Dân Việt

Đô thị "ngột thở": "Doanh nghiệp chỉ dám trái luật khi được bật đèn xanh" (bài cuối)

Trần Kháng - Phạm Hà 12/04/2021 06:55 GMT+7
Việc phát triển đô thị, xây dựng chung cư dày đặc trên nhiều tuyến đường như hiện nay xảy ra nhiều bất cập từ quy hoạch chung đến cụ thể từng dự án. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, lỗi đến từ cả hai phía là cơ quản lý cấp phép quy hoạch và chủ đầu tư xây dựng.

"Vỡ trận" vì buông lỏng quản lý và "nuông chiều" chủ đầu tư

Nhìn vào mục tiêu quy hoạch của thành phố đến năm 2030 hay 2050, chúng ta đều thấy các nhà quản lý quy hoạch, những chuyên gia tư vấn xây dựng có ý thức phát triển đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại thường xuyên xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Trong đó, nhiều dự án cao tầng, nâng tầng đổ bộ vào đô thị, mật độ xây dựng tăng nhanh… trong khi hạ tầng điện nước, giao thông không theo kịp khiến Hà Nội ngột ngạt hơn.

Trong nhiều báo cáo, Bộ Xây dựng khẳng định, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ theo quy định; điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật song không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị.

Đô thị "ngột thở": Cần đưa người ký điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ra vành móng ngựa? (bài cuối) - Ảnh 2.

Chung cư "mọc" dày đặc trên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân... đang gây sức ép quá tải hạ tầng giao thông khu vực.

Nhận định về tình trạng này, trao đổi với PV Dân Việt KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch đô thị ở Hà Nội càng ngày càng bị băm nát bởi các dự án. Khi chúng ta có quy hoạch chung thì có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án được triển khai xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung.

Đô thị "ngột thở": Cần đưa người ký điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ra vành móng ngựa? (bài cuối) - Ảnh 3.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Đơn cử, chúng ta có đường vành đai 1, 2, 3 và các đường vành đai đó sẽ xuất hiện các khu đô thị với mục đích kéo dãn dân của nội đô ra. Nhưng, các dự án, khu đô thị đó thì lại bị chủ đầu tư tham gia vào một cách bất hợp lý. Rất nhiều khu đô thị đã bị "biến tướng" so với quy hoạch, thiếu bãi đỗ xe, thiếu cây xanh, không có không gian công cộng, trường học...

"Khi họ đầu tư vào đây là mong muốn có lợi nhuận nhưng ai cho phép họ làm thì lại là chính quyền. Cho nên, chính quyền cần phải có 1 cái tâm, 1 cái tầm và có tài. Để nhận thấy rằng, doanh nghiệp đầu tư vào đây làm cho diện mạo kiến trúc Hà Nội đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người dân cải thiện. Chứ không phải là họ tham gia vào đây để tạo lên áp lực cho thành phố về giao thông, hạ tầng đô thị", ông Tùng nhấn mạnh.

Nói về sự gia tăng chóng mặt số lượng chung cư trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội), ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không thể nói việc xây dựng ở khu vực này không có quy hoạch. Từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu... Hà Nội đều đã có, vấn đề ở đây là quy hoạch có được thực hiện đúng hay không? Lúc chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch từ tầm nhìn cũ sang tầm nhìn mới có gì khác nhau, sai sót ở chỗ nào?...

"Là chủ đầu tư đi xin dự án rất khó bởi cái gì cũng đều có quy hoạch rồi. Đã có quy hoạch thì không ai dại gì cấp vượt quy hoạch cho chủ đầu tư và người cấp vượt phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp cấp vượt thì phải xem xét lại cả quy hoạch tổng thể và quy hoạch phân khu, mà người quyết định cao nhất phải là UBND TP Hà Nội hay Chính phủ", ông Thanh chia sẻ.

Đô thị "ngột thở": Cần đưa người ký điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ra vành móng ngựa? (bài cuối) - Ảnh 4.

