Nạn chuột hoành hành phá hoại mùa màng, cắn phá vật dụng khiến nhiều gia đình vô cùng bức bối. Nhưng việc sử dụng điện để diệt chuột sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội, cộng đồng; thậm chí nguy hại cả sức khỏe, tính mạng của người thực hiện và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có tai nạn xảy ra.
Hành vi của ông là lời cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng sử dụng điện bẫy chuột gây nguy hiểm chết người mà pháp luật đã nghiêm cấm từ lâu. Sự việc là vào tháng 1-2020, ông Sơn phát hiện nhà có nhiều chuột cắn phá nên đã dùng điện để bẫy chuột.
Do nhà có kết cấu vách tôn, ông Sơn dùng một đoạn dây điện dài khoảng 50cm (loại dây có lõi đồng) và tuốt nhựa hai đầu. Một đầu điện móc vào lỗ thủng của tấm tôn vách nhà, đầu còn lại cắm vào lỗ nóng của ổ điện sinh hoạt cho dòng điện chạy qua vách tôn để bẫy chuột.
Thời gian bẫy chuột bắt đầu từ 22 giờ và kết thúc vào 23, 24 giờ cùng ngày. Ông Sơn làm nghề sửa điện gia dụng và nhận thức được việc dùng điện sinh hoạt để bẫy chuột là rất nguy hiểm. Quá trình bẫy chuột, ông Sơn cũng biết rõ vách tôn nhà mình và nhà bên cạnh (khi đó không có người ở) bị dẫn điện qua.
Chính vì vậy, mỗi lần bẫy chuột, ông nằm canh tại ổ điện trong nhà, nếu có việc hoặc phát hiện có người thì rút điện ngay. Nhưng ông Sơn không sử dụng biển báo hay thông báo cho người xung quanh biết.
Vào khoảng giữa tháng 3-2020, bà D (ngụ cùng ấp) đến thuê nhà cập vách với nhà ông Sơn để dự trữ đồ. Như những lần trước, vào khoảng 22 giờ ngày 20-3-2020, ông Sơn tiếp tục dùng điện để bẫy chuột nhưng hôm đó lại ngủ quên.
Khoảng 4 giờ ngày hôm sau, bà D thức dậy đi vào nhà thuê để chuẩn bị dọn hàng ra bán và đi ngang chạm phải sợi dây kẽm dùng phơi đồ tiếp giáp với vách tôn nên bị điện giật chết. Nhận thức về hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật nên ông Sơn đã đến cơ quan công an để tự thú và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã gây ra.
Trường hợp trên không phải là hy hữu, vào đêm ngày 7-4-2020, cũng vì bị chuột cắn phá nên Lý Quyền, ngụ ấp Trung Bình, xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã dùng điện để bẫy chuột. Rồi Quyền cũng dùng sợi dây điện đấu nối trực tiếp với nguồn điện sinh hoạt và kéo xung quanh ruộng lúa.
Sáng hôm sau, Quyền ngắt điện và kiểm tra thì phát hiện có người tử vong, do vướng vào dây chì có nguồn điện. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Châu Thành, TP. Sóc Trăng đã xảy ra 2 trường hợp tự dùng điện bẫy chuột và sử dụng điện sinh hoạt không an toàn dẫn đến điện giật tử vong.
Đáng báo động là tình trạng chết người do sử dụng điện không đảm bảo an toàn có xu hướng gia tăng và tập trung xảy ra ở vùng nông thôn. Tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 12 trường hợp chết người do điện giật. Cụ thể, năm 2018 xảy ra 3 trường hợp; năm 2019 có 3 trường hợp; những tháng đầu năm 2020 đã xảy ra tới 6 trường hợp.
Việc sử dụng điện không an toàn có thể dẫn đến chết người và điều này thường xuyên được cơ quan chức năng khuyến cáo, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguy hiểm như vậy mà vẫn có người hết sức chủ quan, bất chấp cảnh báo, coi nhẹ tác hại của việc câu mắc bẫy điện diệt chuột, nhất là khi mùa thu hoạch đến gần, khi hối hận thì đã quá muộn màng.
Nhớ lại phiên tòa trước đây, lão nông Điền Duôl, ngụ ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và hầu như không để mất lòng một ai từ người già đến trẻ nhỏ nhưng ở tuổi trên 70 lại bị tòa kết án về tội giết người.
Chỉ vì rẫy bắp gần đến ngày thu hoạch mà bị chuột cắn phá, “xót của”, lão nông mua bình ắc quy 12V và một bộ xung điện cùng 250m dây chì về để kéo quanh rẫy bắp bẫy chuột. Trước tòa, ông Duôl thú nhận tội giết người, từ việc bẫy chuột.
Ông thừa nhận bản thân vẫn biết được sự nguy hiểm của việc bẫy chuột bằng điện. Khi dùng dây kim loại không có vỏ bọc và cho dòng điện sinh hoạt chạy qua, nếu ai chạm vào sẽ bị giật chết người. Chính vì thế, lão đã phải đem mùng, chiếu đến rẫy bắp mà canh và chỉ dám câu điện bẫy chuột vào thời gian từ 19 giờ - 22 giờ cùng ngày, từ 2 giờ - 4 giờ ngày hôm sau.
Với lại, ông chủ quan cho rằng khu vực rẫy bắp của mình hiếm khi nào có người qua lại nên “chắc không sao”. Lời nhận tội trong sự ân hận, oán trách bản thân của lão nông khiến người dự khán vừa thương, vừa giận: “Chỉ tại bị cáo… tại bị cáo hết… bị cáo tức lũ chuột mà cạn nghĩ để xảy ra án mạng… phải chi…”.
Hầu như những người dùng điện bẫy chuột đều có một tâm lý chung là khá chủ quan dẫn đến hành động cạn nghĩ. Để rồi có sự cố xảy ra, người vô tội vĩnh viễn ra đi và để lại nỗi đau, sự thương tiếc cho bao người thì có hối hận cũng đã quá muộn màng.
Quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận kiểm sát nhiều vụ chết người do điện giật xảy ra trên địa bàn tỉnh (do sử dụng điện bẫy chuột và sử dụng điện trong sinh hoạt không an toàn).
Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh một số giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp tương tự trên xảy ra trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, tai nạn điện xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, nhất là trong việc tổ chức tuyên truyền và kiên quyết xử lý tình trạng dùng điện diệt chuột sẽ tránh được những tai nạn đáng tiếc như trên.