Nông dân Hiệp Đức nuôi heo, trồng rừng đổi đời nhờ vốn tín dụng chính sách tiếp sức

28/07/2021 06:00 GMT+7
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Hiệp Đức, mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trương Công Anh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức cho biết, với chức năng, nhiệm vụ là "tiếp vốn" tín dụng chính sách cho người dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với ngân hàng, thước đo đánh giá của hiệu quả tín dụng chính sách không chỉ là con số tăng trưởng cao mà hơn hết là chất lượng cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện miền núi này.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Hiệp Đức đổi đời - Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức mà anh Trần Văn Công đã xây dựng được mô hình kinh tế nuôi heo rừng lai và trồng rừng. Ảnh: Trần Hậu.

Những năm qua nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả, điển hình như hộ anh Trần Văn Công (xã Hiệp Hòa).

Đến thăm mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi heo rừng lai của anh Trần Văn Công (SN 1983), ở thôn Bình Triều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, anh Công cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, sau khi lập gia đình anh bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế trồng rừng kết hợp chăn nuôi heo rừng lai, làm bước phát triển kinh tế cho gia đình.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Hiệp Đức đổi đời - Ảnh 2.

Tín dụng chính sách, "bệ phóng" để nông dân huyện Hiệp Đức đổi đời. Ảnh: Trần Hậu.

Ban đầu do vốn ít nên anh chỉ trồng được 1-2ha rừng, đến năm 2013 anh mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện Hiệp Đức 50 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy được anh mua thêm diện tích rừng để trồng keo, đồng thời xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai.

"Khi mới lập gia đình, hai vợ chồng tôi khó khăn lắm. Nhưng với sự trợ giúp của Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức, mà vợ chồng tôi đã có nguồn vốn để trồng keo, nuôi heo. Đến nay, cơ ngơi của gia đình tôi có được là rừng keo lai 7ha, cùng đàn heo rừng lai 100 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 30-40 con. Với mô hình trồng rừng và nuôi heo rừng lai, mỗi năm sau khi trừ chi phí đem lại nguồn lãi ổn định cho gia đình tôi hơn 150 triệu đồng, nhờ đó mà vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn trước rất nhiều…", anh Công phấn khởi nói.

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Hiệp Đức đổi đời - Ảnh 3.

Đến nay, cơ ngơi có gia đình anh Công gồm rừng keo 7ha, cùng đàn heo rừng lai 100 con. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Trương Công Anh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức cho biết thêm, những năm qua, đơn vị luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hiệp Đức để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua đó, góp phần cùng với huyện thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới…

Quảng Nam: Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Hiệp Đức đổi đời - Ảnh 4.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng trăm hộ ở Hiệp Đức vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trần Hậu.

Đặc biệt, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Hiệp Đức, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và vươn lên thoát nghèo bền vững. Ở huyện Hiệp Đức ngoài hộ anh Trần Văn Công thì còn có hàng trăm hộ tiêu biểu khác như hộ ông Trần Thế Anh, Lê Văn Hoa, Trần Quyết Tiến…

Đến 30/6/2021 tổng nguồn vốn thực hiện của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức đạt 292.099 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 233.900 triệu đồng, vốn huy động tại địa phương là 42.177 triệu đồng, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 16.022 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/6/2021 là 292.099 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,52%, tăng 17.868 triệu đồng.


Trần Hậu
Cùng chuyên mục