Hàng chục nghìn căn hộ "đu bám" hai bên các tuyến đường giao thông nhỏ.

Dưới lăng kính pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch xây dựng hiện nay đã khá đầy đủ: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, các Nghị định hướng dẫn luật, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch. Như vậy, Việt Nam đã có hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ và rất thuận lợi cho hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh quy hoạch đô thị và xây dựng.

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước trong xử lý vi phạm đối với các nhà đầu tư vi phạm lại chưa đạt kết quả, hay nói cách khác việc xử phạt là không tương xứng với hành vi vi phạm về cả lượng và chất. Thực trạng quy hoạch bị băm nát như hiện nay cũng đủ cơ sở khẳng định là do sự lơ là của các cơ quan quản lý, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí cả dấu hiệu "chạy chọt" của chủ đầu tư tới những chủ thể có quyền hạn, chức vụ.

Xử lý người điều chỉnh quy hoạch sai

Theo nhận định chung từ nhiều chuyên gia thì phía cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đầu tiên về câu chuyện "băm nát" quy hoạch. Bởi quỹ đất của Hà Nội là tài sản của Nhà nước thì việc một tổ chức đưa ra bản quy hoạch bất lợi, đồng ý cho xây dựng những dự án ảnh hưởng đến bộ mặt, kinh tế, xã hội thì có thể xem như đó là tội xâm phạm đến lợi ích quốc gia để xử phạt.

Nhưng xử phạt thế nào khi câu chuyện này có liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan đến cả hệ thống đã đồng ý cấp phép xây dựng thì đến nay vẫn chưa có luật hay một chế tài xử phạt nào rõ ràng.

Phân tích hệ quả của việc điều chỉnh quy hoạch và những lỗ hổng trong khâu quản lý quy hoạch, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn Phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị cần phải nhìn nhận rõ rằng, một dự án có nhiều thành phần, phần đang xây dựng theo quy hoạch mở rộng phát triển đô thị thì không có gì đáng bàn nhưng nếu như giờ điều chỉnh xây chen vào các tòa nhà cao tầng thì đó lại là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu đã quy hoạch đô thị thì phải đảm bảo tỷ lệ về cây xanh, mặt nước, diện tích xây dựng, tỷ lệ dân số trong khu đô thị.

Đô thị "ngột thở": Cần đưa người ký điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ra vành móng ngựa? (bài cuối) - Ảnh 6.

Cư dân nhiều khu đô thị bức xúc vì các quyết định điều chỉnh quy hoạch còn bất cập.

Trước khi điều chỉnh quy hoạch một khu đô thị thì cần phải làm rõ vì sao lại điều chỉnh, điều chỉnh đó có vi phạm những quy định của thành phố, Nhà nước, Chính phủ hay không và có đi trái với quy hoạch đã được duyệt lần đầu không? Ai ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị đó thì đến lúc điều chỉnh, cấp đó phải ký điều chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ vì sao phải cho phép điều chỉnh.

Điều quan trọng là Nhà nước có thể điều chỉnh được doanh nghiệp, điều tiết lại bằng các chính sách và pháp luật. Luật pháp của các nước rất nghiêm, doanh nghiệp trốn thuế thì bị phạt nặng, bỏ tù cho nên doanh nghiệp nước họ dù vì lợi nhuận nhưng không dám xây dựng trái phép. Trong khi ở nước ta, doanh nghiệp dường như có thể tác động được đến một số cơ quan quản lý theo lợi ích của họ.

"Tôi đã từng nói, thực ra doanh nghiệp rất sợ pháp luật, doanh nghiệp chỉ dám làm trái pháp luật khi được "bật đèn xanh" chứ doanh nghiệp thường không dám bất chấp vi phạm pháp luật", ông Tùng nhấn mạnh.

Đô thị "ngột thở": Cần đưa người ký điều chỉnh phá vỡ quy hoạch ra vành móng ngựa? (bài cuối) - Ảnh 7.

Ùn tắc giao thông gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Theo ông Tùng, hệ luỵ của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ. Những năm 2000 khi Nhà nước có chủ trương trao danh hiệu các đô thị kiểu mẫu, miền Bắc chỉ có duy nhất Khu đô thị Bắc Linh Đàm, miền Nam có khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhưng trải qua thời gian, 10 năm trở lại đây, khu Đô thị Linh Đàm dần bị phá nát. Tuy nhiên, Nhà nước lại chưa xoá bỏ hoặc thu lại danh hiệu khu đô thị kiểu mẫu. Có nghĩa là chỉ tính đến việc trao tặng nhưng không tính đến chuyện khi nào thì phải thu hồi, qua đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.

"Cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh nhưng hiện nay điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát. Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội đồng này lặng lẽ "biến mất". Việc siết lại quy hoạch muộn còn hơn không nhưng phải trên tư duy phát triển chứ không phải siết lại để không thể phát triển. Tức là vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng phải quản lý thật chặt", ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, công tác hậu kiểm, điều chỉnh quy hoạch cần thiết nhưng điều chỉnh quy hoạch phải phù hợp với luật pháp. Quy hoạch cần được điều chỉnh khi thấy có lợi cho xã hội, cho nền kinh tế. Thậm chí hy sinh những diện tích đất để làm cao tốc, đó là sự đóng góp cho đất nước. Còn điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư thì lại là một vấn đề khác.

"Chúng ta cũng chưa bao giờ đi thanh kiểm tra quyết định điều chỉnh quy hoạch, cũng chưa có vụ án nào xử lý về chuyện đó. Mới chỉ có chuyện xử lý doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo. Nhưng có lẽ đã đến lúc đưa ra vành móng ngựa cả người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, pháp luật về những chữ ký của mình. Bởi suy cho cùng, các dự án này là bất động sản mà bất động sản đó là tài nguyên, là đất đai cho nên phải nhìn từ hai phía", ông Tùng nói thêm.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode, cần phải xử lý nghiêm, kịp thời và đúng luật đối với các nhà đầu tư có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi góp phần phá vỡ quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Nếu không, rõ ràng Hà Nội đang dần dần bị "gặm nhấm", phá tan nát quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ở đây, cũng cần tiến hành đồng thời việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể vì năng lực yếu kém, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm công vụ, hoặc cố ý bao che, làm ngơ cho những vi phạm…

Luật sư Nguyễn Phú Thắng nhấn mạnh: "Những quan điểm rất chung chung rằng phải xử phạt thật nghiêm dường như chưa phải là câu trả lời mà người dân Hà Nội cảm thấy thỏa mãn. Họ hy vọng nhiều hơn những nhà quản lý "công khai minh bạch" khi đưa ra chính sách quy hoạch, phải chịu trách nhiệm giải trình khi ký cho phép xây dựng".

Thanh kiểm tra "điểm nóng" điều chỉnh quy hoạch

Thực hiện Quyết định số 17 ngày 5/3/2020 của Chánh thanh tra Bộ Xây dựng về thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội; Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), khu đô thị Trung hòa - Nhân Chính, Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng mới đây đã tiến hành thanh kiểm tra hiện trường các chủ đầu tư đồ án, dự án, công trình xây dựng.

Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh kiểm tra loạt dự án tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính như dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất C1; dự án Công trình công cộng đơn vị ở tại ô đất C2; dự án Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội tại ô đất T1; dự án Cải tạo, nâng cấp trường mầm non Hoa Trà My tại ô đất T2...

Theo đó, Đoàn kiểm tra, ghi nhận hiện trạng các dự án, công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, giấp phép xây dựng được cấp, theo thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc tham gia ý kiến (nếu có).

Đồng thời, cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cung cấp tài liệu có liên quan đến dự án của mình như: Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận; giấy phép xây dựng (nếu có); hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công phần kiến trúc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc tham gia ý kiến (nếu có); Bản vẽ hoàn công (phần kiến trúc) và hồ sơ điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng (nếu có).