Phát hiện 16,7 triệu lần xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, xử phạt hành chính

10/02/2023 07:37 GMT+7
Từ thiết bị GSHT Cục Đường bộ Việt Nam phát hiện 16,7 triệu lần xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km là 0,75 lần.

Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2022, cả nước có 938.092 phương tiện được các Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu thực hiện lắp đặt và truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) thuộc Cục Đường bộ Việt Nam và có khoảng 200.000 xe đã lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Qua đó, từ thiết bị GSHT Cục Đường bộ Việt Nam phát hiện 16,7 triệu lần xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km là 0,75 lần, giảm 22,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Phát hiện 16,7 triệu lần xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, xử phạt hành chính - Ảnh 1.

Xe kinh doanh vận tải tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh miinh họa: TA

Về xử lý vi phạm, theo báo cáo từ các Sở GTVT, năm 2022 đã thực hiện xử lý thu hồi phù hiệu đối với 24.628 phương tiện vi phạm quá tốc độ từ 5 lần/1000 km xe chạy trở lên.

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh nhắc nhở đối với 148.868 lượt phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu; xử phạt vi phạm hành chính 22 triệu đồng.

Về hoạt động của hệ thống thu phí không dừng, tính đến ngày 21/12/2022, 4.413,236 phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc, đạt tỷ lệ 95%.

Toàn bộ 146 trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai thu phí không dừng với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng.

Toàn bộ các trạm thu phí mở đã được vận hành thu phí theo phương án chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy; các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng toàn bộ từ ngày 01/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ bản hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí vận hành ổn định. Việc chỉ thu phí điện tử không dừng đã giúp các phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, không phải dừng lại trả phí như trước đây nên không gây ra ùn tắc tại trạm, giảm tải trong công tác đổi tiền lẻ, bảo quản tiền mặt tại các trạm thu phí.

Góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn, tắc tại các trạm thu phí so với trước đây, giảm bớt áp lực điều hành giao thông của lực lượng CSGT, Thanh tra đường bộ, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư; các tuyến, các trạm thu phí ETC không cần xả trạm như trước.


Thế Anh
Cùng chuyên mục