Ngôi chùa ở Sài Gòn có 4 bảo tháp lớn nhất Việt Nam

Thứ bảy, ngày 13/03/2021 13:09 PM (GMT+7)
Pháp viện Minh Đăng Quang, công trình Phật giáo nổi bật tại quận 2, TP.HCM với 4 ngôi tháp cao bao quanh chánh điện của hệ phái Khất sĩ, từng được xác lập 4 kỷ lục Việt Nam.

img

Pháp viện Minh Đăng Quang do cố đại lão hòa thượng pháp sư Thích Giác Nhiên, nguyên Tổng trị sự Trưởng giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam sáng lập năm 1966. Ban đầu pháp viện chỉ gồm một chánh điện cất tạm hình chữ nhật và một số am cốc bằng tre lá. Năm 2009, pháp viện được khởi công xây dựng mới, đến năm 2017 chính thức khánh thành với kiến trúc truyền thống của hệ phái Khất sĩ.

img

Về mặt kiến trúc, pháp viện được xây dựng quy mô lớn, với nhiều hạng mục khá cầu kỳ trên diện tích 37.490 m2. Công trình là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc, rộng lớn với 4 bảo tháp cao án ngữ 4 góc tịnh xá, bao bọc chánh điện, nằm nổi bật bên nút giao thông nhộn nhịp ngã 3 Cát Lái (quận 2).

img

Tháng 5/2019, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập 4 kỷ lục Phật giáo tại pháp viện gồm: Ngôi đạo tràng tịnh xá có bốn bảo tháp lớn nhất Việt Nam, tịnh xá có bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất; nơi tổ chức đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất (1954-2014) và nơi diễn ra Lễ khất thực cổ Phật lớn nhất.

img

Từ cổng tam quan vào là hai bảo tháp hình bát giác, có thiết kế giống nhau, đối xứng hai bên, mỗi tháp gồm 9 tầng, cao 37 m. Bên phải là bảo tháp Ca Diếp - danh hiệu Tôn giả đệ nhất hạnh đầu đà, ngôi bảo tháp tượng trưng cho lịch sử hệ phái, phía bên trái là bảo tháp Xá Lợi, anh hiệu Tôn giả trí tuệ đệ nhất.

img

Các tầng của bảo tháp Ca Diếp thờ 7 vị cổ Phật quá khứ và Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập hệ phái Khất sĩ. Tháp còn lại có chức năng làm thư viện, lưu trữ các tài liệu Phật giáo, kinh pháp, luật và luận bằng các ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật, Thái…

img

Hai bảo tháp phía sau được xây dựng kiến trúc hình tứ giác giống nhau, mỗi tháp gồm 13 tầng, cao 49 m, nền rộng 16 m x 16 m. Đây là nơi tôn trí phật, thánh, tổ sư, các bậc trưởng lão, đại lão...

img

Tháp bên phải là tháp Hồng Ân, tháp bên trái là tháp Tứ Ân. Tầng trên cùng, tôn trí Tam tôn theo ý nghĩa Phật - Pháp - Tăng. Nằm giữa hai tháp phía sau này là khu nghỉ ngơi của các tăng ni.

img

Các chóp tháp đều được thiết kế hoa văn với hình ảnh nổi bật là những búp, đoá hoa sen cách điệu, loài hoa đặc trưng gắn liền với Phật giáo. Ở các đầu đao của những mái tháp đều gắn hoa văn bông sen, phía trên là bánh xe Pháp luân uốn cong vút lên trời.

img

Chánh điện ở giữa là trung tâm của pháp viện Minh Đăng Quang. Hạng mục chính gồm một kiến trúc ngang 40 m, dài 70 m, cao 3 tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính rộng 32 m. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 m, dài 50 m. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế niết bàn. Tầng dưới cùng là giảng đường rộng 40 m, dài 50 m.

img

Xung quanh chánh điện là các tháp nhỏ đặt ở 4 góc, là nơi đặt chuông, trống của pháp viện cùng các thang máy.

img

Bên trong chánh điện có kết cấu chính bằng gỗ khá đồ sộ, được điêu khắc tinh xảo. Chính giữa là bảo tháp bằng gỗ cao 12 m. Bên trong tôn trí tượng Phật Thích ca bằng đồng cao 7,2 m, nặng 7,2 tấn.

img

Điện thờ này được công nhận là ngôi tịnh xá có bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất Việt Nam.

img

Trong khuôn viên pháp viện rộng rãi, trồng khá nhiều cây xanh, bonsai là tượng Tổ sư Minh Đăng Quang màu trắng đặt trước bảo tháp Xá Lợi. Tổ sư là người khai sơn hệ phái Khất sĩ từ năm 1944, với chí nguyện: "Nối truyền Thích ca chánh pháp". Đây là một trong 9 tổ chức thành viên thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

img

Tượng phật Di Lặc được xây dựng khá lớn, nằm nổi bật giữa trung tâm khuôn viên. Pháp viện lâu nay trở thành điểm đến thường xuyên của các phật tử cũng như du khách thập phương.

img

Ngoài các tượng Phật có kích thước, màu sắc khác nhau đặt trong khuôn viên pháp viện, một hồ nước phía trước tượng Phật Di lặc được tạo cảnh quan hình bản đồ Việt Nam với mặt đá nhiều màu sắc, chia thành các tỉnh thành.

img

Nằm khuất một góc phía sau, cạnh hai bảo tháp Hồng An, Tứ Ân là ngôi chánh điện cũ của pháp viện. Công trình hiện tại chỉ còn lưu giữa những chân cột có mái che bằng tôn. Đây là ngôi chánh điện đơn sơ, nhỏ bé nhưng là dấu tích cho sự phát triển của pháp viện Minh Đăng Quang và hệ phái Khất sĩ ở miền Nam.

Lê Quân
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem