TP.HCM và Đồng Nai. Tuyến đường này dài 19,5 km, có lộ trình tiếp giáp với các khu - cụm công nghiệp của TP.Thuận An và TP.Dĩ An.

Cho đến đầu tháng 6/2022, trên toàn tuyến còn 25 hộ chưa bàn giao mặt mặt bằng để thi công. Đáng chú ý, khu vực phường An Phú, Thuận An có 9 hộ dân; tại Dĩ An, phường Tân Đông Hiệp có 2 hộ dân, phường Dĩ An còn 2 hộ, phường An Bình còn 2 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. 

Bỏ khung giá đất: Đột phá khẩu trong Nghị quyết 18 về quản lý đất đai - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Nhung (TP.Dĩ An, Bình Dương) chưa chịu bàn giao mặt bằng liên quan đến khiếu nại đền bù đất đai. Ảnh: Hồng Trâm

Là một trong những hộ không chịu bàn giao mặt bằng trên tuyến đường ĐT 743, chủ khu đất rộng rãi đang kinh doanh quán cà phê, bà Nguyễn Thị Nhung (TP.Dĩ An, Bình Dương) cho biết sau nhiều năm vẫn chưa nhận đền bù vì vướng mắc trong số tiền bồi thường.

Cụ thể, bà Nhung cho biết đơn giá đất địa phương đang áp dụng để đền bù cho đất thổ cư là 25 triệu đồng/m2 và 20 triệu đồng/m2 nông nghiệp, mức giá này rất thấp so với giá thị trường hiện tại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn áp giá đền bù giá đất nông nghiệp lên diện tích đất thổ cư của gia đình nên bà không đồng ý.

Nghị quyết 18: Bỏ khung giá đất - Khai thông điểm nghẽn về chính sách đất đai (Bài 1) - Ảnh 8.

Để gỡ vướng trong công tác đền bù, tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền, tỉnh Bình Dương cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi đơn giá bồi thường, cởi nút thắt cho việc giải phóng mặt bằng.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Dương ngày 15/7, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh cho hay UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công. Trong đó, ưu tiên tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, thẩm định giá đất kịp thời và hợp lý, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng. Chủ động xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, giải tỏa.

Cùng với đó, UBND tỉnh chủ động xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, giải tỏa; sửa đổi, bổ sung các Quyết định 51/2014/QĐ-UBND quy định về chính sách, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định 38/2019/QĐ-UBND quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Kim Ánh, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) hào hứng: Tôi được biết trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, dự án Luật đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến.

"Nếu quy định bỏ khung giá đất theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành TƯ Đảng được ban hành, việc xác định giá đền bù đất sẽ sát với giá thị trường. Điều này sẽ rất có lợi cho cả người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ cho sự phát triển chung", ông Ánh khẳng định.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem